Loại virus làm tăng 5 lần nguy cơ ung thư, ai cũng từng nhiễm

Theo nghiên cứu mới đây, Epstein-Barr (EBV), một trong những loại virus phổ biến nhất thế giới, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gấp 5 lần.

Epstein-Barr (EBV) là loại virus rất dễ lây lan và ai cũng có thể nhiễm phải một lần trong đời. Ảnh: NewsMedical.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc phối hợp thực hiện, theo Yahoo News.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 74.000 người ở miền Nam Trung Quốc trong 8-10 năm, xác định 1.990 trường hợp ung thư. Họ cũng kiểm tra xem những người này có kháng thể EBV hay không.

Theo nghiên cứu, những người có kháng thể EBV có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 5 lần so với người không có kháng thể này. Mức độ kháng thể càng cao, nguy cơ ung thư càng cao.

Nguy cơ cao nhất là ung thư vòm họng, loại ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến phần họng nối phía sau mũi với phía sau miệng. Những người bị EBV có khả năng mắc dạng ung thư này cao gấp 26 lần so với trường hợp không bị nhiễm.

Trong khi đó, kháng thể EBV cũng có liên quan đến nguy cơ cao mắc ung thư phổi, ung thư gan và u lympho, nhóm ung thư máu.

Kháng thể EBV là các protein chống lại nhiễm trùng và được lưu trữ trong cơ thể, đóng vai trò là dấu hiệu cho thấy ai đó đã nhiễm virus.Hầu hết ai trên thế giới đều đã từng bị nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Virus này lây lan dễ dàng qua nước bọt và các chất dịch cơ thể khác và thường không gây ra triệu chứng, nhưng có thể dẫn đến bệnh bạch cầu đơn nhân, mono, hay còn gọi là “bệnh hôn”.

Các nhà khoa học cho biết EBV, tồn tại trong cơ thể mãi mãi, có thể gây ra một số loại ung thư, chẳng hạn u lympho và một dạng ung thư vòm họng hiếm gặp. Nhưng cho đến nay, vẫn có rất ít dữ liệu về các rủi ro sức khỏe rộng hơn.

Tiến sĩ Zisis Kozlakidis, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu và là người đứng đầu đơn vị hỗ trợ phòng thí nghiệm, ngân hàng sinh học và dịch vụ của IARC, cho biết phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học “hiểu được mối liên hệ giữa nhiễm EBV và nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau”.

Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng có một số hạn chế. Trong đó, kết quả có thể không áp dụng trực tiếp cho các nhóm nhân khẩu học khác nhau và yếu tố rủi ro khác, như tỷ lệ hút thuốc, ảnh hưởng đến kết quả hay không.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này đã làm sáng tỏ thêm về các loại virus gây ung thư như EBV và cần nghiên cứu thêm về cách thức chính xác mà loại virus này gây ra ung thư.

Hầu hết người mắc bệnh bạch cầu đơn nhân sẽ không phát triển thành ung thư vì EBV, nhưng loại virus này có thể gây ra những thay đổi di truyền trong tế bào, tăng khả năng dẫn đến ung thư hơn. Các chuyên gia y tế cho biết nếu biết được nguy cơ của mình, mọi người có thể cảnh giác với các dấu hiệu ung thư có thể liên quan đến loại virus này.

‘Vệ sĩ’ vô hình của con người

Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.

Cuốn sách “Siêu tổ chức con người” của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.