Sau hai lần ngưng tim trong lúc ngủ, nam bệnh nhân 44 tuổi ở TP.HCM được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada, phải cấy máy phá rung tự động (ICD) để phòng ngừa nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim.
![]() |
Ê-kíp đặt máy phá rung tự động cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Ngày 11/7, các bác sĩ Bệnh viện TP Thủ Đức (cũ) cho biết trong đêm 20/6, ông L.H.N. (ngụ phường Tam Bình, TP.HCM) được người nhà phát hiện nằm bất động, ngưng thở, mất ý thức khi đang ngủ. Nhận thấy dấu hiệu ngưng tim, người thân lập tức gọi cấp cứu 115, đồng thời tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) tại chỗ dưới hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện TP Thủ Đức trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, các bác sĩ đặt ống nội khí quản, hồi sức tim phổi, ổn định rối loạn nhịp tim và huyết áp. Sau điều trị, ông N. dần tỉnh táo, được rút ống nội khí quản.
Điều đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên bệnh nhân rơi vào tình huống ngưng tim khi ngủ. Vài năm trước, người bệnh từng được cứu sống và chẩn đoán mắc hội chứng Brugada. Tuy nhiên, do khó khăn kinh tế, bệnh nhân chưa thể cấy máy phá rung tự động dù đã có chỉ định từ các bác sĩ.
“Dù có chỉ định đặt ICD ngay từ lần đầu nhưng bệnh nhân chưa thực hiện được. Đến lần này, người bệnh tiếp tục gặp cơn ngưng tim và may mắn sống sót. Đây thực sự là một cơ hội rất hiếm”, bác sĩ Nguyễn Phúc Nguyên, khoa Hồi sức Tim mạch, chia sẻ.
Sau khi hồi phục, ê-kíp đã tiến hành cấy máy phá rung tự động ICD cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút, diễn ra thuận lợi. Ngày 3/7, ông N. được xuất viện trong tình trạng ổn định. Tại lần tái khám gần nhất, các bác sĩ ghi nhận sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không có dấu hiệu rối loạn nhịp tim tái phát.
Bác sĩ Nguyên cho biết ICD là thiết bị điện tử nhỏ, được cấy dưới da vùng ngực, kết nối với tim qua các dây điện cực. Thiết bị có tuổi thọ từ 7-10 năm, sẽ được thay thế khi hết pin. ICD hoạt động 24/7, vừa theo dõi nhịp tim, vừa phát hiện và xử lý các cơn rối loạn nhịp thất nguy hiểm như rung thất hay nhịp nhanh thất.
Hội chứng Brugada là bệnh lý di truyền hiếm gặp, thường xuất hiện ở người trẻ có vẻ ngoài khỏe mạnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ rối loạn nhịp thất đột ngột, dễ dẫn đến ngất xỉu, ngưng tim hoặc tử vong, đặc biệt trong lúc ngủ. Trong trường hợp của ông N., tiền sử gia đình có yếu tố nguy cơ khi anh ruột của bệnh nhân từng đột tử ban đêm ở tuổi 30.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và gia đình cần lưu ý tránh các yếu tố có thể kích hoạt rối loạn nhịp tim như sốt cao, một số loại thuốc ảnh hưởng đến dẫn truyền tim, rượu bia, chất kích thích, mất cân bằng điện giải hoặc stress kéo dài.
“Không phải ai cũng có cơ hội được cứu sống hai lần. Việc cấy ICD kịp thời không chỉ giúp bệnh nhân giữ được mạng sống mà còn mang lại cuộc sống an toàn hơn”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Đồng thời, bác sĩ Nguyên khuyến nghị người có người thân từng mắc hội chứng Brugada cần tầm soát sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đột tử đáng tiếc.
Đối mặt với sự vỡ mộng trong tình yêu
Truyện cổ tích khiến bạn tin rằng nếu bạn tìm được đúng ý trung nhân và cho anh ta thứ anh muốn thì anh ta sẽ yêu thương bạn mãi mãi. Nhưng thực tế không như thế. Trong cuốn sách Gửi người yêu dấu, tác giả khám phá từng khía cạnh của những ái ân về mặt tinh thần trong thói quen của nữ giới, từ bản năng, chuyện chăn gối đến gia đình, sự nghiệp, cảm xúc, niềm tin và sự cam kết.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.