Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định mới để tránh lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm, nêu rõ trách nhiệm cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố và các bên tham gia quảng cáo.
![]() |
Công ty CP Asia Life phải thu hồi và tiêu hủy 4.080 sản phẩm kẹo Kera. Ảnh: FB Hằng Du Mục. |
Trong văn bản gửi thông báo nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế cho biết những vụ việc như sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai công dụng, hay việc sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn gây bức xúc dư luận.
Vì vậy, ngày 15/5, Bộ Y tế đã có văn bản số 2921/BYT-ATTP báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng tại cuộc họp cùng ngày về các nội dung dự kiến sửa đổi. Theo đó, các quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong việc tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm, quản lý quảng cáo và hậu kiểm, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bộ Y tế cũng đã tham khảo kinh nghiệm quản lý của nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc để đưa ra các giải pháp phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố
Theo quy định hiện tại trong Nghị định 15, doanh nghiệp được quyền tự công bố và tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm ở mức hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tự ý phân loại sai nhóm sản phẩm hoặc phóng đại công dụng nhưng vẫn được lưu thông.
Do đó, dự thảo mới quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố phải có ý kiến phản hồi, công khai thông tin, xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tiến hành lấy mẫu giám sát nếu phát hiện vi phạm. Việc này sẽ góp phần kiểm soát chất lượng và minh bạch thông tin sản phẩm ngay từ khâu đầu tiên.
Đặc biệt, dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố và hậu kiểm hồ sơ. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Siết chặt quy định với thực phẩm bổ sung
Một trong những điểm bất cập lớn của Nghị định 15 là chưa quy định rõ thực phẩm bổ sung (một phân nhóm của thực phẩm chức năng) thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải đăng ký công bố. Thực phẩm bổ sung thuộc nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn và được tự công bố.
Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng khai sai nhóm, tự công bố sản phẩm thay vì phải đăng ký, biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để né quản lý. Ngoài ra, do không phải đăng ký nội dung quảng cáo, nhiều doanh nghiệp đã tùy tiện phóng đại công dụng sản phẩm.
Dự thảo mới quy định rõ thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Các nội dung quảng cáo, công dụng của sản phẩm cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Một điểm đáng chú ý khác là Bộ Y tế đề xuất tăng cường kiểm tra, giám sát quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử – lĩnh vực còn nhiều kẽ hở. Không chỉ doanh nghiệp phát hành quảng cáo, mà cả người truyền tải, người có ảnh hưởng (KOLs) cũng sẽ bị giám sát và phải công khai quan hệ với đơn vị tài trợ.
![]() |
BTV Quang Minh, Vân Hugo trong hình ảnh quảng cáo sữa. |
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo thực phẩm để hạn chế tình trạng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Tăng cường hậu kiểm, kiểm nghiệm định kỳ
Đối với nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 36 tháng tuổi, Bộ Y tế đề xuất bắt buộc phải đăng ký công bố trước khi lưu thông, tham khảo theo mô hình quản lý của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Đồng thời, các cơ sở sản xuất các nhóm thực phẩm đặc biệt này sẽ phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần điều kiện an toàn thực phẩm thông thường như trước đây. Điều này nhằm kiểm soát chất lượng, an toàn và công dụng sản phẩm ngay từ giai đoạn nghiên cứu phát triển cho đến khi lưu hành.
Sở dĩ có quy định này vì theo Nghị định 15/2018, doanh nghiệp tự cam kết tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm và tự chịu trách nhiệm, thành phần hồ sơ công bố được đơn giản hóa để nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng để phối trộn nhiều thành phần không cần thiết chỉ nhằm mục đích quảng cáo, mà không đảm bảo an toàn và chất lượng thực tế.
Một điểm mới khác trong dự thảo là quy định tổ chức, cá nhân phải công bố các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm theo quy định, bởi trước đây, phiếu kiểm nghiệm trong hồ sơ công bố chỉ cần kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn mà không bắt buộc chỉ tiêu chất lượng. Điều này tạo kẽ hở cho doanh nghiệp khai gian, không tuân thủ như hồ sơ đã công bố.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc lập kế hoạch hậu kiểm định kỳ, hậu kiểm đột xuất, trao thêm quyền cho cơ sở kiểm nghiệm được chủ động lấy mẫu giám sát. Đồng thời, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp quản lý xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định kiểm soát chặt các sản phẩm hoặc nguyên liệu thực phẩm sản xuất để xuất khẩu nhưng sau đó được chuyển sang tiêu thụ nội địa. Đây là điểm mà Nghị định 15 chưa quy định rõ, khiến nhiều sản phẩm không đạt chuẩn trong nước vẫn lọt lưới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Những lời từ trái tim bác sĩ
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.