Mỹ sắp hết tên lửa?

12 ngày chiến sự tại Trung Đông đang phơi bày tình trạng thiếu hụt đạn dược tầm xa nghiêm trọng của Mỹ, làm lung lay chiến lược hỗ trợ Israel và duy trì ảnh hưởng quân sự toàn cầu.

Mỹ hiện có 7 Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran hồi tháng 6, dù đã triển khai hai tổ hợp THAAD đến Israel, điều đó vẫn chưa đủ.

Các quan chức Mỹ tiết lộ với Wall Street Journal, cùng phối hợp với các hệ thống phòng thủ của Israel, binh sĩ Mỹ vận hành THAAD đã khai hỏa với tốc độ chóng mặt, sử dụng hơn 150 tên lửa đánh chặn để ngăn chặn loạt đạn đạo của Iran. Con số này tương đương gần 1/4 tổng số đạn đánh chặn mà Lầu Năm Góc từng đặt mua.

Tốc độ tiêu hao nhanh đến mức Washington đã phải tính đến phương án “mượn khẩn” số tên lửa mà Saudi Arabia đã đặt mua, chuyển sang chiến trường Israel. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều cân nhắc, bởi Riyadh hiện cũng nằm trong vùng nguy cơ bị Iran tấn công.

Ngoài THAAD, Mỹ còn sử dụng tên lửa đánh chặn từ các tàu khu trục. Phía Israel, dù sở hữu hệ thống phòng thủ đa tầng hiện đại, cũng nhanh chóng cạn nguồn đạn. Bất chấp nỗ lực chung, hàng chục quả tên lửa Iran vẫn xuyên thủng các tầng lưới phòng thủ.

Kho đạn của Mỹ: Hào nhoáng nhưng không dài hạn

Giới chức Israel thừa nhận các hệ thống phòng thủ của Mỹ đã cứu hàng nghìn sinh mạng. Dẫu vậy, chiến sự phơi bày điểm yếu chí mạng: kho vũ khí của Mỹ tuy hiện đại nhưng thiếu chiều sâu và không đủ cho chiến đấu kéo dài.

Lầu Năm Góc đang rà soát hiệu quả thực chiến của các loại đạn đánh chặn, và bước đầu ghi nhận nhiều bất cập về năng lực tiêu diệt mục tiêu trong môi trường chiến tranh cường độ cao.

Các chuyên gia quân sự cũng cảnh báo những hệ thống vốn được thiết kế để đối phó với số ít tên lửa từ Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên giờ đây bị “quá tải” trước chiến thuật tấn công bằng hàng trăm tên lửa giá rẻ – xu hướng phổ biến trong chiến tranh hiện đại, từ Houthi ở Yemen đến cuộc xung đột tại Ukraine.

vu khi quan su,  xung dot Israel Iran anh 1

Cách thức hoạt động của hệ thống phòng thủ tầm cao THAAD (Mỹ). Dữ liệu: WSJ.

“Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi hoàn toàn trong mô hình tác chiến: tên lửa rẻ tiền trở thành vũ khí chủ lực, còn các hệ thống phòng thủ đắt đỏ thì ngày càng thiếu hụt”, Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS, nhận định.

Hiện, hệ thống THAAD được xem là biểu tượng công nghệ phòng thủ của Mỹ. Mỗi tổ hợp gồm 6 bệ phóng với tối đa 48 đạn đánh chặn, cần tới 100 binh sĩ để vận hành liên tục. Tuy nhiên, điểm yếu là số lượng đạn cực kỳ hạn chế và giá thành quá cao – mỗi quả khoảng 13 triệu USD.

Từ năm 2010 đến nay, Mỹ mới chỉ mua khoảng 650 quả đạn THAAD. Trong năm tới, dự kiến chỉ bổ sung thêm 37 quả. Với tốc độ sản xuất 100 quả/năm như hiện nay của Lockheed Martin, việc thay thế số đạn tiêu hao trong 12 ngày chiến sự có thể kéo dài hơn một năm và ngốn tới 2 tỷ USD.

“Lực lượng của chúng ta không chỉ thiếu đạn, mà còn thiếu thời gian để nghỉ ngơi, bảo trì và huấn luyện”, trung tướng Brad Cooper, tân Tư lệnh CENTCOM, phát biểu trước Quốc hội.

Theo mô hình lý tưởng của Lục quân Mỹ, cứ một hệ thống THAAD triển khai thì cần hai hệ thống dự phòng: một để bảo trì, một để huấn luyện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đáng báo động.

Trong số 7 hệ thống THAAD Mỹ đang vận hành, 2 đang ở Israel, 2 cam kết lâu dài cho Guam và Hàn Quốc, 1 đặt tại Saudi Arabia, 2 còn lại ở nội địa Mỹ. Hệ thống thứ 8 đã chế tạo nhưng chưa sẵn sàng tác chiến.

