Phát ngôn cho rằng đeo kính râm có thể làm tăng nguy cơ ung thư đã thu hút sự quan tâm và bàn luận rộng rãi trên mạng xã hội thời gian gần đây.
![]() |
Theo các chuyên gia, việc đeo kính râm có thể gây ung thư là không có căn cứ. Ảnh: Freepik. |
Mới đây, một tài khoản Instagram với hơn 700.000 người theo dõi đã đăng tải đoạn video tuyên bố rằng việc đeo kính râm có thể gây ung thư. Đoạn video gây tranh cãi được cho là trích từ một buổi phỏng vấn với ông Andreas Moritz – người tự nhận có “trực giác y học” và theo trường phái Ayurveda (y học Hindu cổ truyền), đã qua đời vào năm 2012.
Trong video, ông Moritiz nhấn mạnh kính râm là nguyên nhân làm tăng mạnh các ca ung thư: “Từ khi kính râm được sử dụng, ung thư bắt đầu bùng phát mạnh… Mọi thứ về kính râm đều liên quan đến ung thư”.
Để bảo vệ quan điểm của mình, ông lập luận rằng ánh sáng UV đi vào mắt sẽ kích thích não bộ sản sinh ra một loại hormone giúp cơ thể tạo ra melanin – sắc tố giúp bảo vệ làn da dưới ánh nắng. Theo ông, nếu đeo kính râm, cơ thể sẽ “hiểu lầm” rằng con người đang ở trong bóng tối, từ đó ngừng sản xuất hormone này, khiến da dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, những tuyên bố này không nhận được sự đồng thuận từ giới khoa học. Theo Full Fact, cho đến nay, không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào chứng minh rằng đeo kính râm có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Ngược lại, kính râm đạt chuẩn UV còn là công cụ quan trọng giúp bảo vệ đôi mắt và vùng da quanh mắt. Đây cũng là lý do vì sao nhiều tổ chức y tế, trong đó có Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), khuyến cáo người dân nên sử dụng kính râm khi đi dưới nắng.
Về mặt sinh học, melanin là sắc tố được tạo ra khi da tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím (UV), thông qua các tế bào melanocyte nằm sâu trong lớp biểu bì. Quá trình này là phản ứng tại chỗ, nghĩa là vùng da nào phơi nắng thì vùng đó mới tăng sắc tố. Điều này hoàn toàn không liên quan đến ánh sáng đi qua mắt. Thực tế, những người bị mất thị lực vẫn có thể rám nắng như bình thường, cho thấy quá trình sản sinh melanin không phụ thuộc vào thị giác.
Tuy melanin giúp da sạm màu và có tác dụng bảo vệ phần nào trước ánh nắng, lớp bảo vệ này rất mỏng manh. Một làn da rám chỉ tương đương với lớp kem chống nắng có chỉ số SPF khoảng 3 đến 4, thấp hơn rất nhiều so với mức SPF 30 được khuyến cáo để bảo vệ hiệu quả.
Giáo sư Gus Gazzard, chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Moorfields (Anh), nhận định: “Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc đeo kính râm làm gián đoạn quá trình sản sinh melanin toàn thân hay gây ung thư. Ngược lại, UV có thể làm tổn thương mắt và kính râm là biện pháp bảo vệ đơn giản, hiệu quả nhất”.
Bác sĩ Rubeta Matin, giảng viên cao cấp ngành da liễu tại Đại học Oxford, cho biết thêm: “Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra rằng đeo kính râm làm tăng nguy cơ ung thư. Trái lại, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng tia cực tím có thể gây ung thư da và cả ung thư mắt. Vậy nên, đeo kính râm đúng chuẩn chính là hành động bảo vệ sức khỏe”.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.