Không cần giấy chuyển tuyến: Người bệnh nhẹ gánh

Không còn giấy chuyển tuyến từ 1/7, người bệnh thêm hy vọng: Thủ tục gọn nhẹ, tiếp cận dễ dàng hơn với các bệnh viện trên toàn quốc.

Những ngày đầu tháng 7, hành lang các bệnh viện ở TP.HCM đông đúc hơn. Trong lúc chờ khám, nhiều bệnh nhân bàn tán về chính sách mới của Bảo hiểm y tế: Không cần giấy chuyển tuyến khi đi khám chữa một số bệnh.

Quy định này từng được Bộ Y tế hướng dẫn bằng Thông tư số 30, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đến ngày 1/7, nội dung chính thức được luật hóa trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Nhiều người hy vọng quy định mới sẽ giúp việc khám chữa bệnh thuận tiện và đỡ vất vả hơn.

Chuyến đi từ 3h sáng và nỗi lo giấy tờ

Trong tiếng còi xe vọng vào hành lang, chị Trần Ngọc Thúy (42 tuổi, quê Trà Vinh) ngồi dựa lưng vào ghế, mắt dõi theo bảng điện tử gọi số ở khoa Khám bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy. Gương mặt chị hằn vẻ mệt mỏi sau quãng đường xa.

“Tôi đi từ nhà lúc 3h sáng, tới bệnh viện tầm 6h để kịp lấy số. Hôm nay, bé Thy 8h được lấy máu, bác sĩ hẹn 13h có kết quả. Mỗi lần đi khám gần như mất nguyên một ngày”, chị Thúy chia sẻ.

Bé Trần Ngọc Thy (16 tuổi), con gái chị Thuý mắc bệnh lupus ban đỏ từ năm 2013. Suốt 2 năm qua, hai mẹ con đều đặn đi về giữa Trà Vinh và TP.HCM để điều trị. Trước mỗi lần tái khám, việc xin giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tỉnh gần như là thủ tục “bất khả kháng”. Dù không quá phức tạp, chị Thúy thường mất ít nhất nửa ngày để thực hiện.

“Giờ không còn phải xin giấy chuyển nữa, tôi mừng lắm. Đỡ cực đi lại, tiết kiệm thời gian. Bé Thy bệnh nặng, không thể điều trị ở tuyến tỉnh, nên mình vẫn phải lên TP.HCM hoài thôi”, chị Thuý nói giọng pha chút phấn khởi xen lẫn lo toan.

khong can giay chuyen tuyen anh 1

Sau 1/7 các thủ tục hành chính được giảm bớt giúp người dân giảm gánh nặng. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại khu khám Nội thận, anh Long (26 tuổi, công nhân ở Đồng Nai) tranh thủ lướt điện thoại khi chờ kết quả xét nghiệm. Mắt anh đọng chút lo lắng khi nhắc tới bệnh tình.

Ba năm trước, anh đi khám tổng quát ở Bệnh viện Đồng Nai, bất ngờ phát hiện mắc hội chứng thận hư. “Bác sĩ nói bệnh viện tỉnh không đủ máy móc, tôi phải lên TP.HCM kiểm tra”, anh Long kể.

Hiện bệnh của anh chưa vào giai đoạn cuối, song bắt đầu có dấu hiệu nặng hơn. “Mỗi năm, tôi tái khám 4 lần. Tôi chưa dùng BHYT, nhưng nghe nói từ 1/7, một số bệnh sẽ được chi trả 100% mà không cần giấy chuyển tuyến. Thủ tục bớt rườm rà rồi, chắc phải tính đến chuyện mua bảo hiểm”, anh Long bộc bạch.

