Ngày càng nhiều người trẻ Việt mắc căn bệnh giống ông Trump

Theo các bác sĩ, trước đây, suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay, nhiều người chỉ mới 25-30 tuổi đã bắt đầu có biểu hiện bệnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được chẩn đoán mắc chứng suy tĩnh mạch mạn tính sau khi phát hiện hiện tượng sưng phù ở chân. Ảnh: Reuters.

Ngày 17/7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump (79 tuổi) được chẩn đoán mắc suy tĩnh mạch mạn tính sau khi phát hiện hai chân bị sưng phù bất thường. Theo Thư ký báo chí Karoline Leavitt, kết quả siêu âm cho thấy không có dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu.

Suy giãn tĩnh mạch, đặc biệt là ở chi dưới, đang trở thành một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm nhưng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh có xu hướng trẻ hóa

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch – đặc biệt ở chân – bị giãn nở, suy yếu, mất đi khả năng đưa máu trở lại tim một cách hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là các van trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương hoặc hư hỏng, dẫn đến máu bị ứ đọng ở chi dưới thay vì được đẩy ngược lên tim theo chiều bình thường.

Tình trạng này đang ngày càng phổ biến. Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai vào năm 2014, tỷ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch trong cộng đồng đã lên tới 25-35%. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, sau 10 năm, hiện con số này tăng lên đáng kể, ước tính khoảng 60% dân số trưởng thành có thể gặp phải tình trạng từ nhẹ đến nặng.

“Đặc biệt, đáng lo ngại là hiện tượng bệnh đang trẻ hóa. Trước đây, suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay, nhiều người chỉ mới 25-30 tuổi đã bắt đầu có biểu hiện bệnh”, bác sĩ Mạnh nói với Tri Thức – Znews.

Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ lối sống thiếu vận động của giới trẻ hiện đại, đặc biệt là dân văn phòng. Việc ngồi lì hàng giờ trước màn hình máy tính, ít vận động, không thay đổi tư thế kết hợp với chế độ ăn nhiều muối, thừa cân, hút thuốc lá và uống rượu bia đã khiến tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ tăng nhanh.

ong Trump anh 1

Nhiều người thấy mắt cá chân sưng phù nhẹ, dưới da nổi rõ các tĩnh mạch màu xanh tím, ngoằn ngoèo. Ảnh: Freepik.

Người bệnh có thể nhận biết suy giãn tĩnh mạch qua một số dấu hiệu như cảm giác đau nhức, nặng chân, đặc biệt vào cuối ngày khi phải đứng hoặc ngồi nhiều. Nhiều người thấy mắt cá chân sưng phù nhẹ, dưới da nổi rõ các tĩnh mạch màu xanh tím, ngoằn ngoèo.

Một số trường hợp có biểu hiện chuột rút về đêm, ngứa hoặc cảm giác nóng rát dọc theo vùng tĩnh mạch bị giãn. Những triệu chứng này tuy không dữ dội nhưng là cảnh báo ban đầu cho thấy hệ tuần hoàn tĩnh mạch đang gặp vấn đề.

Theo bác sĩ Mạnh, người có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ – tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới – nhất là trong thời kỳ mang thai hoặc sau sinh, do thay đổi nội tiết và áp lực ổ bụng gia tăng. Bên cạnh đó, người cao tuổi, người béo phì, người có tiền sử gia đình mắc bệnh cũng là nhóm dễ bị ảnh hưởng.

Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng vì gen có thể quy định cấu trúc thành mạch và các van tĩnh mạch, khiến một số người bẩm sinh đã có hệ tĩnh mạch yếu hơn bình thường.

ong Trump anh 2

Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: BSCC.

Suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn đầu thường chỉ gây khó chịu nhẹ, chủ yếu về mặt cảm giác và thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, loét da là hậu quả dễ gặp nhất, xảy ra khi máu ứ đọng lâu ngày khiến da ở vùng đó không được nuôi dưỡng, dần dẫn đến hoại tử mô.

Nguy hiểm hơn, tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu (huyết khối tĩnh mạch sâu). Nếu cục máu này di chuyển về tim rồi lên phổi, nó có thể gây tắc mạch phổi – biến chứng đột ngột và có thể tử vong ngay lập tức. Một số bệnh nhân nặng còn có thể bị hoại tử chân nếu huyết khối làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu nuôi dưỡng chi dưới.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải nhấn mạnh những trường hợp có biểu hiện đau nhức, sưng phù làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, xuất hiện biến chứng như loét da hay nghi ngờ có huyết khối, hoặc tĩnh mạch giãn lớn gây mất thẩm mỹ hoặc nguy cơ biến chứng cao đều cần được điều trị.

Điều trị như thế nào?

Theo các bác sĩ, hiện nay, việc điều trị suy giãn tĩnh mạch tùy theo mức độ và giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc tăng cường thành tĩnh mạch và sử dụng tất áp lực. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp xâm lấn tối thiểu như tiêm xơ hoặc laser nội mạch.

Trong những trường hợp nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc can thiệp nhẹ, phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị tổn thương là lựa chọn cuối cùng.

ong Trump anh 3

Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc bệnh phần lớn xuất phát từ lối sống thiếu vận động của giới trẻ hiện đại, đặc biệt là dân văn phòng. Ảnh: Freepik.

Dù áp dụng phương pháp điều trị nào, sự hợp tác từ phía người bệnh là yếu tố then chốt. Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, việc thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể thao, giảm cân nếu thừa cân, hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá là điều bắt buộc nếu muốn kiểm soát tốt bệnh và phòng ngừa tái phát.

Ngoài ra, bác sĩ Tuấn Hải khuyến cáo người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cũng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp. Về vận động, nên duy trì thói quen đi bộ nhẹ nhàng từ 20 đến 30 phút mỗi ngày, bơi lội và đạp xe đều là những hoạt động tốt. Các bài tập co duỗi chân nhẹ nhàng giúp hỗ trợ lưu thông máu. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh chạy bộ đường dài, nhảy dây, nâng tạ nặng hoặc đứng – ngồi bất động trong thời gian dài, đặc biệt quá một giờ liên tục.

Về thói quen sinh hoạt, bác sĩ khuyến cáo nên kê cao chân khi nghỉ ngơi hoặc ngủ, cao hơn tim khoảng 10-15 cm để hỗ trợ dòng máu hồi lưu. Massage chân nhẹ nhàng hàng ngày và mang tất áp lực theo đúng hướng dẫn cũng giúp cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch. Tuyệt đối không nên ngâm chân nước nóng trên 40 độ C, xông hơi lâu hoặc đi giày cao gót quá 3 cm vì có thể làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch chi dưới.

Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, yến mạch để bổ sung chất xơ, giúp phòng táo bón. Người dân cũng cần uống đủ nước từ 2 đến 2,5 lít mỗi ngày, đồng thời bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và E như cam, bưởi, cà chua giúp bảo vệ và tăng độ bền thành mạch. Ngược lại, bạn nên hạn chế ăn mặn, tránh đồ ăn đóng hộp và kiểm soát cân nặng để duy trì chỉ số BMI dưới 25.

Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.