TikTok ‘dậy sóng’ về nền tảng trò chuyện giữa độc giả và nhân vật sách

Character.AI, một chatbot AI cho phép người dùng “nói chuyện” trực tuyến với các nhân vật trong sách, đang dấy lên nhiều tranh luận từ cộng đồng BookTok, theo The Bookseller.

Tạo hình nhân vật trong Game of Thrones. Ảnh: CCBoook.

Nhiều độc giả quốc tế có thể không còn lạ với Character.AI, nền tảng được thành lập từ năm 2021 nhưng chính thức được triển khai rộng rãi từ tháng 9/2022. Sau khi tạo tài khoản, Character.AI cho phép người dùng “nói chuyện” với các nhân vật trong sách như Violet Sorrengail, nhân vật chính trong loạt truyện Empyrean của Rebecca Yarros, hay Cal Calore, một nhân vật trong loạt truyện Red Queen của Victoria Aveyard.

Theo thông tin từ video của tác giả Aveyard thảo luận về Character.AI, nhân vật AI Cal Calore đã có hơn 78.000 lượt tương tác.

van hoc AI anh 1

Với những bộ truyện nổi tiếng, các nhân vật chính cũng hút rất nhiều lượt tương tác. Ảnh:

Trong bài đăng của mình, Aveyard phản đối việc nhân vật của mình bị sử dụng tự do như vậy: “Tôi chưa thấy bất kỳ khoản bồi thường nào và hoạt động đó cũng không được cấp phép”. Bà cho biết sẽ “hành động” để các nhân vật của mình không còn xuất hiện trên Character.AI.

Ngoài giới tác giả, nhiều BookToker cũng đang gia nhập cuộc thảo luận về nền tảng này. Tính tới ngày 18/7, hashtag #characterai đã được sử dụng trong hơn 975.100 video trên TikTok. Tài khoản Suraka có 17.000 người theo dõi coi Character.AI là “một bước đi tới việc thay thế cách kể chuyện chân thực bằng sự thỏa mãn đơn thuần nhờ thuật toán”.

Đóng góp cho cộng đồng fanfic?

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ Character.AI. “Các chatbot như Character.AI đã trở thành một công cụ kể chuyện mạnh mẽ, đóng vai trò như một cánh cổng dẫn đến các vũ trụ hư cấu. Bằng cách cho phép mọi người tương tác với các nhân vật yêu thích của họ, người hâm mộ có thể chuyển từ người đọc thụ động thành nhân vật chủ động trong câu chuyện”, tài khoản Sanziana-Dana có hơn 3.300 lượt theo dõi nói.

van hoc AI anh 2

Người dùng có rất nhiều lựa chọn về nhân vật họ muốn tương tác trên Character.AI.

BookToker Emily có 90.100 người theo dõi cũng đồng tình với ý kiến này. “Mọi người luôn khao khát được tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật một cách thực sự, thay vì chỉ nhận được sự mô tả các nhân vật và bối cảnh yêu thích của họ. Các chatbot đang nhanh chóng mang đến cơ hội đó”.

Tài khoản Brittany, với 58.300 người theo dõi, nói thêm rằng các chatbot đang mở rộng việc xây dựng thế giới viễn tưởng vượt ra ngoài trang sách. Brittany “cho rằng các công cụ này thực sự hiệu quả đối với những người viết fanfic khi họ cần mô phỏng lời nói và hành vi của nhân vật gốc”.

Sanziana-Dana cũng cho hay các chatbot cho phép người dùng dễ dàng khám phá “nhiều kịch bản giả định” và những kết thúc mới thay cho những cái kết thường thấy trong fanfic.

Theo tài khoản của Busayo với 27.000 người theo dõi: “Trước đây, khi mọi người yêu thích tác phẩm của một tác giả và muốn viết tiếp câu chuyện, rất nhiều độc giả sẽ đăng nhập vào các nền tảng như AO3 hoặc Wattpad và sáng tác các tác phẩm fanfic. Giờ đây, mọi người sử dụng Character.AI để triển khai các nhân vật phù hợp với khuôn mẫu và lý thuyết mà họ muốn”.

Xóa mờ ranh giới sáng tạo

Tuy nhiên, đối với Suraka, Character.AI “đã vượt qua lằn ranh”. “Các cộng đồng người hâm mộ (fandom) luôn hướng đến việc tăng cường sự tương tác với thế giới và nhân vật yêu thích của chúng ta, thông qua tiểu thuyết fanfic, trao đổi nghệ thuật và các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, những chatbot như Character.AI lại mang đến cảm giác giống những mối quan hệ được dàn dựng hơn là sự mở rộng sáng tạo. Các công cụ đó không giúp ích cho việc xây dựng thế giới, mà đang thương mại hóa các mối quan hệ hư cấu theo một cách gây khó chịu”, Suraka đánh giá.

Suraka cũng tin rằng Character.AI “đang phát triển những khía cạnh tồi tệ nhất của fandom. Nó khuyến khích sự ám ảnh, lệ thuộc và một cảm giác kết nối rất méo mó”.

van hoc AI anh 3

Ảnh: Shutterstock

Khi được hỏi về những lý do mọi người sử dụng Character.AI, các BookToker cho rằng có nhiều nguyên nhân như sự cô đơn, muốn nắm quyền kiểm soát hay muốn thoát khỏi thực tại.

Suraka tin rằng những chatbot như Character.AI hấp dẫn vì “nó mang đến một ảo tưởng về sự kiểm soát”. Brittany cũng chỉ ra mong muốn kiểm soát của người dùng: “Tôi đoán lý do là họ có thể kiểm soát một nhân vật và muốn nhân vật đó nói chính xác những gì họ muốn nhân vật nói”.

Suraka nói thêm: “Người dùng nghĩ rằng đó là một không gian nơi họ có thể nhận được sự tương tác họ mong muốn mà không sợ bị từ chối. Nhưng sự tưởng tượng đó phải trả giá rất đắt. Những nền tảng như vậy đang nuôi dưỡng một cảm giác thân mật giả tạo và sẽ nuôi dưỡng kỳ vọng về các mối quan hệ không lành mạnh. Chúng không bao giờ tạo ra sự kết nối thực sự với các câu chuyện hay nhân vật. Nó sẽ chỉ nuôi dưỡng sự cô lập và kết nối giả tạo”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.