Ở một góc hành lang, ông Tùng (60 tuổi, ngụ Biên Hòa) lật giở tập hồ sơ bệnh án dày cộp. Ông kể suốt 9 năm nay, mỗi tháng đều bắt xe lên TP.HCM khám bệnh đái tháo đường type 2 có phụ thuộc insuline và có đa biến chứng.

khong can giay chuyen tuyen anh 2

Từ ngày 1/7, bỏ rào cản địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố với người bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

“Lúc trước, đi khám tuyến trên mà không có giấy chuyển tuyến thì không được, phải xin giấy ở Đồng Nai, mất nguyên ngày trời. Vừa tốn công vừa ảnh hưởng công việc, có khi bị công ty trừ lương”, ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, hiện nay, người bệnh được thông tuyến để khám không cần giấy thì quá tốt. “Người bệnh đỡ mệt, đỡ tốn thời gian, nhất là với những bệnh nhân lớn tuổi”, ông Tùng bày tỏ.

Triển khai từng bước, hỗ trợ bệnh nhân tối đa

Trao đổi với Tri Thức – Znews, ông Nguyễn Như Thành, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết chính sách BHYT mới thực chất đã bắt đầu áp dụng một phần từ 1/1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế về Luật BHYT sửa đổi. Điểm mới nổi bật là bỏ rào cản địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố.

Hiện, các bệnh viện chia thành 3 tuyến, thứ nhất là tuyến cơ sở ban đầu, tiếp đến là tuyến điều trị cơ bản và cuối cùng là tuyến điều trị chuyên sâu. Với chính sách mới, người dân đăng ký BHYT ở tuyến nào sẽ thông với tuyến đó trên toàn quốc, không cần giấy chuyển viện.

“Trước đây, người bệnh muốn thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì buộc phải khám tại địa phương đó rồi xin giấy chuyển. Nay, nếu đi công tác hoặc chuyển nơi cư trú, người dân có thể đến cơ sở y tế nơi đang sinh sống mà không nhất thiết phải quay về nơi đăng ký trước kia”, ông Thành nói.

Với các bệnh viện chuyên sâu như Bệnh viện Ung Bướu, chính sách mới cho phép người mắc bệnh nặng, tiến triển nhanh như ung thư tụy, ung thư di căn não hay khoảng 10 nhóm bệnh lý đặc biệt khác, được điều trị ngay mà không cần xin giấy chuyển tuyến. Chỉ cần có chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được hưởng quyền lợi BHYT suốt quá trình điều trị.

khong can giay chuyen tuyen anh 3

Khu vực chờ làm thủ tục bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đông kín người bệnh. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Ông Thành cho biết thêm, trong tháng 6 vừa qua, bệnh viện tiếp nhận khoảng 35.000 lượt khám chữa bệnh có BHYT. Trong đó, người dân TP.HCM chiếm 20,9%, còn lại đến 79,1% là bệnh nhân từ các tỉnh. Theo ông, con số này cho thấy nhu cầu người dân tỉnh đổ về các bệnh viện lớn luôn rất cao, nhất là khi các bệnh lý nặng như ung thư không thể điều trị triệt để ở tuyến tỉnh.

Thời gian qua, bệnh viện tăng cường truyền thông trên fanpage, website và tổ chức tập huấn nhân viên y tế. Ông Thành cho biết sau 6 tháng triển khai, đa phần người dân đã nắm được thông tin về các chính sách mới của BHYT.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc kê toa thuốc dài ngày (60-90 ngày) chưa được áp dụng rộng rãi do thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí “ổn định bệnh.”

khong can giay chuyen tuyen anh 4

Bệnh nhân tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay Luật BHYT mới đúng là có nhiều điểm mới, nhưng thực ra một số nội dung đã được triển khai trước đó.

“Ví dụ, trước chỉ cho phép kê toa thuốc tối đa 30 ngày, giờ có thể 60 hay 90 ngày. Nhưng để áp dụng thật sự, cần tiêu chí rõ ràng. Vì bệnh nhân mạn tính dù cùng chẩn đoán, mức độ ổn định lâm sàng vẫn rất khác nhau”, bác sĩ Việt nói với Tri thức – Znews.

Bác sĩ Việt cũng nhận định quy định mới chỉ vừa có hiệu lực, cần thêm thời gian để đánh giá và điều chỉnh.

