Sau khi ghi nhận các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm liên quan bữa ăn giỗ tại phường Phong Dinh, Sở Y tế TP Huế khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý và làm rõ nguyên nhân.
![]() |
Cơ quan chức năng trao đổi với bệnh nhân, xác minh thông tin bữa ăn. |
Sáng 21/7, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cho biết vừa có thêm 2 người được chuyển vào cấp cứu, nâng tổng số trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn giỗ tại phường Phong Dinh, TP Huế, lên 21 người.
21 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm
Bệnh nhân mới nhất là ông H.V.H. (54 tuổi, trú tại TP.HCM), nhập viện lúc 6h30 ngày 21/7 với chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp, nghi do ngộ độc thực phẩm. Trước đó, lúc 23h10 ngày 20/7 ông L.V.C. (75 tuổi, trú tại phường Phong Dinh) nhập viện với triệu chứng tương tự đã chuyển đến điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới.
“Trong 21 bệnh nhân, trường hợp nặng nhất là bà N.T.L. (84 tuổi, trú phường Phong Dinh) bị sốc nhiễm trùng, vận mạch trung bình đang theo dõi tại Khoa Hồi sức cấp cứu, 20 người còn lại sức khỏe cơ bản ổn định”, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế, cho biết ngay sau khi ghi nhận các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn giỗ tại phường Phong Dinh, Sở Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý và làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế Phong Điền phối hợp UBND phường Phong Dinh và Trạm Y tế địa phương tiến hành xử lý môi trường tại hộ dân tổ chức bữa ăn cũng như các địa điểm liên quan và thực hiện theo dõi, giám sát ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.
“Đoàn kiểm tra của Sở tiến hành lấy 4 mẫu nguyên liệu thực phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang để tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động cho đến khi có kết luận điều tra, xác minh”, PGS.TS Trần Kiêm Hảo thông tin.
![]() |
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế và các đơn vị làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để nắm bắt thông tin các ca bệnh, xác minh nguyên nhân nghi ngộ độc. |
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết đang tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để theo dõi sát diễn biến sức khỏe của các bệnh nhân, đồng thời thực hiện các bước chuyên môn nhằm xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý theo quy định.
Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế TP Huế) cho biết nhằm tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa hè, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn do sử dụng thực phẩm không an toàn, Sở Y tế TP Huế đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp cần thiết.
Theo đó, PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần nâng cao ý thức và hành vi của cộng đồng trong sử dụng thực phẩm an toàn.
Cụ thể, tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm đúng cách. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh hoặc không rõ nguyên nhân để chế biến, đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong chế biến.
Đồng thời, phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Các cơ sở không được sử dụng nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm ôi thiu, hư hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực và phương án sẵn sàng phối hợp xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm. Khi có sự cố, phải khẩn trương xử lý và báo cáo ngay cho lãnh đạo địa phương và Sở Y tế theo quy định.
Ngày 20/7, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 tiếp nhận 19 bệnh nhân nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn giỗ.
Trưa 19/7, những người này dự đám giỗ tại địa phương, với các món ăn do nhà hàng X.Đ. (đóng tại phường Phong Dinh) chuẩn bị. Sau bữa ăn, nhiều người xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và được đưa đến bệnh viện trong ngày 20/7.
Theo Sở Y tế, các bệnh nhân đều tham dự một bữa giỗ lúc 11h ngày 19/7 tại khu vực mở cửa mả thuộc tổ dân phố Mỹ Xuyên. Thực đơn gồm các món gỏi sứa, tôm, mực hấp, thịt gà nướng, lẩu cá bớp và sữa chua. Một số người ăn lại lần hai vào khoảng 18h cùng ngày sau khi thức ăn được hâm nóng.
Bữa ăn được tổ chức với khoảng 6 mâm, có khoảng 50 người tham dự. Phần lớn bệnh nhân đều dùng đầy đủ các món trong bữa ăn. Sau khoảng 15 giờ, từ 2h đến 5h sáng ngày 20/7, nhiều người xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau quặn bụng, tiêu chảy phân lỏng, nôn ói.
Học cách già đi
Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.
https://suckhoedoisong.vn/khan-truong-lam-ro-nguyen-nhan-vu-nhieu-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-gio-o-hue-169250721073901725.htm
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.