Chữ ‘Tâm’ trong những tác phẩm của Phạm Quang Nghị

Trước khi có ý tưởng viết bài này, tôi đã được anh Phạm Quang Nghị cho biết là anh có một bộ sách mới ra đời đầu năm 2025.

Trước khi có ý tưởng viết bài này, tôi đã được anh Phạm Quang Nghị cho biết là anh có một bộ sách mới ra đời đầu năm 2025.

Biết là một tin vui, nhưng tôi lại nghĩ anh Phạm Quang Nghị trong 10 năm gần đây, sau khi anh được Nhà nước cho nghỉ ngơi, đã cho ra đời một loạt tác phẩm về nghiên cứu, lý luận, sáng tác… mang tầm một nhà văn hóa lớn (một nhà báo, một nhà khoa học, một nhà văn, một nhà thơ) thì những bài viết trong công trình mới sẽ thế nào cũng làm tôi háo hức và tò mò.

Nhưng khi được anh tặng bộ sách mới hai tập, vào sau Tết Ất Tỵ, những tò mò của tôi đã được giải mã. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với anh Phạm Quang Nghị làm một việc rất sâu sắc, khoa học và có tính hệ thống là tập hợp chọn lọc những bài viết, những công trình khoa học của Phạm Quang Nghị đã được xuất bản đưa vào công trình này mang tên: “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới”.

Pham Quang Nghi anh 1

Bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới” của tác giả Phạm Quang Nghị. Ảnh: Hà Vũ

Tôi đọc kỹ các phần của công trình 2 tập dày 1.444 trang, khổ 16×24 mà thấy ngợp và kính nể về cách làm khoa học của nhà xuất bản và anh Phạm Quang Nghị. Tôi thấy phải viết về Phạm Quang Nghị với một tầm khác hơn.

Xuyên suốt cuộc đời Phạm Quang Nghị, xuyên suốt những tác phẩm được viết ra, tôi thấy một điều rõ hơn, cô đọng hơn và súc tích hơn cả Quang Minh Chính Đại. Đó là cái TÂM của Phạm Quang Nghị. Ý tưởng này hay thật, nhưng cái tâm cũng thật mênh mông trong cuộc đời một con người.

Ý tưởng là một chuyện nhưng thực tiễn để gắn với đời một con người lại là một việc khác khó hơn.

Đang loay hoay với cách thể hiện thì một đêm, ngẫm lại tác phẩm mới của anh Phạm Quang Nghị “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới”, tôi phát hiện ra rằng, tất cả những gì về Phạm Quang Nghị quy về một chữ “Tâm sáng”. Cũng từ tâm sáng có thể nói được một phần nào đấy của nhà văn hóa Phạm Quang Nghị. Tôi nhớ đến Nguyễn Du đại thi hào dân tộc. Ông nhắc nhiều lần về chữ Tâm trong truyện Kiều, xoay đi xoay lại rất nhiều lần, “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Bất ngờ, tôi nhận được giấy mời của nhà thơ Hữu Thỉnh mời tôi, ngày 28-5-2025, dự sự kiện ra sách “Ám ảnh chữ”, một tập sách lý luận phê bình văn học dày dặn viết về các nhà văn, trong đó có tôi. Nhưng đặc biệt trong buổi ra mắt sách của Hữu Thỉnh, khi kết thúc sự kiện đó, Hữu Thỉnh nói một câu làm tôi giật mình. Ông nói với mọi người trong hội trường: Tôi đang đọc lại Truyện Kiều và sẽ quyết tâm đọc thuộc trên 3.000 câu Kiều. Hữu Thỉnh nhắc lại Nguyễn Du “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” làm tôi nhớ đến chuyên đề về Phạm Quang Nghị mà tôi đang dở dang. Đúng rồi, những tác phẩm và bài viết của Phạm Quang Nghị mà Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã chọn in cho anh đã sáng lên một chữ Tâm ở nhiều dạng khác nhau.

