Người phụ nữ đầu tiên cai trị ở Moskva

Công tước Boris Kurakin từng nói: “Chưa bao giờ Nga có một chính phủ khôn ngoan như vậy. Trong bảy năm bà cai trị, cả quốc gia đã trở nên giàu có”.

Với việc những người ủng hộ Sophia bị tiêu diệt, vấn đề cốt lõi là phải làm gì với chính bà. Một mình ở Điện Kremlin, Sophia chờ đợi số phận của mình. Dù bị tra tấn, Shaklovity không khai rằng bà tham gia âm mưu chống lại Peter hay có ý định giết anh. Sophia chỉ được cho là biết về âm mưu và có tham vọng chia sẻ quyền lực với các em, thay vì làm nhiếp chính đồng cai trị. Nhưng tham vọng này đã quá lớn với Peter.

Anh viết thư cho Ivan đề nghị hai anh em cai trị mà không cần sự can thiệp của Sophia, người mà anh coi là “người thứ ba đáng xấu hổ”. Anh xin phép Ivan để bổ nhiệm các quan chức mới mà không có sự đồng ý cụ thể của Ivan đối với từng người, và kết luận rằng Ivan vẫn nên là Sa hoàng – “Ta sẽ sẵn sàng tôn vinh anh như ta đã làm với cha ta.”

Vì không thể từ chối, Ivan gật đầu. Một lệnh mới được ban hành để loại tên Sophia khỏi các tài liệu chính thức. Ngay sau đó, Công tước Ivan Troekurov đến Điện Kremlin yêu cầu Sa hoàng Ivan mời Sophia rời đến Tu viện Novodevichy. Bà không phải đội khăn che mặt, được ban một căn hộ đầy đủ tiện nghi và nhiều người hầu.

Lich su anh 1

Biểu tượng kiến trúc truyền thống nước Nga. Ảnh: IStock.

Sophia sống thoải mái nhưng bị hạn chế ra ngoài, chỉ được gặp các dì và chị em. Dù xa hoa, bà hiểu rằng cuộc sống này đồng nghĩa với kết thúc mọi điều bà yêu quý. Sau hơn một tuần kháng cự, cuối cùng Sophia bị hộ tống đến tu viện, nơi bà sống mười lăm năm còn lại của cuộc đời mình.

Peter từ chối quay lại Moskva cho đến khi Sophia rời Điện Kremlin. Sau khi chị mình bị giam, anh mới cưỡi ngựa từ Troitsky về nhưng dừng lại một tuần, ở với Tướng Gordon, người đang huấn luyện quân dưới sự giám sát của Sa hoàng.

Ngày 16 tháng Mười, Peter trở lại thủ đô, đi qua các trung đoàn Streltsy đang quỳ gối xin ân xá. Anh vào Điện Kremlin, ôm anh trai Ivan ở Thánh đường Uspensky, sau đó mặc cẩm bào Sa hoàng và xuất hiện trước công chúng trên Cầu thang Đỏ, lần đầu tiên xuất hiện với tư cách chủ nhân nước Nga.

Sophia, người phụ nữ đầu tiên cai trị ở Moskva, đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Công tước Boris Kurakin từng nói: “Chưa bao giờ Nga có một chính phủ khôn ngoan như vậy. Trong bảy năm bà cai trị, cả quốc gia đã trở nên giàu có.”

Sophia không chỉ là trở ngại cuối cùng trước kỷ nguyên hiện đại của Peter như một số người đã miêu tả, mà thực tế bà rất tài năng và cai trị hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của bà, Nga tiếp tục quá trình chuyển đổi bắt đầu từ các sa hoàng Aleksey và Fyodor, giúp dọn đường cho những cải cách lớn hơn dưới thời Peter.

Sophia nổi bật không phải với tư cách là một nhà cai trị Nga mà với tư cách một phụ nữ Nga. Qua nhiều thế kỷ, phụ nữ Nga đã bị hạ cấp thành những tài sản sở hữu trong gia đình, ẩn náu trong những căn phòng tối tăm của tháp terem. Sophia bước ra ánh sáng và nắm quyền kiểm soát nhà nước.

Chưa xét đến việc bà đã thực thi quyền lực tốt đến mức nào khi nắm được nó, chỉ riêng việc cầm quyền trong thời đại đó cũng đủ khiến bà trở thành một nhân vật lịch sử. Thật không may, nữ tính của Sophia không chỉ tạo nên sự khác biệt của bà mà còn hủy hoại bà. Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, người Nga vẫn không muốn đi theo một người phụ nữ để chống lại một sa hoàng đăng quang.

Peter đưa Sophia đến Novodevichy, và cánh cổng tu viện đóng lại vĩnh viễn sau lưng bà. Nhưng vào thế kỷ sau đó, vai trò của phụ nữ Hoàng gia ở Nga đã thay đổi. Bốn nữ hoàng kế vị Peter đã lên ngôi.

Có một khoảng cách vô cùng lớn giữa những sinh vật sống ẩn dật của tháp terem thế kỷ XVII và những nữ hoàng đầy nghị lực của thế kỷ XVIII này. Và phần lớn cuộc hành trình ấy được thực hiện bởi một người phụ nữ duy nhất, Nữ Nhiếp chính Sophia. Xuất thân từ cùng “một tấm vải” với những vị nữ hoàng sau này, với cùng quyết tâm và nghị lực cai trị, Sophia chính là người tiên phong mở đường.

Chính Peter, sau khi bà bị phế truất, từng mô tả Sophia với một người nước ngoài là “một công chúa được trời phú cho tất cả những thành tựu hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần, nếu không có tham vọng vô bờ bến và khao khát cai trị vô độ”.

Trong suốt bốn mươi hai năm trị vì, chỉ có Sophia hai lần thách thức ông vào các năm 1682 và 1689. Lần thứ ba, vào năm 1698, trong cuộc nổi dậy của Streltsy, Peter vẫn lo sợ bà dù bà đã bị giam trong tu viện suốt chín năm. Việc Sophia khiến Peter lo lắng và sợ hãi như vậy không có gì lạ cả, bởi suy cho cùng, bà chính là chị gái ruột của ông mà.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.