Mỗi kỷ vật, cuốn sách trong thư phòng nhạc sĩ Phạm Tuyên đều gợi lên bài hát của ông. Chúng nổi tiếng tới mức chỉ cần nghe tên thôi giai điệu và lời ca đã tự chạy trong đầu.
![]() |
Giữa lòng Hà Nội, căn nhà tập thể của nhạc sĩ Phạm Tuyên nằm nép mình sâu trong con phố Vạn Bảo. Đây là không gian lưu giữ ký ức âm nhạc, nơi thời gian dường như chậm lại trong từng đồ vật. Căn phòng làm việc của ông được người con gái út Phạm Hồng Tuyến gọi bằng tất cả sự trìu mến là “kho ký ức”, bởi mọi góc nhỏ trong không gian ấy đều chất chứa một phần đời, một giai đoạn sáng tác, một hồi ức không thể nào quên. |
![]() |
Thập niên 80-90, khi gia đình chuyển từ khu tập thể cũ ở Đại La về Vạn Bảo, thư phòng của nhạc sĩ đã sớm định hình với hai tủ sách lớn luôn kín đặc. Một bên là những bản nhạc, bản thảo, tác phẩm đã trở thành ký ức chung của nhiều thế hệ người Việt Nam như Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở Bản Đôn, Chiếc đèn ông sao… Bên còn lại là sách nghiên cứu tâm lý giáo dục của bà Nguyễn Ánh Tuyết, người bạn đời và tri kỷ của ông trong cả cuộc sống lẫn hành trình nuôi dạy con cái. Theo thời gian, nhiều cuốn được bổ sung vào tủ sách gia đình. Giờ đây, bốn bề thư phòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là sách. |
![]() |
Mỗi góc trong căn phòng đều có thể thấy những cuốn sách về nhạc lý, bản nhạc, thường thức âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, một phần là sách của vợ ông. Chị Tuyến luôn cảm thấy may mắn khi được lớn lên trong gia đình có bố là nhạc sĩ viết nhiều bài hát thiếu nhi và mẹ là một người am hiểu tâm lý trẻ nhỏ. |
![]() |
Không gian thư phòng còn có rất nhiều bằng khen, kỷ niệm chương và những bức ảnh được lưu giữ cẩn thận như minh chứng cho một đời cống hiến. Tấm bằng ghi nhận kỷ lục nhạc sĩ có nhiều ca khúc được người Việt Nam yêu thích nhất hay những giấy chứng nhận từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam… được xếp ngay ngắn. |
![]() |
Có những cuốn sách về hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam được ông lưu trữ rất kỹ dù chúng đã ra mắt từ gần 15 năm nay. Mỗi khi có ai hỏi đến một nhạc sĩ đồng nghiệp, ông lại lật tìm trong cuốn sách dày danh sách hội viên mà ông đã lưu giữ và bổ sung thông tin suốt hơn một thập kỷ. “Ông vẫn tự tay ghi thêm ngày sinh, ngày mất, quê quán… như thể không muốn bỏ quên một ai”, chị Tuyến chia sẻ. |
![]() |
Thư phòng của ông là “ngôi nhà” của những chú voi – biểu tượng gắn liền với Chú voi con ở Bản Đôn. Từ tranh gỗ người Ê Đê tặng, đến những chú voi vải nhồi bông do các em nhỏ ở câu lạc bộ Đọc sách cùng con của nhà văn Thụy Anh gửi tặng, tất cả tạo thành một “đàn voi” ngộ nghĩnh mà giàu ý nghĩa. Với nhiều người, thế giới giai điệu của nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhịp cầu nuôi dưỡng tâm hồn và tuổi thơ. |
![]() |
Căn phòng ấy cũng có một cây đàn piano nhỏ. Âm thanh nay không còn trong trẻo như xưa, nhưng với chị Tuyến, mỗi lần lướt ngón tay trên phím đàn là một lần nhạc trở về. “Nghe Cánh én tuổi thơ, trẻ em thấy vui, còn người lớn thì thấy buồn”, chị Tuyến tâm sự. Đó là nỗi buồn man mác, hoài niệm về tuổi thơ đã qua, về một thời chưa xa mà đã lùi vào kỷ niệm. |
![]() ![]() |
Giữa hàng nghìn trang sách trong tủ, có những tập thơ nằm sâu bên trong. Đó là món quà của các nhà thơ gửi nhờ nhạc sĩ phổ nhạc. Nhiều bài trong số đó đã trở thành bất hủ như Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Chiếc đèn ông sao… Đặc biệt, bài hát Chiếc đèn ông sao được ông sáng tác cho học sinh từ miền Nam ra tập kết năm 1956. |
![]() |
Không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ của cha, căn phòng ấy còn là nguồn cảm hứng để chị Phạm Hồng Tuyến tiếp tục hành trình của riêng mình. “Chính bố là người đóng cho tôi chiếc tủ sách đầu tiên. Sau khi nghỉ hưu, tôi dành nhiều thời gian để viết sách, tìm hiểu sâu hơn về quá trình sáng tác của ông”, chị nói. Từ đó, những tác phẩm như Hồi ức tuổi thơ và Về quê đã ra đời, như cách chị tiếp nối di sản tinh thần của người cha bằng ngôn ngữ của chính mình. |
![]() |
Là một người đã làm nhiều chương trình về thiếu nhi, chị hiểu rằng để trẻ tiếp cận sách trong thời đại số, không thể chỉ làm ra một cuốn sách toàn chữ như chị vẫn đọc ngày xưa. Chị kết hợp thêm các phần audiobook và video bài hát ngay trong ấn phẩm. “Bây giờ, sách phải đẹp thì mới gần gũi với thế hệ trẻ”, chị Tuyến tâm sự. |
![]() |
Theo quan sát từ phía gia đình, nhiều người không thể tiếp cận được các bản nhạc gốc của nhạc sĩ Phạm Tuyên nên họ có thể đã hát và sử dụng sai lời ban đầu. Vì vậy, chị Tuyến cho rằng điều cần thiết là phản scan, in ra những bản viết tay của cha mình để từ đó giúp mọi người tìm đến đúng lời và nhạc. |
![]() |
Hiện nay, chị Tuyến đang ấp ủ thực hiện một Tổng tập về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, gồm hai tập với hàng trăm bản nhạc gốc, bản viết tay do chính ông ghi lại. Dự án này không chỉ là một công trình sưu tầm, nghiên cứu, đó là cách để “kho ký ức” ấy được mở ra với công chúng, như bảo tàng sống động về một cây cổ thụ âm nhạc của Việt Nam. Điều đáng tiếc rằng có một số cuốn sách của nhạc sĩ đã bị thất lạc, chị Tuyến tới một số nơi lưu trữ lớn nhưng đều không còn. |
![]() |
Thư phòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là một thế giới riêng, nơi mà quá khứ và hiện tại cùng sống động, đan xen qua từng trang bản thảo, tiếng đàn, ánh mắt của những bức ảnh cũ. Nó phản chiếu một thời kỳ lịch sử âm nhạc Việt Nam qua lăng kính cá nhân đầy nhân văn. Ở đó, mọi người cảm nhận được tinh thần lao động bền bỉ, sự nghiêm cẩn với nghề, và lòng tin sâu sắc vào giá trị của âm nhạc đối với con người. |
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.