Loạn sách giả, sách lậu: Kẽ hở pháp lý và đề xuất thay đổi

Sách giả, sách lậu là vấn nạn nhức nhối nhiều năm nay của giới xuất bản. Tuy nhiên, ngay cả trong cao điểm truy quét hàng giả gần đây, sách giả vẫn chưa bị xử lý mạnh tay.

Hai trong số nhiều nguyên do là vì việc phân biệt sách lậu, sách giả, sách in lậu, sách nhập lậu, sách sao chép lậu, sách giả mạo sở hữu trí tuệ… còn rất khó khăn và đang có tranh cãi ngoài việc sách không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khoẻ như rượu giả, thuốc giả.

Rắc rối xung quanh mớ bòng bong các khái niệm

Thế nào là “sách giả”, “sách lậu”, “sách nhập lậu”, “sách in lậu”, “sách sao chép lậu”, “sách in nối”, “sách giả mạo nhãn hiệu”, “sách giả mạo sở hữu trí tuệ”?

Vể mặt khái niệm, khi nói về sách giả, người ta hay nhắc tới nhiều thuật ngữ tương tự với sách giả như sách lậu, sách nhập lậu (hàng buôn lậu), sách in lậu, sách sao chép lậu, sách in nối. Dường như không dễ dàng phân biệt các thuật ngữ trên với nhau, hoặc khó xác định chúng là đồng nhất hay khác biệt dẫn tới việc xem xét xử lý về hình sự, cụ thể là truy tố theo tội hàng giả (Điều 192 BLHS), tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 225 BLHS), tội giả mạo nhãn hiệu (Điều 226 BLHS) trở nên rất khó khăn.

“Sách giả” là cách gọi để nêu tên một loại hàng hóa cụ thể là sách bị làm giả hay còn gọi là hàng giả. Khái niệm sách giả (hàng giả) được xem là nằm trọn vẹn trong loại thứ 5 trong số 6 loại hàng giả ở Điều 3.7 Nghị định 98/2020. Nhìn chung, tác giả cho rằng sách giả được xem là “hàng giả” theo điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP nếu có dấu hiệu giả mạo tên nhà xuất bản (NXB) hoặc đơn vị phát hành, giả mạo mã ISBN, mã vạch; giả mạo bao bì sách gốc (bìa, thiết kế, định dạng), hoặc giả ghi nơi in, nơi phát hành không đúng thực tế (nguồn gốc giả).

Trường hợp “sách nghi ngờ là sách giả” không có dấu hiệu mạo tên NXB, giả mã ISBN, mã vạch, bìa và nội dung quét từ sách thật, nó có chứa nội dung của sách thật nhưng in và phát hành không có phép của tác giả hoặc NXB thì không định danh “sách nghi ngờ là sách giả” này là “sách giả” mà nên xác định nó là “sách lậu” hay “sao chép lậu” xâm phạm quyền độc quyền sao chép theo Điều 20.1(c) và Điều 28.2 Luật SHTT.

“Sách nhập lậu” được xem là hàng hóa nhập lậu nếu nó thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu không theo giấy phép hoặc nhập khẩu không làm thủ tục hải quan như quy định tại Điều 3.6 Nghị định 98/2020. Cần chú ý rằng sách nhập lậu có thể là sách thật, sách giả hoặc sách sao chép lậu tùy thuộc vào đặc điểm phân biệt như ở phần trên đã mô tả.

“Sách in lậu” thường biểu hiện ở hành vi in sách khi chưa có quyết định xuất bản, không đúng quy trình xuất bản. Hành vi này thường biểu hiện ở hiện tượng nhiều nhà in “chui” số lượng lớn từ file PDF (thường không đảm bảo toàn vẹn chính xác về nội dung do đi lấy từ nhiều nguồn khác nhau trên internet, tải lậu, bản rò rỉ từ NXB).

“Sách in nối” là việc tự ý in thêm số lượng sách vượt quá số lượng đã đăng ký hoặc thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Ví dụ: NXB hoặc nhà in ký hợp đồng in 10.000 bản, nhưng lén in thành 30.000 bản để bán thêm kiếm lời, hoặc sau khi hết đợt in ban đầu, tự in nối bản mà không xin phép chủ thể quyền.

