Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật cho rằng cuốn sách “Việt Nam – Một góc nhìn từ Nhật Bản” cho thấy sự giao lưu trí tuệ giữa hai quốc gia.
Cuốn sách thứ tư của GS.TS Furuta Motoo, Việt Nam – Một góc nhìn từ Nhật Bản ra mắt trong không khí chuẩn bị 52 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Đây là kết tinh của hơn nửa thế kỷ gắn bó, nghiên cứu và đồng hành cùng Việt Nam của ông.
Cuốn sách trong nguyên bản tiếng Nhật có tên là Kiến thức cơ bản về Việt Nam, còn bản tiếng Việt mang tựa đề Việt Nam: Một góc nhìn từ Nhật Bản.
Cuốn sách đánh dấu tình hữu nghị Việt – Nhật
Tại lễ ra mắt sách được tổ chức chiều 18/7 tại Hà Nội, ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật, đã chúc mừng, ca ngợi thành tựu vĩ đại của ông Furuta Motoo và bày tỏ kỳ vọng vào mối quan hệ Việt – Nhật, hướng tới tương lai, gắn kết bằng trí tuệ và niềm tin.
![]() |
Ông Takebe Tsutomu phát biểu chúc mừng ông Furuta Motoo nhân dịp ra mắt cuốn sách, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào mối quan hệ Việt – Nhật. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. |
Ông Takebe Tsutomu cho rằng sự kiện không chỉ đơn thuần là việc ra mắt một công trình học thuật mà còn là một sự kiện mang tính biểu tượng, cho thấy sự giao lưu trí tuệ giữa hai quốc gia đã đạt đến một tầm cao mới.
“Nếu từ “Kiến thức cơ bản” gợi lên sự truyền đạt thông tin khách quan, một chiều, thì cụm từ “Một góc nhìn từ Nhật Bản” lại hàm ý khởi đầu của một cuộc đối thoại đầy tôn trọng giữa hai đối tác bình đẳng.
Để một quốc gia chấp nhận một cách cởi mở “một góc nhìn” từ quốc gia khác, bao gồm cả những phân tích sâu sắc, đôi khi sắc bén, về chính mình, cần một mối quan hệ tin cậy vững chắc đến mức nào? Việc nhà xuất bản uy tín nhất Việt Nam đã dũng cảm xuất bản cuốn sách này – một tác phẩm đi sâu vào những chủ đề nhạy cảm như chính trị và lịch sử – chính là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy mối quan hệ đối tác của chúng ta đã vượt qua giai đoạn hợp tác kinh tế và hạ tầng, để đi sâu vào một tình hữu nghị đích thực, nơi hai bên tôn trọng sâu sắc trí tuệ và tinh thần của nhau”, ông Takebe Tsutomu phát biểu tại sự kiện.
Một bức tranh sinh động về Việt Nam
PGS.TS Vũ Trọng Lâm – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận định cuốn sách bao quát khá toàn diện các khía cạnh quan trọng về lịch sử, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Theo ông Vũ Trọng Lâm, GS.TS Furuta Motoo đã vẽ nên “bức tranh” sinh động về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người và chính trị Việt Nam, không chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu, mà còn như một người bạn thân thiết, một người trong cuộc đã và đang sống, làm việc, trải nghiệm đất nước này trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Thông qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được tiếp cận từ những sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam cho đến những vấn đề như lịch sửdựng nước, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể chế chính trị, quátrình phát triển kinh tế – xã hội, quan hệ đối ngoại và vai trò của Việt Nam trong khu vực…
Điểm khiến cuốn sách này trở nên đặc biệt cuốn hút là cách GS.TS Furuta Motoo kết hợp khéo léo giữa những phân tích học thuật với những câu chuyện đời thường, với cách tiếp cận “từ dưới lên”. Cùng với phân tích các sự kiện chính trị lớn, tác giả cũng khai thác nhiều chi tiết đời sống ngày thường của người dân để từ đó lý giải các đặc trưng xã hội Việt Nam: từ việc mô tả không khí những buổi họp, hay chuyện người dân “xin đường” khi tham gia giao thông, tín ngưỡng nhập trạch hay ảnh hưởng của yếu tố tâm linh trong đời sống người Việt Nam…, tất cả tạo nên một bức tranh vừa khoa học, vừa sống động, vừa sâu sắc mà cũng rất đời thường về xã hội Việt Nam.
![]() |
GS.TS Furuta Motoo tại buổi ra mắt cuốn sách Việt Nam – Một góc nhìn từ Nhật Bản. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. |
Với khối lượng kiến thức đồ sộ, cách kể chuyện giản dị mà thu hút, cuốn sách Việt Nam – Một góc nhìn từ Nhật Bản không chỉ là tấm gương phản chiếu Việt Nam qua lăng kính quốc tế, mà còn là món quà tinh thần quý giá, bồi đắp thêm cầu nối tri thức và hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
Ông Takebe Tsutomu nhấn mạnh: “Sức mạnh thực sự của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản không còn chỉ nằm ở những công trình hữu hình như cảng biển hay đường sá, những thứ bằng bê tông và sắt thép mà chúng ta có thể nhìn thấy. Nguồn gốc của sức mạnh ấy nằm ở ‘chuỗi cung ứng tinh thần’ vô hình, nơi trái tim và trí tuệ của con người kết nối, tạo ra giá trị thông qua niềm tin và sự tôn trọng. Cuốn sách của Giáo sư Furuta chắc chắn sẽ trở thành một cơ sở hạ tầng trí tuệ cực kỳ quan trọng, làm cho chuỗi cung ứng ấy trở nên dày dặn và vững chắc hơn”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.