Ép đầu óc và cơ thể hoạt động vào giờ giấc trái với nhịp sinh học có thể gây hại đến sức khỏe và ảnh hưởng hiệu suất của bạn.
Hiểu rõ thói quen làm việc của bản thân
Bạn là “cú đêm” hay “chim sớm”? Hãy làm việc khi bạn tràn đầy sức sống và năng lượng nhất!
Một trong những yếu tố cho biết bạn thích làm việc vào buổi sáng hay buổi tối là do di truyền. Một nghiên cứu năm 2019 xuất bản trong tạp chí Nature Communications kết luận rằng DNA quyết định nhịp sinh học hay chu kỳ thức – ngủ, vì thế bạn có khuynh hướng làm việc hiệu quả và nhanh nhẹn hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Đây là lý do tại sao năng lượng của chúng ta phân bổ khác nhau. Người thích dậy sớm thường cảm thấy tỉnh táo và có hiệu suất cao nhất trước giờ ăn trưa, còn người thích làm việc đêm thường bắt đầu một ngày muộn hơn. Nếu cảm thấy tràn trề năng lượng nhất vào buổi tối thì bạn có thể là “cú đêm” chính hiệu.
![]() |
Thuộc nhịp sinh học của bản thân là một năng lực. Ảnh: Forbes. |
Quan trọng là bạn phải biết thời điểm bản thân tỉnh táo, năng lượng và có hiệu suất cao nhất để chủ động sắp xếp hoàn tất phần lớn công việc, đặc biệt là những đầu việc khó nhằn, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Không may là nhiều người trong chúng ta buộc phải làm việc vào những thời điểm kém hiệu suất như lệch múi giờ, ca đêm hay theo giờ không cố định.
Ép đầu óc và cơ thể hoạt động vào giờ giấc trái với nhịp sinh học có thể gây hại đến sức khỏe và ảnh hưởng hiệu suất của bạn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the US National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism phát hiện rằng việc đảo lộn chu kỳ thức – ngủ có thể dẫn đến trầm cảm, nghiện rượu và rối loạn tâm thần.
Không phải ai cũng may mắn được lựa chọn, nhưng người có hiệu suất cao thường ưu tiên tuân theo nhịp sinh học tự nhiên, và biết cách nghỉ ngơi hồi sức nếu buộc phải làm trái với nhịp điệu ấy.
Thực hành
Hiểu rõ nhịp sinh học của bản thân…
Hãy nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận ra chu kỳ thức – ngủ tự nhiên của chính mình. Bạn có thể nghĩ mình là chim sớm chỉ vì cuộc sống hay công việc đòi hỏi bạn thức dậy trước 6 giờ sáng. Nhưng thực tế, hiệu suất của bạn lại cao hơn khi đảm nhận một vị trí bắt đầu và kết thúc công việc muộn.
Để xác định nhịp sinh học của bản thân, bạn cần thử nghiệm và để ý cảm giác khi làm việc vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Hãy nhớ rằng chúng ta có thể thay đổi theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy khi già đi, ta có xu hướng dậy sớm và ít tỉnh táo hơn vào buổi chiều, tối.
… và thuận theo, chứ đừng làm ngược lại
Khi đã xác định được nhịp sinh học tự nhiên, hãy sắp xếp những cuộc họp quan trọng hoặc công việc phức tạp vào thời điểm có hiệu suất cao nhất.
Bản thân tôi thích bắt đầu các cuộc thảo luận quan trọng và họp bàn ý tưởng trước 9 giờ sáng. Trái lại, một trong những đối tác kinh doanh của tôi lại hay dồn các cuộc họp khẩn cấp vào giữa trưa hay khi chập tối.
Tận dụng chính sách làm việc linh hoạt tại công ty để bắt đầu sớm và hoàn tất việc sau bữa trưa nếu bạn là kiểu “chim sớm”. Tương tự, nếu là “cú đêm”, hãy bắt đầu làm việc muộn hơn và tan ca vào buổi tối. Hy vọng đây sẽ là một trong các lợi ích của xu thế làm việc tại nhà đang ngày càng phổ biến, cho phép bạn linh hoạt điều chỉnh giờ làm việc của mình.
Tận dụng tối đa giấc ngủ ngắn
Một giấc ngủ ngắn vào đúng thời điểm trong ngày có thể giúp bạn duy trì hiệu suất. Nếu bạn thuộc tuýp người của sáng sớm, đừng ngại chợp mắt vào buổi trưa để có thể làm việc tới cuối ngày.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.