Còn có một loại sách giả nữa là hàng hóa (sách) giả mạo sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 3.8(g) Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP và Nghị định 141/2018/NĐ-CP (“Nghị định 185/2013”)*[1]. Vì Điều 3.8(g) Nghị định 185/2013/NĐ-CP dẫn chiếu tới Điều 213 Luật SHTT quy định 3 loại hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ (giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, sao chép lậu) nên có thể suy ra được một loại sách giả nữa là sách giả mạo sở hữu trí tuệ trong đó gồm sách giả mạo nhãn hiệu và sách sao chép lậu.

Bất luận có thể tồn tại nhiều khái niệm “sách giả”, “sách lậu”, “sách nhập lậu”, “sách in lậu”, “sách sao chép lậu”, “sách in nối” như nói trên nhưng chỉ 2 thuật ngữ hay được sử dụng nhiều nhất và gây lúng túng cho chủ thể quyền và cơ quan tiến hành tố tụng là “sách lậu” và “sách giả”.

Phần tiếp theo dưới đây sẽ tập trung lý giải hợp lý nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán sách lậu và sách giả như thế nào.

sach lau,  sach gia,  truy quet hang gia,  xu phat hang gia,  vi pham ban quyen anh 1

Đội Quản lý thị trường tại tỉnh Tây Ninh thu giữ 5.547 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại nhà sách Kiều Trâm vào sáng 12/6/2024. Ảnh: Báo Công Thương.

Khi nào là sách lậu, sách giả và sách giả mạo nhãn hiệu?

Cần lưu ý rằng hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ nói chung và sách giả mạo sở hữu trí tuệ (sách giả mạo nhãn hiệu và sách sao chép lậu) đã bị loại ra khỏi danh sách “hàng giả” vì không còn nằm trong khái niệm “hàng giả” ở Điều 3.7 Nghị định 98/2020 thay thế Nghị định 185/2013 từ 15/10/2020. Theo đó, điều 3.7(đ) Nghị định 98/2020 được xem là cơ sở pháp lý đủ để giải thích khái niệm “sách giả”. Theo đó, sách giả là một loại hàng hóa bị giả mạo về tên NXB, mã ISBN, mã vạch, giả mạo bao bì sách gốc (bìa, thiết kế, định dạng). Nếu thiếu các yếu tố giả mạo như trên đã nêu thì chỉ nên gọi là sách lậu hoặc sách sao chép lậu.

Sách lậu hay sách sao chép lậu thực chất có nguồn gốc từ thuật ngữ hàng hoá sao chép lậu (pirated copyright goods) được quy định ở Điều 61 Hiệp định TRIPs *[2] mà Việt Nam với tư cách là nước thành viên WTO có nghĩa vụ phải đưa vào Điều 213 Luật SHTT. Khoản 4 Điều 213 Luật SHTT cho phép suy luận rằng sách sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Tương tự, khoản 2 Điều 213 Luật SHTT cho phép giải thích rằng sách giả mạo nhãn hiệu là sách hoặc bao bì của sách có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu hoặc tem, nhãn của sách có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu *[3].

Vì không có cơ chế cho phép đưa tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vào Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) 2022 mà chỉ có thể quy định về tội này trong Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 nên Điều 212 và 213 Luật SHTT 2022 mang tính chất là điều khoản “cầu nối” giữa pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật hình sự. Cụ thể hơn, Điều 212 quy định nguyên tắc chung là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự. Điều 213 có nhiệm vụ xác định thế nào là “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”, “hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý”, và “sao chép lậu”.

Dựa trên căn cứ “cầu nối” này người vi phạm thực hiện hành vi sao chép lậu tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình được thực hiện với quy mô thương mại (ví dụ giá trị sách lậu bị bắt giữ có giá trị từ 100 triệu trở lên) với lỗi cố ý thì bị truy tố theo khoản 1 Điều 225 BLHS *[4]. Tương tự như vậy, người vi phạm thực hiện hành vi giả mạo nhãn hiệu của người khác bằng cách gắn nhãn hiệu, dấu hiệu hoặc tem, nhãn của sách vi phạm mà nhãn hiệu, dấu hiệu hoặc tem, nhãn này trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó của người khác một cách cố ý với quy mô thương mại (ví dụ giá trị sách lậu/giả mạo nhãn hiệu bị bắt giữ có giá trị từ 200 triệu trở lên) thì bị truy tố theo khoản 1 Điều 226 BLHS *[5].

Sách lậu và sách mang nhãn hiệu giả mạo đều có thể gọi chung là hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ theo Điều 213 Luật SHTT. Nhưng cần lưu ý là Điều 3.7 Nghị định 98/2020 đã loại bỏ hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ khỏi nội hàm của khái niệm hàng giả, có nghĩa sách lậu và sách mang nhãn hiệu giả mạo được định danh độc lập với hàng giả, tự thân nó không còn được coi là hàng giả nữa.

