Manga ‘tiên tri’ khiến du lịch Nhật Bản lao đao

Dù giới chức Nhật Bản đã bác bỏ tin đồn về “đại thảm họa” vào tháng 7 do một bộ manga “tiên tri” nhưng du khách từ các thị trường châu Á vẫn đồng loạt hủy chuyến bay đến nước này.

Một bộ truyện tranh Nhật Bản tưởng chừng vô hại đang gây ra tác động ngoài sức tưởng tượng: khiến hàng loạt du khách hoang mang và né tránh Nhật Bản trong mùa hè này.

Trước làn sóng đồn đoán về một “đại họa” sắp xảy ra vào tháng 7/2025, chính quyền Nhật đang nỗ lực dập tắt tin đồn, trấn an công chúng và ngăn chặn làn sóng hoang mang lan rộng.

Cơn sốt bắt nguồn từ manga “Tương lai tôi đã thấy” (The Future I Saw) của tác giả Ryo Tatsuki. Trong bản gốc phát hành năm 1999, truyện từng “tiên đoán” về một “thảm họa lớn xảy ra vào tháng 3/2011” – trùng hợp với thảm họa kép lịch sử tại vùng Tohoku, gồm động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân Fukushima.

Chính xác bất ngờ này đã khiến nhiều độc giả tin rằng tác phẩm có khả năng dự báo tương lai, theo Washington Post.

Đến năm 2021, phiên bản cập nhật của truyện tiếp tục gây xôn xao khi tuyên bố: “thảm họa thực sự sẽ đến vào tháng 7/2025”. Kể từ đó, mạng xã hội khắp Đông Á ngập tràn các bài đăng và video cảnh báo về trận động đất khủng khiếp sắp xảy ra, thu hút hàng triệu lượt xem tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong – những thị trường khách du lịch lớn hàng đầu của Nhật năm ngoái.

du lich Nhat Ban anh 1

Manga “Tương lai tôi đã thấy” (The Future I Saw) của tác giả Ryo Tatsuki đã tiên đoán chính xác về trận sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản. Ảnh: La Derecha Diario.

Chính phủ phản pháo

Trước sức lan truyền của “lời tiên tri manga,” các quan chức Nhật đã tổ chức họp báo khẩn để bác bỏ tin đồn. Ông Ryoichi Nomura, Cục trưởng Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhấn mạnh: “Khoa học hiện nay chưa có khả năng dự đoán chính xác ngày, địa điểm hay cường độ của động đất. Do đó, mọi tuyên bố cụ thể như vậy đều là sai sự thật và nên bị xem là thông tin sai lệch”.

Tuy vậy, những cảnh báo thực tế gần đây của chính phủ Nhật về khả năng xảy ra một “siêu động đất” trong vòng 30 năm tới lại khiến tình hình thêm phần rối ren.

Tháng 8/2024, sau trận động đất mạnh 7,1 độ ngoài khơi tỉnh Miyazaki (miền nam Nhật Bản), cơ quan khí tượng Nhật lần đầu phát cảnh báo về nguy cơ động đất lớn tại rãnh Nankai – một khu vực dưới biển chứa nhiều năng lượng địa chấn.

Mặc dù cảnh báo này được gỡ bỏ sau đó, nhưng đầu năm nay, một tổ công tác chính phủ tiếp tục công bố khả năng xảy ra trận động đất cấp 8 hoặc 9 trong khu vực này lên đến 80% trong vòng 30 năm tới.

Ngày 1/7, chính phủ Nhật Bản chính thức công bố bản cập nhật kế hoạch ứng phó với “siêu động đất” có thể xảy ra tại rãnh Nankai – khu vực địa chấn nằm ngoài khơi Thái Bình Dương vốn đã được giới khoa học cảnh báo từ lâu.

Trong đó, chính phủ nhấn mạnh: nếu không hành động khẩn cấp, Nhật Bản có thể phải đối mặt với con số thương vong lên tới 298.000 người và thiệt hại kinh tế hơn 2.000 tỷ USD.

Theo hãng tin Kyodo, bản kế hoạch mới kêu gọi các địa phương đẩy mạnh xây dựng hệ thống đê chắn sóng, tòa nhà sơ tán kiên cố và tổ chức thường xuyên các cuộc diễn tập ứng phó thảm họa quy mô lớn.

“Cần có sự chung tay từ toàn xã hội – từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để bảo vệ càng nhiều sinh mạng càng tốt”, Thủ tướng Shigeru Ishiba nhấn mạnh trong cuộc họp chính phủ.

du lich Nhat Ban anh 2

Chính phủ Nhật Bản gần đây đã khuyến nghị các biện pháp ứng phó với thảm họa, trong đó tiến hành diễn tập động đất thường xuyên hơn để nâng cao khả năng sẵn sàng của công chúng. Ảnh: Reuters.