Trung Hoa xưa, biểu hiện nhân cách của người quân tử bằng tư cách Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa. Các nhà nho Việt Nam xưa đều theo triết lý đạo đức ấy. Biểu hiện chữ tâm sáng trong những tác phẩm của Phạm Quang Nghị cũng ở những dạng khác nhau, trong đó có Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa.

Chữ Trung trong Phạm Quang Nghị

Chữ Tâm trong tác phẩm của Phạm Quang Nghị, biểu hiện ở chữ Trung. Với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và ở trường hợp Phạm Quang Nghị là biểu hiện trước hết ở việc trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội, với Thủ đô Hà Nội, với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Chữ Tâm biểu hiện ở chữ Trung trong phần một của bộ sách Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới, mang tên: “Chủ nghĩa xã hội: Ước mơ và hiện thực”. Toàn bộ phần thứ hai của công trình này là: “Ý Đảng và lòng dân” cũng biểu hiện ở chữ Trung.

Nổi bật chữ Trung của Phạm Quang Nghị ở những vấn đề quốc gia đại sự, ở tất cả tác phẩm về xây dựng Đảng, về đoàn kết nội bộ… Đã để tâm đến “Ý Đảng, lòng dân”, sống trong sạch mới nghĩ đến chống tham nhũng, luận về tham nhũng…

Chữ Trung đối với quê hương đất nước là tất cả những gì Phạm Quang Nghị làm được với Hà Nội, mảnh đất gắn bó sâu sắc trọn đời với Phạm Quang Nghị. Tôi giải thích được vì sao, năm 2024, nhân dịp 70 năm Giải phóng Thủ đô, anh được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Pham Quang Nghi anh 2

Đồng chí Phạm Quang Nghị (thứ 2 từ trái sang) nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, tháng 10-2024. Ảnh: Viết Thành

“Chủ nghĩa xã hội: Ước mơ và hiện thực” là phần quan trọng nhất tôi rất quan tâm. Cùng với chữ Trung, ở đây, chúng ta còn thấy rõ chữ Tài trong lý luận Phạm Quang Nghị. Tất cả những bài nghiên cứu về lý luận chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác ở phần này thể hiện sự trung thành tuyệt đối của Phạm Quang Nghị và những lập luận có tính bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa xã hội và con đường đã chọn của Việt Nam. Đây là chữ Trung, được thử thách theo thời gian trong suốt cuộc đời của Phạm Quang Nghị, được thử thách bằng chính nhân cách và sự Quang Minh Chính Đại của anh.

Tất cả những bài viết, những tham luận của Phạm Quang Nghị suốt từ năm 1986 cho đến năm 2020 đã được thử thách qua thời gian bằng tính khoa học khách quan được thực tế kiểm chứng. Điều đó nói lên rằng chữ Trung và chữ Tài đã được kiểm nghiệm, đã được cuộc sống thực tế của Việt Nam và trước hết là của Thủ đô Hà Nội, nơi anh sống, khẳng định.

Những chuyên luận “Mấy suy nghĩ về vấn đề đổi mới tư duy” viết năm 1986, “Đổi mới ở nước ta là đòi hỏi của chính cuộc sống” viết năm 1987, “Chủ nghĩa xã hội con đường chúng ta đã chọn” viết năm 1989, “Chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới ở nước ta” viết năm 1991, “Sức sống của học thuyết Mác-Lênin và thời đại chúng ta” viết năm 1994, “Khẳng định một chân lý lý luận” viết năm 1995… và gần đây nhất là “Góp ý Văn kiện XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam” viết năm 2020, đã qua 40 năm đổi mới, những nhận định, những đánh giá và lập luận của Phạm Quang Nghị vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó khẳng định lòng trung thành với sự nghiệp của Đảng của Phạm Quang Nghị là tuyệt đối và có cơ sở khoa học. Chữ Trung được chữ Tài kiểm nghiệm.

