Tại sao lớp trẻ vẫn yêu, vẫn nhớ mà chưa đến với cải lương?

Trò chuyện quanh cuốn “Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 2025”, nghệ sĩ Ca Lê Hồng trăn trở giới trẻ hiện nay vẫn yêu mà chưa dấn thân vào nghệ thuật này.

San khau cai luong anh 1

Nghệ sĩ Bình Tinh vào vai Phi Giao trong vở Xử án Phi Giao năm 2022. Ảnh: PNVN.

Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 2025 là tập sách gồm 81 bài viết. Đây là công trình đầy tâm huyết của hơn 50 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, đạo diễn trong lĩnh vực sân khấu.

Phát triển trên nền tảng của kế thừa

Với bề dày phát triển hơn 100 năm, sân khấu cải lương ghi dấu trong lòng khán giả với những câu chuyện đẹp, những vở diễn được chăm chút tỉ mỉ, chỉn chu.

Cải lương có vị trí quan trọng là nhờ hòa quyện tinh thần hiện đại của sân khấu thế giới như kịch nói và kế thừa tinh tế các thành tựu từ nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Chính do vai trò “gạch nối” đầu thế kỷ 20, cải lương đã trở thành một loại hình sân khấu riêng biệt, vừa dân tộc vừa hiện đại.

San khau cai luong anh 2

(Từ trái qua) PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu tại một buổi trò chuyện về cuốn sách. Ảnh: Nguyên Hoài.

NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu – đồng chủ biên quyển sách – cho biết Hội Sân khấu Thành phố muốn để lại gì đó mang tính lâu dài về cải lương. Việc xuất bản một công trình lý luận sẽ tạo dấu mốc bền vững hơn cho sân khấu cải lương.

Theo ông Giàu, quyển sách là sự ghi nhận kịp thời dành cho loại hình nghệ thuật trăm năm tuổi. Tuổi nghề của nghệ sĩ cải lương thường ngắn, phần lớn nghệ sĩ nay đã lớn tuổi. Vì vậy, việc lưu giữ lại ký ức, trải nghiệm và lý luận của thế hệ đi trước sẽ giúp thế hệ sau hiểu rõ con đường đã qua, từ đó tiếp bước vững vàng hơn.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và sân khấu dân tộc cũng nhận định đây chính là “tập đại thành” không chỉ về sân khấu cải lương mà còn về các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.

San khau cai luong anh 3

Sách Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975, sách Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 2025. Ảnh: Hồ Lam.

Nối tiếp sự thành công của công trình biên khảo Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975, sách Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 2025 mở rộng không gian thời gian để bao quát toàn bộ giai đoạn từ sau ngày thống nhất đến nay. Những bài viết đi sâu vào phân tích hoạt động lý luận, dàn dựng, biểu diễn, đời sống của nghệ sĩ trong các thời kỳ đã góp phần giúp độc giả hình dung rõ hơn về sự trồi sụt và sức sống bền bỉ của sân khấu cải lương Sài Gòn – TP.HCM trong nửa thế kỷ qua.

Cho đến nay, cải lương vẫn sống trong thực tế cuộc sống với tư cách là một di sản văn hóa thật sự và di sản văn hóa đó mang tính chất đặc thù. Theo nhà nghiên cứu, chất liệu cuộc sống được đưa vào cải lương rất đa dạng chứ không bị giới hạn như chèo, tuồng.

Nói về tương lai của cải lương, NSƯT Ca Lê Hồng khẳng định sức sống mãnh liệt của cải lương khi đã dung nạp rất nhiều đề tài, thể loại, từ chèo, tuồng, hát bội, cho đến các loại hình nghệ thuật từ nước ngoài.

“Cải lương sẽ luôn ở trong hai trạng thái động – tĩnh của xã hội. Tĩnh để giữ lại những nét đẹp truyền thống vốn có còn động sẽ là phát triển để loại hình này không bị mai một mà sẽ gắn liền với dòng lịch sử của đất nước”, bà Ca Lê Hồng nhấn mạnh.

Tương lai cải lương là ở giới trẻ

Phát triển từ nhận định “cải lương phải đi vào công nghiệp văn hoá”, TS Mai Mỹ Duyên đặt vấn đề cần sản xuất loại “hàng hóa đặc biệt” cải lương như thế nào? “Sáng tạo phải xuất phát từ cơ sở nhu cầu, xu hướng thẩm mỹ của công chúng”. Do đó, các vở cải lương đã làm nên tên tuổi, phong cách của cải lương như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt phải có sẵn suất chiếu cho khán giả muốn xem.Cùng lúc, những sáng tạo của giới trẻ như cải lương nhạc kịch, cải lương opera, kịch múa cải lương, dân ca, nhạc kịch cải lương… cần được cởi mở đón nhận. Tiêu biểu là vở Lá cờ thêu 6 chữ vàng do đạo diễn Lê Nguyên Đạt dàn dựng rất ấn tượng và đạt hiệu quả chất lượng cao.Bà nhấn mạnh: “Tên gọi của cải lương nghĩa là sửa đổi để làm cho tốt hơn. Chúng ta có thể dạy ở trường học những khuôn mẫu để cho các bạn học đạo diễn, học diễn viên biết cách thực hành cải lương. Nhưng chúng ta hãy mở tư duy sáng tạo để tiếp nhận cái mới”, bà Duyên kết luận.

San khau cai luong anh 4

(Từ trái qua) TS Mai Mỹ Duyên, NSƯT Ca Lê Hồng – những người góp bút cho tập sách Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 2025. Ảnh: Nguyên Hoài.

NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất Thành uỷ TP.HCM thành lập Ban Nghiên cứu Cải lương phụ trách các vấn đề lý luận và thực tiễn giúp các đoàn cải lương phát triển, nhiệm vụ trọng tâm là đưa cải lương đến với giới trẻ.

“Tại sao bây giờ lớp trẻ người ta vẫn nhớ, vẫn yêu cải lương nhưng lại chưa đến với cải lương? Vấn đề kịch bản, đạo diễn, âm nhạc… phải như thế thế nào? Đào tạo cải lương cũng phải nghiên cứu chứ không thể như trước kia”, bà nói.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.