Như vậy sẽ có tình huống phân biệt được rạch ròi giữa sách giả, sách lậu và sách giả mạo nhãn hiệu dựa trên các đặc điểm trên nhưng cũng sẽ có tình huống pha trộn, chồng lấn rất phức tạp là tình huống vừa có dấu hiệu của sách lậu vừa có dấu hiệu sách giả hoặc ngược lại. Vậy, chúng ta giải quyết tính phức tạp này như thế nào sẽ được phân tích ở phần tiếp theo dưới đây.

Định tội hàng giả (Điều 192 BLHS) hay xâm phạm quyền tác giả (Điều 225 BLHS): vì sao vướng mắc?

Xét về cấu thành tội phạm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) và tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 225 BLHS) là hai tội độc lập, không loại trừ nhau, nhưng thường cạnh tranh tội danh với nhau. Ví dụ: A sản xuất, phân phối 1 triệu cuốn sách lậu/sách in giả (thu lợi/gây thiệt hại nhiều tỷ đồng). Vậy, A bị truy cứu theo khoản 3 Điều 192 BLHS với mức phạt tù từ 07-15 năm hay theo khoản 2 Điều 225 BLHS với tối đa 03 năm tù hay cả hai? Thách thức lớn xảy ra ở đây là dù Điều 225 BLHS mô tả chính xác hành vi thì thực tiễn định tội lại có khuynh hướng áp dụng tội danh có mức phạt nặng hơn (Điều 192) từ đó gây tranh cãi về “đúng người, đúng tội”. Tác giả cho rằng có 5 nguyên nhân cốt lõi dẫn đến “bài toán khó” định tội nêu trên và kiến nghị cân nhắc một giải pháp.

Bản chất “hành vi phạm tội đa khách thể”

Nhiều hành vi trong thực tiễn (ví dụ: sản xuất, buôn bán mỹ phẩm, các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu) không chỉ là “giả” về nguồn gốc, chất lượng (ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng, trật tự quản lý kinh tế – khách thể của Tội hàng giả theo Điều 192 BLHS) mà đồng thời còn xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan) của chủ thể quyền (khách thể của tội phạm quyền SHTT ở Điều 225 và Điều 226 BLHS). Đây chính là trường hợp một hành vi (hoặc một chuỗi hành vi gắn kết) đồng thời xâm phạm nhiều khách thể pháp lý độc lập, cấu thành nhiều tội phạm. Về mặt lý luận, trường hợp này hay gọi là một hành vi phạm nhiều tội hoặc hành vi phạm tội đa khách thể. Dù pháp luật có các điều luật riêng biệt, nhưng sự “đa khách thể” của cùng một hành vi lại không có quy định loại trừ tường minh hay nguyên tắc ưu tiên rõ ràng, dẫn đến cạnh tranh tội danh.

Chênh lệch “rất lớn” về khung hình phạt

Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân của sự tranh cãi. Các tội trong nhóm hàng giả (Điều 192-Điều 195 BLHS) có khung hình phạt cực kỳ nghiêm khắc, có thể lên tới 15 năm, 20 năm tù, thậm chí tù chung thân hoặc tử hình tùy loại hàng hóa và mức độ gây hậu quả. Trong khi đó các tội xâm phạm SHTT (Điều 225-Điều 226 BLHS) lại chỉ có khung hình phạt thấp hơn rất nhiều, tối đa chỉ 3 năm tù. Sự chênh lệch này tạo áp lực không nhỏ cho các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) trong việc lựa chọn điều luật áp dụng nhằm tăng tính răn đe hoặc đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm có quy mô lớn.

Khuynh hướng định tội theo truyền thống và sự thay đổi trong định nghĩa “hàng giả”

Mặc dù việc chứng minh các yếu tố cơ bản của tội xâm phạm quyền SHTT (như hành vi sao chép/phân phối trái phép, giá trị vi phạm) có thể không quá phức tạp (ví dụ: trị giá sách lậu từ 100 triệu đồng trở lên là đủ truy cứu theo Điều 225) nhưng Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) lại có bề dày kinh nghiệm và quy trình xử lý quen thuộc hơn nhiều đối với các tội liên quan đến “hàng giả” truyền thống mà có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính an toàn.