Pham Quang Nghi anh 3

Đồng chí Phạm Quang Nghị với lãnh đạo thành phố Hà Nội trong dịp đồng chí đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, tháng 3-2023. Ảnh: Viết Thành

Chữ Hiếu trong Phạm Quang Nghị

Với gia đình, bố mẹ, chữ Tâm của Phạm Quang Nghị biểu hiện ở chữ Hiếu. Trong bộ sách mới xuất bản năm 2025 của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, hầu như không nói đến những bài viết về cha mẹ, ông bà. Nhưng những bài viết của bạn bè anh (trong phần thứ năm: Mở một trang sách thấy một con người) đã thể hiện sâu sắc một chữ Hiếu trong anh.

Con người ta, nhân cách bắt đầu từ lúc sinh ra là đối xử với ông bà, cha mẹ. Những kỷ niệm tuổi thơ, qua các bài viết trong tập Miền thương nhớ, tập Đi tìm một vì sao, là một chữ Hiếu. Tuy nhiên, anh khéo léo, khiêm tốn xếp chữ Hiếu sau những công trình quốc gia đại sự, về Đảng, về đất nước để thể hiện sự trân trọng của mình với Tổ quốc, với nhân dân. Nhưng người Việt ta xưa, đạo đức là: “Trai thì Trung Hiếu làm đầu/Gái thì Tiết hạnh là câu trau mình” (Nguyễn Đình Chiểu, trong Lục Vân Tiên).

Chữ Hiếu trong Phạm Quang Nghị là những kỷ niệm về ông bà, cha mẹ (Khuyên ai ăn ở hiền lành, Bà tôi dầu dãi nắng mưa, Cha tôi, một cuộc đời “Dĩ công vi thượng”, trong tập hồi ký Miền thương nhớ, Nhà Xuất bản Hà Nội, năm 2024). Chân dung một con người là một thể thống nhất. Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa của người Việt là một thể thống nhất.

Chữ Tiết trong Phạm Quang Nghị

Với tình cảm đồng chí hay những người mình quý trọng, chữ Tâm của Phạm Quang Nghị thể hiện ra ở chữ Tiết. Chữ Tiết ở đây tôi muốn nói về khí tiết.

Toàn bộ phần thứ tư trong bộ sách quý là biểu hiện của chữ Tiết (khí tiết) “Những kỷ niệm không còn là của riêng”, ông nói về Bác Hồ, về Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Tất cả những câu chuyện đó là chữ Tâm biểu hiện ra bằng một cách khác mà thôi.

Tôi hiểu chữ Tiết trong những bài viết của Phạm Quang Nghị về Bác Hồ, về những cán bộ cao cấp của Đảng là khí tiết về nhân cách, về đức tính đáng quý tiết kiệm, liêm chính về tầm nhìn xa, về nhạy cảm với thời đại và diễn biến chính trị tầm vĩ mô.

Tôi không dám nói những tình cảm của Phạm Quang Nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Bác Hồ với Hà Nội vì vấn đề nó lớn quá, nhưng những bài viết về các đồng chí: Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… là rõ nét về khí tiết và nhân cách của các đồng chí mà Phạm Quang Nghị rất quý trọng và anh tìm mọi cách khai thác được những nét riêng sâu sắc cao quý về nhân cách của họ. Tổng Bí thư Trần Phú gắn với những vấn đề lý luận cơ bản và nhân cách khí tiết trước quân thù; như Nguyễn Văn Linh là tầm nhìn xa, là sự đổi mới, là sự quyết liệt; như Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhân cách cần, kiệm, liêm, chính; như Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là nhân cách chống tham nhũng; như Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tầm nhìn xa, là những cách làm thiết thực, kinh tế sâu sắc và tầm vóc thời đại, không sa vào sách vở, tra cứu…