Thực tế, là một quốc gia nằm trong “vành đai lửa Thái Bình Dương”, Nhật Bản từ lâu đã sống chung với động đất – trung bình có đến 1.500 trận động đất có thể cảm nhận được mỗi năm. Đây cũng là cái nôi của ngành địa chấn học hiện đại.

“Dù Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất, điều quan trọng nhất là luôn chuẩn bị tốt và tìm đến nguồn thông tin đáng tin cậy. Chúng tôi khuyến nghị người dân không nên dao động bởi những thông tin thảm họa có thời gian cụ thể và tránh hành động theo cảm tính”, ông Nomura kết luận.

Du khách đồng loạt hủy chuyến, địa phương lao đao

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc và Hàn Quốc lại coi những cảnh báo khoa học và sự chuẩn bị của chính phủ Nhật là bằng chứng xác thực cho lời tiên tri của Tatsuki.

Trên Thequoo – một trong những diễn đàn trực tuyến lớn và có tầm ảnh hưởng nhất Hàn Quốc – người dân xứ sở kim chi cũng bàn luận sôi nổi về lời đồn đại.

Vào tháng 5, 820.000 người Hàn Quốc đã đến thăm Nhật Bản, đứng đầu trong số tất cả những người nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, ngày càng có nhiều người tránh đi du lịch đến Nhật Bản.

Ngành lữ hành nội địa Hàn Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng các yêu cầu điều chỉnh hoặc hủy hành trình du lịch đến Nhật Bản. Nguyên nhân là lời đồn liên quan tới bộ truyện tranh dự đoán tháng 7 sẽ xảy ra một trận đại động đất.

Tại Hong Kong, hai hãng hàng không đã cắt giảm chuyến bay đến các tỉnh miền nam Nhật Bản. Hong Kong Airlines hủy toàn bộ tuyến bay đến Kagoshima và Kumamoto trong mùa cao điểm tháng 7-8, viện dẫn lý do là “nhu cầu hành khách giảm đột ngột”. Trong khi đó, tỉnh Tokushima cho biết hãng Greater Bay Airlines đã cắt giảm chuyến bay từ giữa tháng 5 đến tháng 10.

“Chúng tôi bất ngờ khi tin đồn lại dẫn đến lượng hủy chuyến lớn như vậy,” đại diện bộ phận xúc tiến du lịch tỉnh Tokushima chia sẻ.

du lich Nhat Ban anh 3

Các du khách nước ngoài gần đây đã điều chỉnh hoặc hủy lịch trình du lịch Nhật Bản do lời đời đồn đại về trận động đất. Ảnh: iStock.

Tình hình tại Tottori (miền tây Nhật) cũng không khá hơn: tỷ lệ lấp đầy chuyến bay đến tỉnh này giảm mạnh từ 85% trong kỳ lễ Phục Sinh (tháng 4) xuống chỉ còn 43,3% trong tháng 5, theo thống kê của Thống đốc Shinji Hirai.

“Tác động là rất rõ rệt. Thật tiếc khi phải nói rằng tình hình hiện vẫn đang rất khó khăn. Điều quan trọng lúc này là phải đối diện với thực tế một cách bình tĩnh và khách quan”, ông Hirai phát biểu trong cuộc họp báo cuối tháng 5.

Một số công ty lữ hành đang cố gắng trấn an du khách bằng những gói khuyến mãi đặc biệt. Công ty WWPKG – đơn vị chuyên khai thác tour từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục sang Nhật – hiện tung ra chương trình hoàn tiền 100% nếu xảy ra động đất cấp 5 hoặc cao hơn, và nếu điểm đến được tuyên bố là vùng thảm họa.

Thế nhưng, theo CEO Yuen Chun Ning, biện pháp này “không mang lại hiệu quả đáng kể”.

“Tâm lý lo sợ đã ăn sâu. Khách du lịch Hong Kong vốn sống ở vùng hiếm khi trải qua động đất, nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn như vậy”, CEO Yuen nhận định.

Cũng theo Yuen, trong mùa cao điểm tháng 6 đến tháng 8, nhiều du khách đang chọn chuyển hướng sang các điểm đến như Úc, Dubai hoặc châu Âu thay vì đến Nhật.

Tại Đài Loan, travel blogger nổi tiếng Brian In cũng ghi nhận hiện tượng hiếm: giá vé bay tháng 7 từ Đài Loan đến Tokyo, Osaka và Okinawa – những điểm đến hàng đầu của người Đài 0 bất ngờ giảm mạnh.

Trên Facebook, anh viết: “Đây là điều rất bất thường. Có lẽ vì lời tiên tri quá mạnh, hoặc do các hãng bay giá rẻ phá vỡ thị trường”.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng – Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu – Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,… nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.