Làm sao để giải quyết những chướng ngại, nếu phải đối mặt với việc ra quyết định trong vùng xám mà không bỏ sót những trách nhiệm cơ bản?
Thách thức ở đây chính là chúng ta có khả năng đặt bản thân vào người khác – một người ngoài cuộc hoặc chính nạn nhân, chứ không phải là người trong cuộc, hay người sẽ ra quyết định – hay không? Và một thách thức lớn hơn nữa đó là hiểu và cảm nhận được cảm giác, suy nghĩ của người khác – những người chịu tác động từ trách nhiệm cơ bản của người ra quyết định.
Một trong những cách thực tế nhất chính là dành thời gian trả lời một câu hỏi rất xưa cũ – được đúc kết bởi Hillel the Elder, một nhà triết học và thần học cổ. Một người đàn ông nói rằng anh ta sẽ cải đạo sang đạo Do Thái với một điều kiện: Hillel phải giảng giải bộ kinh Ngũ Thư – còn gọi là Torah, phần đầu của năm bộ kinh của Do Thái giáo, nhiều người cho rằng tương đương với kinh Cựu Ước trong Kitô giáo – mà phải đứng bằng một chân.
Hillel giải quyết thách thức này một cách dễ dàng. Ông ấy chỉ đơn giản nói với người đàn ông đó: “Cái gì mà anh căm ghét thì đừng làm điều đó với hàng xóm của mình. Đó chính là tinh thần của Torah. Phần còn lại chỉ là những chú giải thêm. Hãy nghiên cứu thêm đi”.
Từ hay nhất và hấp dẫn nhất chính là “căm ghét”. Hillel yêu cầu chú ý đến những điều mà chúng ta thật sự quan tâm, từ trong thâm tâm, nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của họ. Trên thực tế, điều này có nghĩa là tìm cách tự hỏi và hỏi những người khác suy nghĩ gì và cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng nặng nề vì quyết định của chúng ta.
![]() |
Sách Đằng sau một quyết định lớn. |
Thử tưởng tượng xem mình sẽ phản ứng thế nào nếu cha mẹ, con cái hoặc người mà chúng ta thương yêu rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm? Nếu mình bị chứng đa xơ cứng (MS) hay viêm não PML, mình sẽ suy nghĩ thế nào? Điều mình mong muốn nhanh nhất là gì? Nếu con cái hoặc cha mẹ của mình bị MS thì sao? Hoặc giả sử sau khi dùng Tysabri bị viêm não PML thì sao? Trách nhiệm cơ bản nào mình nghĩ Jim Mullen và công ty Biogen phải gánh vác?
Một phiên bản tương tự những chỉ dẫn của Hillel là nguyên tắc được lưu hành ngày nay, gọi là Nguyên tắc Vàng: Đối xử với người như đối xử với chính mình. Ở phương Tây, hầu hết mọi người đều xem lời dạy này như là giáo lý của Kitô giáo. Nhưng Nguyên tắc Vàng này không mang đầy đủ ý nghĩa mà Hillel muốn chúng ta hỏi.
Các nhà triết học cho rằng Nguyên tắc Vàng này là một phần nền tảng quan trọng của các lý thuyết về đạo đức học – không còn là của riêng Kitô giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng sử dụng nguyên tắc này để giáo huấn. Ngày nay, chúng ta nghe những câu tương tự như vậy khá nhiều – như ngạn ngữ Mỹ có câu: “Hãy mang thử đôi giày của người khác”.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Ray Piedra/Pexels. |
Nếu chỉ xem nguyên tắc này như là một thứ giáo lý mà không phải là sự hiểu biết sâu sắc mang tính phổ quát, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Câu hỏi của Hillel mang hàm ý súc tích và cụ thể hơn Nguyên tắc Vàng ở chỗ yêu cầu chúng ta tìm ra những điều mình ghét hay không thích, không muốn. Câu hỏi này cũng đã tồn tại qua hai thế kỷ bởi vì đã thúc trúng tiếng nói nội tâm đang ngủ quên trong mỗi chúng ta, kích thích sự suy nghĩ và cảm thông của chúng ta về những trải nghiệm của người khác như một cách thấu hiểu trách nhiệm cơ bản của mỗi con người trong những hoàn cảnh cụ thể.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.