Bà Paetongtarn sẽ có 15 ngày để tự bào chữa, trước khi Tòa án Hiến pháp tiếp tục xét xử vụ án.
![]() |
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp báo hôm 23/6. Ảnh: Reuters. |
Ngày 1/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Bà là vị thủ tướng thứ ba bị cơ quan tư pháp đình chỉ chức vụ hoặc bãi nhiệm chỉ trong vòng ba năm.
Trước đó, nhóm 36 thượng nghị sĩ đã đề nghị Tòa án Tối cao bãi nhiệm thủ tướng với cáo buộc bà vi phạm quy định của hiến pháp nước này.
Giờ đây, nền chính trị Thái Lan đã bước vào giai đoạn “chờ” phán quyết cuối cùng của tòa về việc bà Paetongtarn có bị bãi nhiệm hay không.
Đơn kiện dồn dập
Theo phán quyết của tòa án, bà Paetongtarn sẽ không được đảm nhiệm chức vụ cho tới khi tòa án ra phán quyết cuối cùng. Theo thông cáo của tòa, vị thủ tướng sẽ có 15 ngày để phản hồi các cáo buộc bằng văn bản. Sau khoảng thời gian này, quy trình xét xử sẽ tiếp tục.
Cả 9 thẩm phán đã nhất trí chấp nhận đơn kiện của các thượng nghị sĩ. Trong số đó, 7 thẩm phán đồng ý tạm đình chỉ chức vụ của bà Paetongtarn. Hai thẩm phán không đồng ý với quyết định này, cho rằng vẫn chưa rõ vị thủ tướng có vi phạm hiến pháp hay không, theo Thai PBS World.
Tại Quốc hội, đảng Bhumjaithai – cựu đối tác của đảng Pheu Thái trong chính phủ – đã đe dọa khởi động quá trình bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà Paetongtarn và nội các. Dù vậy, do bà Paetongtarn đã bị đình chỉ, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không thể diễn ra. Bên cạnh đó, đảng Nhân dân – đảng đối lập lớn nhất – vẫn chưa bày tỏ quan điểm.
Ngoài Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) cũng đang điều tra bà Paetongtarn với cáo buộc có hành vi sai lệch, lạm dụng quyền lực, vi phạm hiến pháp và pháp luật liên quan tới cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Nguyên đơn trong vụ việc này cũng là 36 nghị sĩ đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp. Chưa rõ cuộc điều tra của NACC sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, kết quả điều tra có thể được gửi tới Tòa án Tối cao Thái Lan – cơ quan có quyền cấm bà Paetongtarn tham gia chính trị.
![]() |
Bà Paetongtarn vẫy tay khi rời trụ sở chính phủ Thái Lan, ngày 1/7. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, Cục Điều tra Trung ương Thái Lan cũng đang xử lý một đơn kiện bà Paetongtarn với cáo buộc phạm tội xâm hại an ninh quốc gia. Nguyên đơn là một cựu thượng nghị sĩ, một giảng viên luật và một luật sư.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan cũng đã nhận được yêu cầu ra phán quyết về việc liệu vị thủ tướng có vi phạm quy định của hiến pháp hay không. Nếu câu trả lời là có, Ủy ban Bầu cử có thể chuyển vụ việc tới Tòa án Hiến pháp.
Ngoài ra, một số nhóm vận động cũng đã đệ đơn kiện bà Paetongtarn ở các tòa án trên khắp đất nước – từ tỉnh Ubon Ratchathani vùng Đông Bắc, Songkhla ở miền Nam, Phitsanulok ở miền Bắc tới tỉnh Loei giáp ranh Lào – với các cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia.
Nếu Tòa án quyết định bãi nhiệm
Ngay sau quyết định của tòa án, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Juangroongruangkit đã được bổ nhiệm làm quyền thủ tướng Thái Lan.
Trong cuộc cải tổ nội các ngay trước khi bà Paetongtarn bị đình chỉ, bà đảm nhiệm thêm chức vụ Bộ trưởng Văn hóa. Do tòa án chỉ đình chỉ chức vụ thủ tướng, bà vẫn có chân trong nội các sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 3/7 tới.
Theo quy định của Hiến pháp Thái Lan, nếu Tòa án Hiến pháp ra quyết định bãi nhiệm, nội các tạm quyền Thái Lan sẽ nhóm họp để bầu ra thủ tướng tạm quyền. Thủ tướng tạm quyền có thể đề nghị Hạ viện lựa chọn thủ tướng mới từ danh sách “dự phòng” mà các đảng đã đăng ký trước đó.
Chỉ các đảng có từ 5% số ghế trong Hạ viện trở lên có quyền này. Các đảng cũng có quyền rút tên ứng viên để làm con bài mặc cả, đổi chác.
Để trở thành thủ tướng, một ứng viên cần được đa số nghị sĩ Hạ viện ủng hộ. Nếu không ứng viên nào đạt đủ tiêu chuẩn, các nghị sĩ sẽ phải tiếp tục bỏ phiếu.
![]() |
Hạ viện Thái Lan sẽ bầu ra thủ tướng mới nếu thủ tướng cũ bị bãi nhiệm. Ảnh: Reuters. |
Một phương án khác mà thủ tướng tạm quyền có thể lựa chọn là giải tán Hạ viện. Nếu kịch bản này xảy ra, Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 45-60 ngày. Các chính trị gia có quyền chọn chính đảng mà họ mong muốn là thành viên trước khi bầu cử diễn ra.
Dù vậy, kịch bản này khó xảy ra hơn do liên minh cầm quyền vẫn nắm đa số ghế – dù mong manh – trong Quốc hội.
Trước đó, hồi tháng 8/2024, cựu Thủ tướng Srettha Thavisin – chính trị gia cũng thuộc đảng Pheu Thai – cũng bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ với cáo buộc vi phạm đạo đức.
Khi đó, bà Paetongtarn – với tư cách ứng viên “dự phòng” của đảng Pheu Thai – là ứng viên duy nhất được đề cử. Bà đã đắc cử với 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Tri Thức – Znews giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung – Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học – Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.