Phát hiện mới về cách ‘giải độc’ chất gây ung thư PFAS

Theo tổ chức nghiên cứu chất hóa học toàn cầu ChemSec 99% nhân loại, bao gồm cả thai nhi, đều có thể phát hiện PFAS trong máu.

PFAS là nhóm hóa chất tồn tại nhiều trong chảo chống dính, bao bì thực phẩm… Ảnh: Adobe Stock.

PFAS (viết tắt của per- và polyfluoroalkyl substances) là nhóm hóa chất tổng hợp được dùng phổ biến trong nhiều sản phẩm như chảo chống dính, bao bì thực phẩm, quần áo chống thấm nước, mỹ phẩm.

Điều đáng lo ngại là PFAS rất khó phân hủy. Vì đặc tính tồn tại dai dẳng, chúng còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”. Một khi đã xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể tồn tại trong máu, gan hoặc mô mỡ suốt nhiều năm trời.

Kết quả của Chương trình Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES) do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện từ năm 1997-2018, cho thấy gần như toàn bộ người dân Mỹ (khoảng 99%) đều có PFAS trong máu. Dù việc sử dụng PFAS đã giảm đáng kể từ đầu những năm 2000, hợp chất này vẫn tiếp tục hiện diện trong cơ thể con người.

Còn theo tổ chức nghiên cứu chất hóa học toàn cầu ChemSec (The International Chemical Secretariat) 99% nhân loại, bao gồm cả thai nhi, đều có thể phát hiện PFAS trong máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tích tụ PFAS trong cơ thể có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư, vô sinh, tổn thương gan và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Hy vọng mới từ vi khuẩn đường ruột

Trong bối cảnh chưa có giải pháp hiệu quả để loại bỏ PFAS, một nhóm các nhà khoa học đã đưa ra phát hiện đáng chú ý. Các nhà khoa học thuộc Đơn vị Độc chất học MRC, Đại học Cambridge (Anh), đã phát hiện một nhóm vi khuẩn có khả năng hút PFAS ra khỏi môi trường ruột và “gom tụ” chúng lại bên trong tế bào.

“Chúng tôi thấy một số loại vi khuẩn trong ruột người có thể hấp thụ PFAS với lượng rất lớn, ở nhiều nồng độ khác nhau, rồi tích trữ chúng thành từng cụm trong tế bào”, tiến sĩ Kiran Patil, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Điều thú vị là khi PFAS bị gom lại thành cụm như vậy, chính các vi khuẩn cũng được bảo vệ khỏi tác động độc hại của những hóa chất này.

Khi nhóm nghiên cứu đưa 9 chủng vi khuẩn này vào hệ tiêu hóa của chuột, chỉ trong vòng vài phút sau khi chuột ăn phải PFAS, các vi khuẩn đã bắt đầu hút hóa chất này vào trong tế bào. Sau đó, PFAS được thải ra ngoài qua phân. Tùy loại vi khuẩn và lượng PFAS mà chuột ăn vào, các vi khuẩn có thể thu giữ từ 25% đến 74% lượng hóa chất độc hại.

Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục kiểm chứng khả năng này trên người. Nếu kết quả tương tự, họ kỳ vọng có thể phát triển các loại men vi sinh (probiotic) để hỗ trợ cơ thể đào thải PFAS qua đường ruột.

Làm gì để hạn chế PFAS xâm nhập vào cơ thể?

Trước đó, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy chất xơ như beta-glucan trong yến mạch có thể liên kết với PFAS trong hệ tiêu hóa và giúp đẩy chúng ra ngoài cơ thể. Dù chưa có phương pháp tiêu hủy PFAS hiệu quả, các nhà khoa học cho rằng việc giảm phơi nhiễm vẫn là yếu tố then chốt.

Cách đơn giản nhất là hạn chế sử dụng các sản phẩm phủ lớp chống dính, chống nước hoặc chống dầu mỡ như chảo, bao bì thực phẩm và một số loại mỹ phẩm. Sử dụng bộ lọc nước đạt chuẩn cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến nghị.

“Thực tế là PFAS đã xâm nhập vào môi trường và cơ thể con người. Điều chúng ta cần làm lúc này là tìm cách giảm ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe. Chúng ta vẫn chưa tìm được cách tiêu hủy hoàn toàn PFAS. Nhưng phát hiện lần này có thể mở ra hướng đi mới”, nhà nghiên cứu Indra Roux, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.

Cuốn sách “Siêu tổ chức con người” của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.