Khi nắng nóng ngày càng khắc nghiệt, nền kinh tế “gig” tại Trung Quốc đang bùng nổ, nhưng đồng thời đẩy hàng triệu người lao động tự do ngoài trời vào tình thế dễ bị tổn thương.
![]() |
Khi nhiệt độ lên cao, hàng triệu tài xế giao hàng phải làm việc liên tục ngoài trời, song không được nhận đầy đủ trợ cấp như luật quy định. Ảnh: Reuters. |
Vào một buổi sáng oi nóng tại Bắc Kinh, anh Hao và hàng chục tài xế giao đồ ăn khác chờ đợi bên ngoài một nhà hàng lẩu. Họ hút thuốc, xem điện thoại, tìm cách giết thời gian trong lúc chờ lấy đơn cho khách.
Anh Hao, giống hầu hết 200 triệu người trong nền kinh tế “gig” – mô hình mà người lao động làm việc tự do, ngắn hạn theo từng “job” nhỏ lẻ, thường thông qua nền tảng số thay vì gắn bó lâu dài với một công ty. Anh Hao đủ điều kiện theo luật nhận “khoản trợ cấp nắng nóng”. Theo đó, anh sẽ được trả ít nhất 180 nhân dân tệ/tháng khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C.
Tuy nhiên, dù Bắc Kinh đã chạm mốc 40 độ C, anh Hao – người làm việc 10 giờ/ngày suốt 5 năm qua – cho biết mình chưa từng nghe tới khoản trợ cấp nào từ công ty.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh thời tiết tại các thành phố lớn khắc nghiệt, nhu cầu giao hàng tăng đột biến. Trời càng nóng, đơn hàng đổ về càng nhiều.
Trời càng nóng, đơn càng dồn dập
Chỉ có những công ty tuân thủ pháp luật mới có trợ cấp nắng nóng. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, cạnh tranh việc làm rất khốc liệt và không nhiều người sẵn sàng đàm phán lại chế độ phúc lợi.
Tình trạng này không phải mới, song biến đổi khí hậu đang khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Năm 2024, Trung Quốc ghi nhận năm nóng nhất lịch sử. 3 năm trước đó cũng nằm trong nhóm những năm có nhiệt độ trung bình cao nhất kể từ những năm 1960. Theo Lancet, số ca tử vong liên quan đến đợt nắng nóng hàng năm ở Trung Quốc tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 1986-2005, với hơn 37.000 ca tử vong chỉ riêng trong năm 2023.
Tài xế giao hàng, người bán hàng rong và công nhân xây dựng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Trung Quốc là thị trường giao đồ ăn lớn nhất thế giới, với khoảng 12 triệu tài xế phục vụ hơn 500 triệu cư dân thành thị khắp cả nước. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Cities cho thấy người dân Trung Quốc thường xuyên sử dụng dịch vụ giao hàng khi nắng nóng ập đến.
Phân tích dữ liệu trên một nền tảng chính tại 100 thành phố Trung Quốc từ năm 2017-2023, các tác giả ghi nhận lượng đơn hàng vào giờ ăn trưa tăng gần 13% khi nhiệt độ tăng từ 20 độ C lên 35 độ C. Người dùng thường là phụ nữ, có thu nhập cao hoặc lớn tuổi. Trung bình, dịch vụ giao đồ ăn giúp họ tránh được khoảng 3,6 giờ đi bộ dưới trời nóng mỗi năm.
Số lượng đơn hàng tăng đột biến trong thời tiết xấu thường đẩy phí giao hàng. Những ưu đãi này và nhu cầu cao có thể khiến nhiều nhân viên làm việc bất chấp điều kiện nguy hiểm. Tuy nhiên, chăm chỉ không phải lúc nào cũng tăng thêm thu nhập. Theo nghiên cứu trên, mặc dù tài xế ở Thượng Hải và Hàng Châu nhận nhiều đơn hàng hơn mỗi ngày, tình trạng giao trễ cũng tăng 20% vì các đơn hàng thường phân bổ khắp thành phố.
