Marc Benioff, Sam Altman và Reid Hoffman đang quan tâm tới “We Are Legion (We Are Bob)”, cuốn sách cách đây một thập kỷ của một lập trình viên người Canada khi họ suy ngẫm về tương lai của AI.
Các giám đốc điều hành công nghệ thường không phí thời gian trong các cuộc gọi với giới đầu tư để đề cập đến sách. Tuy nhiên, sau khi đọc cuốn tiểu thuyết đang thịnh hành trong giới tỷ phú, Marc Benioff, Giám đốc công ty phần mềm Salesforce dường như không thể kiềm chế được.
“Đây là một hiện tượng ở Thung lũng Silicon”, Marc Benioff nói về cuốn We Are Legion (We Are Bob), với các nhà đầu tư trong cuộc gọi ngày 28/5. Đây là một đầu sách ít người biết đến của Dennis E. Taylor và được xuất bản cách đây một thập kỷ.
“Tất cả giới CEO đều đọc cuốn sách này và họ cũng nói rằng, ‘Đúng rồi, nội dung sách chính xác là những gì sẽ xảy ra (về AI)'”, Benioff cho hay. Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cũng đăng một bài viết trên X về cuốn sách và người sáng lập LinkedIn Reid Hoffman đã phát các bản sao cuốn sách cho bạn bè. Theo The San Francisco Standard, giới công nghệ đang suy ngẫm về một cuốn sách phát hành từ khi trí tuệ nhân tạo chưa phổ biến.
Dự báo về tương lai AI
We Are Legion kể về nhân vật chính Bob Johansson, người phải bán đi công ty phần mềm của mình. Sau khi bị một chiếc ôtô đâm chết khi đang băng qua đường, ông tỉnh dậy sau một thế kỷ với bộ não được chuyển vào một trí tuệ nhân tạo. Năm đó là năm 2133 và thế giới đang bên bờ vực sụp đổ về kinh tế và môi trường. Bob, hay đúng hơn là ý thức số của ông, là tài sản của một nhà nước thần quyền đang tham gia vào cuộc chạy đua toàn cầu sử dụng AI để xâm chiếm không gian.
![]() |
Ảnh: The San Francisco Standard. |
Mặc dù một số người ở Thung lũng Silicon coi cuốn sách là một lời tiên tri, chính tác giả của nó Taylor, một lập trình viên đã nghỉ hưu 68 tuổi, không hề lường trước được tác phẩm của mình có được lượng người theo dõi đông đảo như vậy.
Taylor viết cuốn sách này chỉ để thoả đam mêm sau khi được vợ tặng một chiếc máy tính bảng để đọc sách trên ứng dụng Kindle. Được truyền cảm hứng, ông bắt đầu viết truyện khoa học viễn tưởng để khám phá những công nghệ kỳ lạ khi đó như trí tuệ nhân tạo tổng quát, ý thức số và tàu vũ trụ tự sao chép.
“Cuốn sách đề cập đến rất nhiều chủ đề đang diễn ra tại Thung lũng Silicon. Nhiều điều trong cuốn sách đang trở nên thực tế hơn”, Taylor cho biết.
Các tầng lớp thượng lưu của Thung lũng Silicon đang rất quan tâm đến cuốn sách này.
“Tôi nghĩ chúng ta nên ngừng tranh cãi về năm nào trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ xuất hiện mà nên bắt đầu tranh cãi về năm nào tàu vũ trụ tự sao chép đầu tiên sẽ cất cánh”, Altman đã viết vào tháng trước trên X, đề cập đến điều Taylor viết trong cuốn sách.
Hoffman, đam mê khoa học viễn tưởng, cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt khác của We Are Legion. Ông đã giới thiệu cuốn sách này cho một số người đáng chú ý ở Thung lũng Silicon, bao gồm cả Giám đốc công nghệ Microsoft Kevin Scott.
Hoffman cho rằng sự hồi sinh của cuốn sách là do tại Thung lũng Silicon, “mọi người [đang] nghĩ về khả năng cải tiến AI và kết hợp giữa con người và máy móc”. Thực tế về một tương lai mới gắn chặt với AI đã khiến các nhà lãnh đạo công nghệ phải suy nghĩ về “những tiềm năng tích cực của AI” và cân nhắc các văn bản đang đề cập đến tương lai.
Điều đó không có nghĩa là Hoffman tin rằng mọi điều trong We Are Legion sẽ thành hiện thực. Ông cho biết tàu vũ trụ tự sao chép có vẻ khả thi nhưng ông hoài nghi về việc não người được chuyển sang AI.
Phản ứng của tác giả
Về phần mình, Taylor hiểu tại sao cuốn sách lại gây được tiếng vang với các tỷ phú công nghệ.
Taylor cho biết: “Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi triết học về AI, về ý thức, về sự tồn tại của linh hồn”, đồng thời nhắc đến những khả năng như tự sao chép của AI và một thế giới AI, nơi các loại trí tuệ nhân tạo có thể khám phá các hệ mặt trời và nền văn minh mới.
Là người theo dõi chặt chẽ các nghiên cứu khoa học, Taylor không ngạc nhiên khi AI bùng nổ vào năm 2022. Tuy nhiên, ông đang lo ngại về cuộc đua AI giữa các cường quốc và việc công nghệ này sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm.
Taylor cho biết: “Đó là cuộc đua rất khốc liệt và luẩn quẩn. Không có giải pháp lâu dài nào tốt cho con đường này nếu họ vẫn tiếp tục sử dụng cùng một công nghệ và đi theo hướng dùng nhiều máy tính hơn, lãng phí nhiều nhiệt năng và điện năng hơn”.
AI hiện chiếm tới 20% nhu cầu điện năng của trung tâm dữ liệu toàn cầu và mức tiêu thụ năng lượng của nó có thể tăng gấp đôi vào cuối năm nay. Một trung tâm dữ liệu riêng lẻ thường tiêu thụ hàng triệu gallon nước mỗi năm để làm mát phần cứng và nhu cầu này đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nước trên khắp nước Mỹ.
Taylor tin rằng nhiều công nghệ được đề cập trong cuốn sách cuối cùng sẽ được phát minh nhưng hy vọng rằng các nhà lãnh đạo AI sẽ không dẫn dắt nhân loại đi tới tương lai phản địa đàng mà ông đề cập trong tác phẩm. Các sự kiện trong cuốn sách bao gồm một ngày tận thế hạt nhân sẽ xóa sổ phần lớn nhân loại và những người chết cũng trở thành nô lệ ảo của AI.
Taylor nói: “Tôi không quá lạc quan về bản chất của con người. Có quá nhiều người ngoài kia sẽ làm mọi thứ để tìm kiếm lợi ích của riêng họ”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.