Sau sáp nhập, TP.HCM quản lý ATTP như thế nào?

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết địa bàn rộng, số trường học tăng mạnh sau sáp nhập khiến công tác kiểm tra, phòng chống ngộ độc thực phẩm trở nên thách thức hơn, đặc biệt trong môi trường học đường.

TP.HCM sẽ chia đội quản lý ATTP theo phường. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu.

Từ năm học 2024–2025, sau sáp nhập TP.HCM có gần 3.500 trường học với hơn 2,6 triệu học sinh, con số lớn nhất cả nước. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học vì vậy trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế và giáo dục địa phương.

Tăng quy mô, tăng áp lực

Bên lề hội nghị Tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho trường học trên địa bàn thành phố ngày 17/7, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để triển khai chương trình tập huấn thường niên về ATTP trong môi trường học đường.

Nội dung tập huấn được thiết kế cho đội ngũ hiệu trưởng, bếp trưởng, người phụ trách căn tin, với mục tiêu trang bị kiến thức chuyên môn về điều kiện vận hành bếp ăn, quy trình kiểm soát chất lượng thực phẩm, lựa chọn nguyên liệu an toàn và xử lý tình huống ngộ độc nếu xảy ra.

Sau tập huấn, hệ thống thanh tra – kiểm tra được triển khai đồng bộ, bao gồm các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất do các đội quản lý ATTP thực hiện. Nếu phát hiện sai sót, cơ quan chuyên môn sẽ nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục. Nếu tái phạm, cơ sở sẽ bị xử phạt theo quy định.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phòng là chính, nhưng vẫn sẵn sàng phản ứng nhanh khi có sự cố. Ngộ độc dù hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra. Trong năm 2024, thành phố ghi nhận 2 vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trong trường học, nhưng đều được xử lý kịp thời, số người ảnh hưởng dưới 10 người mỗi vụ”, bà Lan cho biết.

an toan thuc pham anh 1

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Việt Linh.

Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP.HCM mở rộng quy mô lên gần 3.500 trường học và hơn 2,6 triệu học sinh. So với con số hơn 2.300 trường học trước đây, khối lượng công việc tăng vọt.

“Chúng ta không thể khẳng định tất cả thực phẩm đều tuyệt đối an toàn. Vì vậy, nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao, đặc biệt với quy mô học sinh lớn nhất nước như hiện nay”, bà Lan nhận định.

Để đáp ứng yêu cầu mới, Sở tổ chức tập huấn theo cụm địa bàn để giáo viên dễ tham gia. Ngoài ra, thành phố còn triển khai các lớp tại các địa phương Bình Dương (cũ), Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) để hỗ trợ các thầy cô không phải di chuyển xa.

Chia đội quản lý theo phường

Với địa bàn mở rộng, mô hình quản lý cũng được điều chỉnh. Thay vì tổ chức theo quận, huyện như trước, hiện nay Sở An toàn thực phẩm chia lực lượng thành 14 đội, mỗi đội phụ trách từ 12-15 phường.

Các đội này là “cánh tay nối dài” của Sở, đảm nhiệm toàn bộ công việc từ giám sát cơ sở, lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra định kỳ, tập huấn đến xử lý ngộ độc. Dù không còn chức năng thanh tra chuyên ngành (đã chuyển lên cấp thành phố), các đội vẫn có thể tiến hành kiểm tra và xử phạt theo Nghị định 15.

TP.HCM là địa phương duy nhất có thể tổ chức kiểm tra đồng loạt một mặt hàng trên toàn địa bàn. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng luân chuyển hàng hóa để né kiểm tra.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi các cơ sở lén lút hoạt động trong khu dân cư. Nếu không có sự hợp tác của người dân hoặc báo chí, rất khó phát hiện vi phạm”, PGS Phong Lan chia sẻ.

an toan thuc pham anh 2

Hàng trăm thầy cô tham dự buổi tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: T.C.

Bên cạnh quản lý nội bộ, TP.HCM cũng triển khai mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn liên tỉnh. Mô hình này trước đây đã hoạt động hiệu quả với tỉnh Lâm Đồng và hiện được tái ký kết với hai tỉnh thành mới sau sáp nhập.

Theo bà Lan, việc mở rộng chuỗi giúp kiểm soát được nguồn cung từ đầu, tránh tình trạng thực phẩm không an toàn ‘né’ thành phố để tuồn qua các tỉnh giáp ranh rồi quay lại. Đặc biệt, với địa bàn như Bình Dương (cũ) nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, Sở sẽ tập trung vào chuyên đề bữa ăn công nhân. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), trọng tâm là thực phẩm phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, PGS Phong Lan cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính chưa theo kịp tốc độ phân cấp. Theo bà Lan, nếu các thủ tục được đơn giản hóa, việc chỉ đạo tập trung sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả kiểm soát ATTP.

Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.