Từ hành lang bệnh viện đến các phòng khám, hy vọng đỡ vất vả vẫn len lỏi trong những cuộc trò chuyện. Song, để chính sách không còn chỉ nằm trên giấy, vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.

Những trường hợp nào không cần giấy chuyển tuyến từ 1/7?

Từ ngày 1/7, người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm sẽ không cần giấy chuyển tuyến khi tự đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến chuyên sâu (tuyến trung ương). Người bệnh chỉ cần được cơ sở y tế xác định chính xác mắc một trong 62 bệnh trong danh mục, sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT theo mức quyền lợi quy định.

Nhóm Tên bệnh
Lao và nhiễm trùng nấm Viêm màng não do lao (G01*); u lao màng não (G07*); lao khác của hệ thần kinh; lao hệ thần kinh, không xác định (G99.8*); nhiễm mycobacteria ở phổi; nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính; nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính, nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi; nhiễm sporotrichum ở phổi (J99.8*); nhiễm aspergillus ở phổi xâm lấn; nhiễm cryptococcus ở phổi; nhiễm mucor ở phổi; nhiễm mucor lan tỏa.
Ung thư U ác tụy; u ác tuyến ức; u ác của tim, trung thất và màng phổi; u ác của xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định; u ác của màng não; u ác của não; u ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương; u ác thứ phát của não và màng não; nhóm u ác tính; u ác của hệ lympho, hệ tạo máu và các mô liên quan.
Bệnh chuyển hóa hiếm Hội chứng loạn sản tủy xương; các thể suy tủy xương khác; bệnh tăng đông máu khác (hội chứng kháng phospho lipid); hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; bệnh đái tháo đường phụ thuộc insuline (có đa biến chứng); bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (có đa biến chứng); rối loạn chuyển hóa acid amin thơm; rối loạn chuyển hóa acid amin chuỗi nhánh và rối loạn chuyển hóa acid béo; các rối loạn khác của chuyển hóa acid amin.
Bệnh thần kinh Rối loạn dự trữ thể tiêu bào (bệnh Pompe, bệnh MPS, bệnh Gaucher, bệnh Fabry); rối loạn chuyển hóa đồng (bao gồm cả bệnh Wilson); thoái hóa dạng bột; rối loạn trầm cảm tái diễn; rối loạn ám ảnh nghi thức; viêm não, viêm tủy và viêm não-tủy; xơ cứng rải rác; viêm tủy thị thần kinh Devic; nhược cơ; bệnh lý võng mạc của trẻ đẻ non; suy tim; hoại tử thượng bì nhiễm độc (Lyell/Steven Johnson).
Sau phẫu thuật và khác Hội chứng sau mổ tim; rối loạn chức năng khác sau phẫu thuật tim; bệnh phổi mô kẽ khác; áp xe phổi và trung thất; mủ lồng ngực (nhiễm trùng nặng ở phổi); bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng); pemphigus; viêm mạch mạng lưới; bệnh da tăng bạch cầu trung tính có sốt (hội chứng Sweet); bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương phủ tạng; đái tháo đường sơ sinh; dị tật bẩm sinh khác của não; các dị tật bẩm sinh khác của tủy sống.
Dị tật bẩm sinh và di chứng Nhóm các dị tật bẩm sinh của hệ thống tuần hoàn; biến dạng bẩm sinh của khớp háng; kháng (các) thuốc chống lao; di chứng của hoạt động chiến tranh (di chứng do vết thương chiến tranh); tình trạng của mảnh ghép cơ quan và tổ chức.

Ngoài ra, từ 1/7, người bệnh khám, chữa bệnh ở bệnh viện cùng tuyến với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên toàn quốc, được hưởng quyền lợi BHYT đúng tuyến mà không cần giấy chuyển tuyến, áp dụng cho tất cả các bệnh lý.

‘Vệ sĩ’ vô hình của con người

Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.

Cuốn sách “Siêu tổ chức con người” của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.