Điều này càng trở nên phức tạp khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã loại bỏ ‘hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ’ ra khỏi định nghĩa ‘hàng giả’ (vốn tồn tại ở Nghị định 185/2013/NĐ-CP trước đây), củng cố lập luận rằng hành vi giả mạo SHTT không còn được coi là ‘hàng giả’ theo tiêu chí của Nghị định này trong lĩnh vực xử phạt hành chính. Sự thay đổi này tạo ra một sự không nhất quán đáng kể giữa định nghĩa trong pháp luật hành chính và cách hiểu, áp dụng trong pháp luật hình sự, gây khó khăn cho việc định tội thống nhất.

Thiếu hướng dẫn thống nhất cho trường hợp đặc thù

Công văn 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của Toà án nhân dân tối cao về trao đổi nghiệp vụ đã đưa ra nguyên tắc phân định giữa “một hành vi phạm nhiều tội” (xử lý tội nặng hơn) và “nhiều hành vi phạm nhiều tội” (xử lý nhiều tội). Tuy nhiên, đáng tiếc là Công văn này lại chưa có ví dụ minh họa hay hướng dẫn cụ thể cho trường hợp chồng lấn giữa tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192-Điều 195) và tội phạm SHTT (Điều 225-Điều 226) đặc biệt là khi hành vi mang bản chất “đa khách thể”. Thiếu vắng một “kim chỉ nam” rõ ràng khiến cho nhận thức và áp dụng pháp luật vẫn còn chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Giải pháp đề xuất

Để giải quyết khó khăn thách thức về định tội nêu trên, tác giả cho rằng các cơ quan chức năng nên xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi BLHS, cụ thể là sửa đổi Điều 192-Điều 195 theo hướng loại trừ các hành vi giả mạo sở hữu trí tuệ được quy định ở Điều 225-Điều 226 BLHS giống cách Nghị định 98/2020 loại bỏ “giả mạo sở hữu trí tuệ” ra khỏi định nghĩa “hàng giả”. Theo đó, khoản 1 các Điều 192-Điều 195 có thể bổ sung “nếu hành vi này không thuộc trường hợp quy định tại Điều 226 hoặc Điều 225 của Bộ luật này”. Có thể lấy việc sửa đổi khoản 1 Điều 192 như sau làm ví dụ minh hoạ khái quát (phần gạch chân là phần bổ sung):

“Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195, nếu hành vi này không thuộc trường hợp quy định tại Điều 226 hoặc Điều 225 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”

Độc lập với giải pháp trên, để giải quyết tình huống phức tạp đối với một hành vi có sự pha trộn, chồng lấn giữa hành vi phạm tội vừa có dấu hiệu sách lậu, vừa có dấu hiệu sách giả, vửa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, tác giả đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội (thay vì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội nặng hơn như thực tiễn hiện nay) gồm Điều 192 – tội sản xuất, buôn bán hàng giả, Điều 225 – tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, và Điều 226 – tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu) sau đó tổng hợp hình phạt theo điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS *[6].

Tác giả cho rằng việc truy cứu nhiều tội danh đối với một hành vi trên không vi phạm nguyên tắc “một hành vi chỉ một tội” mà là áp dụng đúng nguyên tắc “phạm nhiều tội” (hay còn gọi là phạm nhiều tội tư tưởng) cho một hành vi phạm tội phức hợp, đa khách thể, đảm bảo xử lý toàn diện mức độ nguy hiểm của hành vi.

———————————-

[1] Nghị định 185/2013. Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

8. “Hàng giả” gồm:

a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

h) Tem, nhãn, bao bì giả.

[2] Hiệp định TRIPs. Điều 61 quy định rằng “mỗi bên phải quy định biện pháp hình sự và hình phạt được áp dụng ít nhất đối với giả mạo nhãn hiệu (trademark counterfeiting) hoặc sao chép lậu (copyright piracy) quyền tác giả với quy mô thương mại” (on a commercial scale). Footnote 14 Hiệp định TRIPs giải thích thêm “hàng hóa sao chép lậu có nghĩa là hàng hóa bất kỳ mà là bản sao được làm không có sự cho phép của chủ thể quyền hoặc của người được chủ thể quyền ủy quyền, và được làm trực tiếp hoặc gián tiếp từ hàng hóa nơi đã làm bản sao đó mà đã cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan theo luật của nước nhập khẩu”.

[3] Luật SHTT 2022. Điều 213. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

3. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.

4. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.

[4] Khoản 1 BLHS 2015. Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình

[5] BLHS 2015. Khoản 1 Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

[6] BLHS 2015. Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.