Việc 5/7 hệ thống đang ở tuyến đầu khiến Mỹ đối mặt với “khủng hoảng chu kỳ luân phiên”, khi các đơn vị không có thời gian nghỉ ngơi giữa các lần triển khai.

Israel cũng “cháy hàng”, Mỹ phải điều gấp tàu khu trục

Dù sở hữu hệ thống phòng thủ nhiều tầng hiện đại gồm Arrow, David’s Sling và Iron Dome, Israel cũng nhanh chóng cạn dần nguồn đạn đánh chặn. Nếu Iran phóng thêm vài loạt lớn, kho vũ khí đánh chặn chủ lực Arrow 3 của Israel có thể sẽ cạn sạch, theo một quan chức Mỹ.

Quân đội Israel không tiết lộ số lượng hay chi tiết vận hành, nhưng khẳng định luôn có đủ năng lực bảo vệ chủ quyền và dân thường trong suốt cuộc chiến.

Trước mưa tên lửa Iran, Mỹ điều khẩn cấp 7 tàu khu trục đến Địa Trung Hải và Biển Đỏ cùng các tàu lớp Arleigh Burke trang bị loạt tên lửa đánh chặn SM-2, SM-3 và SM-6.

Tuy nhiên, số tên lửa này cũng nhanh chóng cạn kiệt. Đô đốc James Kilby, quyền Tư lệnh Hải quân, cho biết các tàu đã phóng khoảng 80 quả SM-3 chỉ trong 12 ngày.

vu khi quan su,  xung dot Israel Iran anh 2

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh Burke trang bị loạt tên lửa đánh chặn SM-2, SM-3 và SM-6 được Mỹ điều gấp để “cứu trợ” Israel. Ảnh: US Navy.

SM-3 do RTX sản xuất hiện có giá từ 8-25 triệu USD/quả tùy phiên bản. Song, theo hai quan chức quốc phòng Mỹ, hiệu quả của loại đạn này trong thực chiến hiện vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn, nhất là khi số mục tiêu bị tiêu diệt thấp hơn kỳ vọng.

Hiện hải quân Mỹ đang rà soát từng vụ phóng để xác định nguyên nhân. Một sĩ quan cho rằng còn quá sớm để đánh giá toàn diện hiệu quả SM-3.

Trong khi đó, đại diện RTX phản bác nghi ngờ, khẳng định SM-3 đã chứng minh khả năng đánh chặn trong những môi trường khắc nghiệt nhất.

Chiến tranh hiện đại: Tên lửa rẻ, phòng thủ đắt và… thiếu

Theo các sĩ quan từng tham chiến tại Trung Đông, chiến trường hiện đại đang ngày càng hỗn loạn. Mỗi loạt tên lửa không chỉ gồm đầu đạn thật mà còn chứa mồi nhử, mảnh vụn và tầng tăng tốc gây nhiễu nặng nề cho hệ thống radar. Việc xác định đâu là mục tiêu sống để khai hỏa trở nên rất khó khăn.

Thêm vào đó, việc phối hợp giữa tàu chiến Mỹ và phòng không Israel chủ yếu qua liên lạc thoại, dẫn đến tình trạng “trùng lệnh bắn” khiến nhiều đơn vị cùng khai hỏa vào một mục tiêu, gây lãng phí đạn dược.

Và sau khi bắn hết đạn, các tàu khu trục buộc phải quay về cảng tiếp tế bởi Mỹ chưa có năng lực nạp đạn SM-3 hay THAAD trên biển. Với chiều dài gần 10 mét và trọng lượng hàng tấn, các quả đạn này không thể nạp giữa điều kiện sóng gió.

vu khi quan su,  xung dot Israel Iran anh 3

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Quân đội Mỹ được đặt tại Israel. Ảnh: US Air Force.

“Nếu chiến tranh với Trung Quốc xảy ra, đây sẽ là điểm yếu chí mạng”, kỹ sư Tri Freed từ Phòng Thí nghiệm Johns Hopkins cảnh báo.

Kết thúc 12 ngày chiến sự giữa Israel và Iran, một bài học đã hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết: công nghệ hiện đại không thể thay thế được số lượng. Mỹ đang sở hữu những vũ khí đắt đỏ bậc nhất thế giới, nhưng nếu thiếu chiều sâu hậu cần và năng lực sản xuất không đủ lớn, sức mạnh đó sẽ dễ dàng bị bào mòn.

“Iran có thể lặp lại điều này bất cứ lúc nào. Câu hỏi là: chúng ta có đủ khả năng để ứng phó thêm một lần nữa hay không?”, chuyên gia Tom Karako đặt vấn đề.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Châu Phi – Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật”. Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,…

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.