![]() |
Trời càng nóng, nhu cầu đặt đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc càng cao. Ảnh: Reuters. |
Một nghiên cứu khác công bố năm 2024 phân tích 1.200 tài xế và 580.000 đơn hàng cho thấy trong đợt nắng nóng, đơn đặt hàng theo giờ tăng 9%. Số giờ làm thêm tăng 6%, nhưng họ chỉ kiếm thêm được 1 nhân dân tệ/giờ, một phần do tiền phạt giao hàng trễ cũng tăng lên. Số tiền này không đủ để mua một chai nước lạnh.
Trong khi đó, chi phí y tế cho say nắng và các tác hại khác, như bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính, tăng trung bình tới 500 nhân dân tệ trong cao điểm mùa hè.
“Hầu hết tài xế không tính toán tới chi phí y tế cho đến khi họ bị ốm và phải nhập viện, không có bảo hiểm y tế”, tiến sĩ Susan Feng Lu – đồng tác giả của nghiên cứu – chia sẻ. “Gánh nặng rủi ro về sức khỏe đặt lên vai những người làm việc tự do”.
Theo laodongqushi.com, ít nhất 51 công nhân đã qua đời vì say nắng trong 3 năm qua tại Trung Quốc. Song con số này dường như chưa phản ánh hoàn toàn thực tế, một phần do khó khăn trong xác định nguyên nhân tử vong vì nắng nóng.
Cần siết chặt hơn
Theo luật pháp Trung Quốc, người lao đọng chỉ được phép làm việc ngoài trời dưới 6 tiếng/ngày khi nhiệt độ vượt quá 37 độ C, và phải dừng làm việc nếu nhiệt độ lên tới 40 độ C. Tuy nhiên, nhóm lao động tự do dường như không được hưởng những “đặc quyền” này từ công ty.
Giống các ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn trên toàn thế giới, các nhà tuyển dụng việc làm tự do Trung Quốc liên tục quảng cáo về công việc “linh hoạt, có tinh thần kinh doanh, truyền cảm hứng”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng “tự do” chỉ là vỏ bọc cho “không có phúc lợi” và “gần như không được hưởng chế độ bảo hộ lao động”.
Trước làn sóng chỉ trích của các nhà lập pháp Trung Quốc, nhiều nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc đã bổ sung một số phúc lợi.
Meituan tuyên bố sẽ “dần dần đóng góp bảo hiểm xã hội cho các tài xế giao hàng toàn thời gian và bán thời gian ổn định” từ quý II/2025 và có quỹ “chăm sóc nhiệt độ cao” kèm khoản phí bổ sung cho đơn hàng đủ điều kiện. Trong khi đó, JD.com cung cấp hỗ trợ cho tài xế toàn thời gian và “cam kết đảm bảo sức khỏe tài xế trong thời tiết nắng nóng”. Ele.me triển khai các chương trình cung cấp cho tài xế “vật dụng làm mát mùa hè”.
![]() |
Nhiều nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc khẳng định họ có hỗ trợ người lao động trong thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, một số người cảm thấy chưa đủ.
“Những gì người lao động cho đi và những gì họ nhận lại không ngang nhau”, nhà hoạt động Han Dongfang chia sẻ. “Nếu họ được trả công xứng đáng, họ có thể tự chăm sóc bản thân tốt hơn trong các đợt nắng nóng”.
Trong khi các chuyên gia về khí hậu và sức khỏe cộng đồng kêu gọi nâng cao nhận thức của công chúng về nguy cơ say nắng, các nhà tuyển dụng lại thường ca ngợi tinh thần làm việc chăm chỉ, ngụ ý nắng nóng là thách thức người lao động phải đối mặt.
Trong bối cảnh đó, các nhà lập pháp Trung Quốc đề xuất mở rộng mạng lưới bảo vệ lao động tự do, trong khi chính quyền địa phương đưa ra các sáng kiến bảo vệ sức khỏe vào mỗi mùa hè.
Tài xế giao hàng lại mong đợi những thay đổi, dù là nhỏ nhoi, từ chủ lao động. Một chai trà lạnh, một bát súp đậu xanh, hay một lát dưa hấu.
Nhiệt độ ở Bắc Kinh tăng thêm một độ. Anh Hao lại leo lên xe. Đơn hàng tiếp theo đã sẵn sàng. Có người đặt một ly trà sữa trân châu lạnh.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc – một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.