Chữ Tiết trong các bài viết của Phạm Quang Nghị về Tố Hữu, về Đào Duy Tùng, về Hoàng Tùng, về Trần Bạch Đằng, về Trần Hoàn, về Trần Quốc Vượng, về Vũ Khiêu hay Việt Phương… là một cách hiểu chữ Tâm của anh với những nhà văn hóa lớn của đất nước. Với Tố Hữu đó là thơ, với Đào Duy Tùng, Hoàng Tùng là tâm thế, với Trần Bạch Đằng là văn sử, với Trần Hoàn là nhạc, với Trần Quốc Vượng là sử, với Vũ Khiêu là văn hóa… Nhân cách và phong cách của những nhà văn hóa hay những nhà quản lý tầm vĩ mô… chính là chữ Tâm mang tầm chữ Tiết của phẩm hạnh hay đức hạnh con người.

Chữ Nghĩa trong Phạm Quang Nghị

Với tình nghĩa vợ chồng, chữ Tâm của Phạm Quang Nghị thể hiện ở chữ Nghĩa. Tôi thích đọc những trang anh viết về mối tình đầu và người vợ chung thủy sắt son của anh. Rất tiếc, do chủ đề quy định, anh không đưa vào những câu thơ hay về vợ.

“Mình là, chỉ có mình thôi/ Để anh trao gửi cuộc đời cho em”. Bằng hai câu thơ thôi, Phạm tiên sinh đã khẳng định có tính Quang Minh Chính Đại, với vợ: Với anh, em chỉ có một. Lời khẳng định đó, với văn hóa gia đình hiện nay, thật đáng quý biết bao ở cái thời mà bồ bịch là mốt, là “Vợ cả, vợ hai đều là vợ cả”.

Pham Quang Nghi anh 4

Đồng chí Phạm Quang Nghị chia sẻ với Báo Hànộimới về cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy do Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng. Ảnh: Hà Vũ

Một cách nhìn khác về bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới”

Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật rất trân trọng Phạm Quang Nghị, một nhà văn hóa lớn, đã xuất bản hầu như toàn bộ những tác phẩm về ông. Nhìn tổng thể mới thấy, đây coi như là một tập công trình tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Quang Nghị.

Anh đã sắp vào tuổi 80, tất cả những gì làm được anh đã làm được, tất cả những gì có thể đánh giá được đã có thể đánh giá được, bởi cuộc đời sự nghiệp của Phạm Quang Nghị có thể căn cứ vào hai tập này để đánh giá được. Nếu sau này, Phạm Quang Nghị có viết nữa thì cũng là thêm vào thôi, nhưng không thể vượt qua được tầm tất cả những tác phẩm, những công trình này. Ai muốn làm nghiên cứu về Phạm Quang Nghị cũng chỉ cần toàn bộ công trình này và những tác phẩm chính xuất bản trước năm 2025 là cơ bản. Trong bộ sách này, những người viết về Phạm Quang Nghị không hề nói một chữ Tâm nào với chân dung Phạm Quang Nghị, nhưng họ đã gắn vào Phạm Quang Nghị một chữ Tâm bằng một cách khác, “Thiện căn ở tại lòng ta /Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Thế là đủ.

Ngẫm lại cuộc đời Phạm Quang Nghị, một chữ Tâm còn gắn với một chữ Tài. Nguyễn Du nói “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phạm Quang Nghị là con người cẩn trọng. Anh chưa dính vào bất kỳ một vấn đề có ảnh hưởng đến nhân cách, phong cách lãnh đạo của mình.

Chúc mừng nhà văn hóa Phạm Quang Nghị, chúc mừng Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã ra một công trình quý nhân 50 năm thống nhất đất nước, 1975-2025, nhân 80 năm thành lập nước (1945-2025).

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://hanoimoi.vn/chu-tam-trong-nhung-tac-pham-cua-pham-quang-nghi-710037.html

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.