Sau lời công kích dự luật chi tiêu của ông Trump, Musk chứng kiến cổ phiếu lao dốc, giá trị tài sản giảm mạnh và SpaceX rơi vào thế bị động trước nguy cơ bị cắt ngân sách.
|
SpaceX – trụ cột quan trọng của NASA và Lầu Năm Góc – có thể mất hợp đồng liên bang nếu căng thẳng cá nhân giữa Elon Musk và ông Trump tiếp tục leo thang. Ảnh: Reuters. |
Khi mối quan hệ căng thẳng giữa Elon Musk và Tổng thống Donald Trump tái bùng phát, các doanh nghiệp của Musk, đặc biệt là những tập đoàn hưởng lợi từ hàng chục tỷ USD hợp đồng liên bang, lại một lần nữa trở thành tâm điểm dư luận và giám sát.
Tesla vẫn là cái tên gắn liền với Musk nhiều nhất, nhưng về mặt tài chính, công ty xe điện này không phụ thuộc trực tiếp vào chính phủ Mỹ như SpaceX – tập đoàn hàng không vũ trụ đang giữ nhiều vai trò chiến lược trong các sứ mệnh không gian của NASA và Bộ Quốc phòng, theo NBC News.
Cổ phiếu lao dốc, nguy cơ mất hợp đồng tỷ USD
Cổ phiếu Tesla đã giảm 5,3% trong phiên giao dịch chiều 1/7, thấp nhất trong 3 tuần – một phản ứng rõ ràng của giới đầu tư trước căng thẳng chính trị ngày càng sâu sắc giữa Musk và Trump.
Mặc dù cổ phiếu hãng xe điện từng phục hồi mạnh mẽ hồi cuối mùa xuân cùng đà tăng của thị trường chung, tính từ đầu năm đến nay, giá trị vốn hoá của Tesla vẫn giảm khoảng 20%.
Một phần nguyên nhân được cho là làn sóng phản đối toàn cầu nhắm vào mối quan hệ thân thiết giữa Musk và ông Trump từ chiến dịch tranh cử cho đến thời kỳ ông Trump tại nhiệm.
Musk thừa nhận chương trình cắt giảm ngân sách của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mà ông dẫn dắt có thể đã gây ra “tác dụng ngược” ảnh hưởng tới doanh số Tesla. Dù vậy, giới đầu tư vẫn lạc quan vào tầm nhìn dài hạn của công ty, đặc biệt là các bước chuyển từ xe điện đại trà sang taxi tự hành và công nghệ robot giúp định giá Tesla tiệm cận lại mốc 1.000 tỷ USD.
Dù Tesla là thương hiệu nổi tiếng, SpaceX mới là cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Musk từ chính phủ Mỹ. Định giá SpaceX hiện đạt khoảng 350 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào hàng loạt hợp đồng béo bở từ NASA, Lầu Năm Góc và các cơ quan liên bang.
SpaceX đang đảm nhận vai trò trung tâm trong sứ mệnh Artemis đưa con người trở lại Mặt trăng, đồng thời vận hành tàu Dragon – phương tiện duy nhất hiện nay có thể chở phi hành gia tới và về từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
![]() |
Một tàu vũ trụ Dragon chở phi hành đoàn nằm trên đỉnh tên lửa Falcon 9 của SpaceX tại Tổ hợp Phóng 39-A vào ngày 11/6. Đây phương tiện duy nhất hiện nay có thể chở phi hành gia tới và về từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, công ty cũng là nhà thầu chính trong các nhiệm vụ phóng vệ tinh cho Bộ Quốc phòng, chiếm phần lớn thị phần trong lĩnh vực này, theo báo cáo của Ars Technica.
Vì là công ty tư nhân không niêm yết, không dễ để định lượng mức độ ảnh hưởng từ các bất ổn chính trị. Tuy nhiên, tác động tiềm tàng là không hề nhỏ. Theo dữ liệu của Bloomberg Government, từ năm tài khóa 2000 đến nay, tổng giá trị các hợp đồng liên bang (không phân loại) dành cho Tesla và SpaceX đạt 22,5 tỷ USD – phần lớn thuộc về SpaceX.
Riêng theo Washington Post, con số dành cho SpaceX ước tính lên tới gần 38 tỷ USD, trong đó riêng năm 2024 đã vượt 6,3 tỷ – mức cao nhất từ trước tới nay.
Xung đột chính trị ảnh hưởng tới tài sản cá nhân
Bên cạnh những rủi ro doanh nghiệp, cuộc khẩu chiến mới với ông Trump cũng làm xói mòn đáng kể giá trị tài sản cá nhân của Elon Musk.
Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, màn tranh cãi mới nhất trên mạng xã hội của Musk và ông Trump ngày 1/7 khiến tài sản của CEO Tesla giảm 12,1 tỷ USD chỉ trong một ngày. Ông cũng là tỷ phú mất tiền nhiều nhất thế giới hôm qua. Tổng cộng từ đầu năm, tài sản của Elon Musk giảm 82 tỷ USD, còn 351 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ ngôi vị người giàu nhất thế giới, bỏ xa người đứng thứ hai – nhà sáng lập Oracle Larry Ellison – khoảng 150 tỷ USD.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Musk và ông Trump bùng nổ hồi tháng trước, sau khi Musk tuyên bố rút khỏi vai trò “nhân viên chính phủ đặc biệt” và công khai chỉ trích dự luật chi tiêu – cắt giảm thuế quy mô lớn mà Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vừa thông qua.
![]() |
Ông Trump đe dọa DOGE sẽ rà soát các hợp đồng và viện trợ của Elon Musk để tiết kiệm ngân sách liên bang. |
Ông Trump sau đó tuyên bố sẽ “chấm dứt toàn bộ trợ cấp và hợp đồng của Elon với chính phủ”. Đáp lại, Musk dọa sẽ “ngưng vận hành tàu Dragon”, nhưng nhanh chóng rút lại phát ngôn chỉ vài giờ sau, khi một người dùng mạng xã hội X khuyên cả hai nên “hạ nhiệt và suy nghĩ lại trong vài ngày”.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, Musk tuyên bố đang cân nhắc thành lập một đảng chính trị riêng nhằm giải quyết “bất cân đối tài khóa” của nước Mỹ – điều mà ông cho là sẽ càng trầm trọng hơn với dự luật chi tiêu mới của ông Trump. Quan điểm này cũng được Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ủng hộ.
Các chuyên gia cho rằng, dù Musk – người sinh ra tại Nam Phi – không đủ điều kiện tranh cử, bất kỳ ứng viên nào được ông hậu thuẫn cho các chức vụ liên bang đều có thể phải đối mặt với những câu hỏi pháp lý về xung đột lợi ích.
Elon Musk “theo đuổi đồng đôla Trung Quốc”?
Vị tỷ phú giàu nhất thế giới vừa có khoảng thời gian đầy tranh cãi khi tham gia vào chính trị với vai trò đồng sáng lập Ban Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE) – cơ quan được lập ra nhằm cắt giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ.
Ngay cả trong đội ngũ đồng minh với Tổng thống Trump, Musk cũng không được lòng nhiều người. Trong cuốn Seven Things You Can’t Say About China ra mắt hồi tháng 2, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Tom Cotton cho rằng Elon Musk có mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Cotton cũng đưa Musk vào nhóm “ông trùm công nghệ” người Mỹ, những người ông cho rằng “đang đuổi theo đồng đôla Trung Quốc”.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.