Cuộc sống tại ‘lò lửa’ gần 50 độ C tại Ấn Độ

Với nhiều người tại Sri Ganganagar, dường như không còn cách nào thoát khỏi nắng nóng cực đoan, khi họ vẫn phải lao động ngoài trời để trang trải chi phí sinh hoạt dù thời tiết khắc nghiệt.

nang nong tai an do anh 1

Ấn Độ đang vật lộn với đợt nắng nóng gay gắt, khi 3/4 dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Ở một số vùng, nhiệt độ ban ngày dao động gần 50 độ C. Sri Ganganagar thuộc bang Rajasthan được ghi nhận là khu vực nóng nhất Ấn Độ hồi giữa tháng 6. Trong hai ngày ở đây ghi nhận về cuộc sống người dân, phóng viên New York Times đã trải qua mức nhiệt 47 và 49 độ C.

nang nong tai an do anh 2

6h00 – 30 độ C: Những công việc ngoài trời như đồng áng và xây dựng bắt đầu từ rất sớm, thậm chí trước cả bình minh, để tận dụng tối đa khoảng thời gian mát mẻ. Kulwinder Singh và con trai Gurveer đang nhổ cỏ trên cánh đồng bông. Gurveer sau đó giúp mẹ chuẩn bị thức ăn cho gia súc. Trong khi đó, chị gái Gurveer gấp gọn ga gối trên những chiếc giường đặt ngoài sân, nơi cả gia đình sẽ ngủ vào ban đêm cho thoáng mát.

nang nong tai an do anh 3

9h00 – 36 độ C: Khi nhiệt độ bắt đầu tăng dần, con kênh ở rìa ngôi làng dần đông đúc, khi trẻ em nhảy xuống nước giải nhiệt. Anmol Varma – 16 tuổi, làm việc tại một cửa hàng phụ tùng ôtô – ghé con kênh nhiều lần trong ngày.

nang nong tai an do anh 4

10h00 – 40 độ C: Thời tiết ngày càng khắc nghiệt với dân lao động tại công trường xây dựng. Họ chỉ nghỉ tay vào khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, từ khoảng trưa đến đầu giờ chiều. “Chúng tôi chỉ có cách uống nhiều nước hơn”, Nihal Chand – công nhân 55 tuổi – chia sẻ. “Nếu nóng quá, chúng tôi sẽ ngồi dưới gốc cây giải nhiệt một chút. Nhưng chẳng thấm vào đâu, vẫn nóng, không thể như máy lạnh”.

nang nong tai an do anh 5

11h00 – 42 độ C: Lượng bệnh nhân tới phòng khám sức khỏe công tại làng Chak Maharaj Ka tỷ lệ thuận với nhiệt độ. Bác sĩ Purnima Bishnoi cho biết dân làng đã thực hiện nhiều biện pháp giảm tác động của sóng nhiệt lên sức khỏe, như tránh đi ra ngoài khi nhiệt độ đạt đỉnh trong ngày hay bù nước. Nhiều tình trạng bệnh lý mạn tính sẽ trầm trọng hơn do nắng nóng. Bà Baljinder Kaur – 75 tuổi – bị bệnh hen suyễn, song bà cũng đau dạ dày và bị tiêu chảy. Sau khi uống thuốc và dùng máy xông khí dung, bà về nhà cùng chồng và cháu trai.

nang nong tai an do anh 6

Trưa – 43 độ C: Đến trưa, những người lao động tại công trường tạm dừng trát tường. Nhưng họ không dễ chịu gì khi phải nấu cơm trưa giữa cái nắng như thiêu đốt. Các ngôi làng xung quanh Sri Ganganagar vắng người qua lại vào giữa trưa và cuối chiều, khi người dân thường ở trong nhà. Nhưng tại khu vực đô thị, các xe đẩy ven đường vẫn mở và công trường vẫn hoạt động. Đội cứu hỏa tìm cách hạ nhiệt bằng cách phun nước, còn nhiều tình nguyện phát nước miễn phí. “Nhóm lao động chân tay và lao động ngoài trời tiếp tục làm việc, nếu không họ sẽ không có gì ăn”, Tiến sĩ Deepak Monga – người đứng đầu bệnh viện thành phố – cho biết.

nang nong tai an do anh 7

15h – 47 độ C: Nhiệt độ đạt đỉnh ở mức 47 độ C và duy trì trong vài giờ. Trên xa lộ dẫn đến làng Chak Maharaj Ka, một gia đình bận rộn rót nước cho khách qua đường. Có người đổ đầy nước vào xô và cốc, còn những người khác vội vã dừng những người đi xe máy, tài xế xe tải và khách du lịch đi ngang khu vực. Gia đình này thường ra đường vào mỗi buổi chiều, trong khoảng thời gian nóng nhất để cung cấp nước miễn phí.

nang nong tai an do anh 8

18h – 42 độ C: Người dân bắt đầu ra ngoài vào đầu buổi tối, khi nhiệt độ giảm dần. Các cửa hàng trong chợ làng mở cửa trở lại. Những người lớn tuổi kéo ghế ra ngoài tụ tập và trò chuyện. Ở các nông trại, công việc lại tiếp tục.

nang nong tai an do anh 9

19h30 – 37 độ C: Sau khi mặt trời lặn lúc 19h35, bầu không khí bớt hầm hập. Trẻ em vẫn nhảy xuống kênh giải nhiệt. Gia đình ông Gurmail Singh sẽ sinh hoạt ở ngoài trời cả buổi tối và nằm ngủ ngoài sân. Tuy nhiên, ông than thở ban đêm vẫn nóng: “Ai có thể ngủ được trong cái nóng này chứ”.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng – Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu – Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,… nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.