Phản ứng trực giác đầu tiên từ phía quân đội là Greenspan chắc chắn là một điệp viên cao cấp, bởi vì số liệu thống kê được công bố của ông có sự tương đồng đáng kinh ngạc với dữ liệu bí mật mà quân đội Mỹ đang sở hữu.
Sự si mê và sự tự tin của Greenspan đối với dữ liệu và mô hình toán học đã lên đến đỉnh điểm sau khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.
Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, do Bộ Quốc phòng Mỹ cần tiến hành công tác chuẩn bị với quy mô lớn, mọi thông tin liên quan đến quân sự như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và dữ liệu chế tạo máy bay mới khác… đều được liệt vào danh sách bí mật quân sự và bị phong tỏa triệt để.
Trong chuỗi các hoạt động kinh tế này, nhiều mắt xích có liên quan mật thiết đến việc sản xuất máy bay, chẳng hạn như các nhà sản xuất kim loại đặc biệt, nhôm, đồng, thép, công nghệ đặc biệt và kỹ sư… các quần thể công nghiệp này rất muốn biết thông tin về sản xuất quân sự.
Ngành công nghiệp chế tạo máy bay quân sự đã có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế xã hội, đặc biệt là trong năm 1953, chi tiêu quân sự chiếm tới 14% GDP. Đây là mức đáng báo động. Phố Wall và các nhà phân tích đều thiếu dữ liệu về ngành công nghiệp và quân sự, không rõ chiến tranh sẽ có tác động gì với sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Và Greenspan xuất hiện. Ông tin rằng tình trạng “mù thông tin tập thể” ở Phố Wall và các ngành công nghiệp liên quan sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Do đó, ông cố gắng đưa ra những dự đoán về thông tin sản xuất quân sự – vốn bị phía quân đội niêm phong chặt chẽ, dựa trên số liệu thống kê thường niên của tất cả các ngành nghề ở Mỹ, bổ sung thêm các công cụ toán học trong kinh tế lượng và niềm tin của Greenspan với “Mô hình Greenspan”.
![]() |
Alan Greenspan, người trở thành ngôi sao kinh tế học chỉ sau một đêm. Ảnh: Reuters |
Đầu tiên, Greenspan bắt tay vào tìm kiếm từ kênh thông tin công khai, và ngay lập tức phát hiện ra rằng cục bảo mật thông tin của phía quân đội không phải là “dạng vừa”. Tất cả các thông tin liên quan đến sản xuất máy bay quân sự, từ mô hình máy bay, vật liệu để sản xuất máy bay, biên chế máy bay cho đến kế hoạch sản xuất, v.v.. đều bị quân đội niêm phong chặt chẽ, không chút kẽ hở.
Greenspan đành phải dừng lại ở kênh thông tin công khai, chuyển qua tìm kiếm dữ liệu trong giai đoạn Thế chiến II. Bởi lẽ vào những năm 40 của thế kỷ XX, quân đội Hoa Kỳ không tiến hành bảo mật các dữ liệu quân sự này. Thông qua các biên bản ghi chép của Quốc hội từ thập niên 1940, Greenspan đã tìm kiếm những dữ liệu ít ỏi được nhắc đến trong các phiên điều trần và công bố chính thức liên quan đến lĩnh vực này.
Ông sử dụng các dữ liệu thu thập trong hồ sơ năm 1940 làm chuẩn, nghĩ trăm phương ngàn kế để tiến hành tích lũy các thông tin và dữ liệu có thể công khai thu thập được về các khía cạnh trong ngành sản xuất máy bay.
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, sổ tay vận hành của các kỹ sư, báo cáo sản xuất, báo cáo quản lý và một số lượng lớn các báo cáo thống kê liên bang từ các công ty liên quan khác nhau, cũng như các đơn đặt hàng được phép công khai của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đối với ngành công nghiệp ngoại vi, được chất thành đống trên bàn làm việc của Greenspan.
Dựa trên các cột mốc dữ liệu chuẩn từ Thế chiến II, dựa trên nguồn thông tin ít ỏi được phép công khai (chẳng hạn như trọng lượng của một loại máy bay nhất định), mô hình Greenspan tính toán chi tiết tỷ lệ và số lượng nhôm, đồng, thép và các vật liệu cấu thành nên máy bay, sau đó tổng hợp, tiếp theo là lật ngược lại để xem xét tác động kinh tế của ngành công nghiệp quân sự Mỹ đối với các thành phần khác nhau của nền kinh tế, như sản xuất đồng, thép, luyện kim, vận tải đường sắt và điện.
Năm 1952, kết quả nghiên cứu của Greenspan đã ra đời. Bài viết có tựa đề Kinh tế học Không quân Mỹ đã được xuất bản, ngay lập tức gây ra một “trận động đất” làm rung chuyển Lầu Năm góc.
Phản ứng trực giác đầu tiên từ phía quân đội là Greenspan chắc chắn là một điệp viên cao cấp, bởi vì số liệu thống kê được công bố của ông có sự tương đồng đáng kinh ngạc với dữ liệu bí mật mà quân đội Mỹ đang sở hữu. Đến nỗi những nhân vật trong Lầu Năm Góc ngay lập tức kết luận rằng “ông ta chắc chắn đã có được dữ liệu bí mật của chúng tôi, nếu không thì nó không thể chính xác đến vậy.”
Nhưng quả thực Greenspan có thể trả lời với vẻ mặt hết sức chân thành rằng: “Thực sự không phải vậy.” Ông nói rằng những kết quả này hoàn toàn xuất phát từ “Mô hình Greenspan”.
Lầu Năm góc sốc đến nỗi không thốt nên lời.
Và thế là Greenspan đã vươn lên như một ngôi sao mới trong ngành kinh tế học của Hoa Kỳ, khiến bất cứ ai cũng phải ngước nhìn bằng ánh mắt thán phục.
Vào những năm 50 của thế kỷ XX, “ngôi sao mới” Greenspan có lý do chính đáng để tin rằng ông đã đứng ở vị trí của Newton trong ngành vật lý. Ông nắm chắc các quy luật cơ bản và quy tắc chung liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế thế giới. Chỉ cần bàn tay của Chúa khẽ đưa đẩy một chút thì mọi phương hướng của nền kinh tế thế giới, ông đều có thể tính toán một cách chính xác.
Ngay khi Greenspan nổi lên như một ngôi sao, một ngôi sao khác trên bầu trời đêm cũng ngay lập tức xuất hiện. Ánh sáng rạng ngời của cô chiếu thẳng vào những góc tăm tối trong nội tâm của Greenspan và không bao giờ mờ đi.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.