Căn bệnh ám ảnh bác sĩ truyền nhiễm

Nhiều năm trôi qua, bác sĩ Triệu vẫn chưa thôi ám ảnh tiếng nức nở xé lòng của một gia đình khi bế trên tay đứa con đã không còn sự sống vì bệnh sốt xuất huyết.

sot xuat huyet anh 1

Đứa trẻ nằm trên giường bệnh, xung quanh em, dây dợ chăng đầy. Căn bệnh sốt xuất huyết đã tàn phá cơ thể non nớt, khiến gan và thận suy kiệt, cùng những vết xuất huyết rải rác khắp nơi.

Suốt ba, bốn ngày trời, đội ngũ y bác sĩ đã dồn hết tâm lực để giành giật sự sống cho em. Tình hình dường như có chút khởi sắc, nhưng rồi, khi kết quả chụp chiếu được đặt lên bàn, ai nấy đều chùng xuống. Cậu bé bị xuất huyết não.

Người bà của bé, mái tóc đã điểm bạc, bước vào phòng thăm cháu với bước chân run rẩy. Bà chỉ dám khẽ khàng xin phép được nắm lấy bàn tay nhỏ bé của đứa cháu. Trong ánh mắt đẫm lệ, bà ôn lại với đứa cháu về những lần dắt tay cháu đến lớp mỗi sáng, những cái ôm mỗi tối, và về những khoảnh khắc hạnh phúc cứ ngỡ như kéo dài mãi mãi của cả gia đình.

Khi sinh linh bé bỏng ra đi, khung cảnh tang thương bao trùm phòng bệnh. Mẹ em khi ấy vừa sinh bé thứ 2 phải nhận tin dữ trong cơn chếnh choáng. Tiếng khóc của bà, của mẹ, của ba em vang lên đầy xé lòng.

Nhiều năm nay, ca bệnh đầy day dứt trên vẫn ám ảnh trong tâm trí của TS.BS Huỳnh Trung Triệu, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

“Căn bệnh sốt xuất huyết quen thuộc có thể gây nên những hậu quả không ngờ”, TS Triệu nói trong khuôn khổ tọa đàm “Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ”.

Căn bệnh diễn biến khó lường

Chưa bước vào cao điểm, thế nhưng, số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM đã có dấu hiệu tăng vọt. Tính từ đầu năm đến hết tuần qua, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 15.546 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo Cục Y tế Dự phòng, số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng cục bộ tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi chiếm hơn 70% tổng số ca mắc trên toàn quốc. Khu vực phía Bắc cũng ghi nhận rải rác các ca bệnh tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

sot xuat huyet anh 2

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BTC.

Điều đáng báo động hơn là chu kỳ bùng phát dịch cũng có xu hướng rút ngắn lại, từ 5 năm còn 3-4 năm trong thời gian gần đây. Các chuyên gia y tế nhận định, sốt xuất huyết có tính chu kỳ, và sau đợt tăng mạnh vào năm 2022, mặc dù hai năm 2023-2024 số ca mắc có giảm, nhưng năm 2025 được dự báo tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại một cách mạnh mẽ.

TS Trung Triệu vẫn không quên được cảm giác “nghẹt thở” mỗi khi bước vào mùa sốt xuất huyết. Những năm trước, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện dồn dập tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Có thời điểm, 80% số ca nội trú của bệnh viện là sốt xuất huyết. Người cũ còn đang truyền dịch thì bệnh nhân mới lại vào viện trong tình trạng nguy kịch.

“Các bác sĩ phải làm việc liên tục, nhiều người không thể nghỉ phép. Tất cả đều nỗ lực hết mình để cứu bệnh nhân”, TS Triệu nói.

“Đứa trẻ vẫn đang nói chuyện, nhưng biết chắc nó sẽ không qua khỏi”

Trong thang máy, đứa trẻ tầm 8-9 tuổi với vẻ mặt xanh xao, mệt mỏi đứng tựa vào mẹ, môi mấp máy thều thào: “Con mệt quá, mẹ ơi… con mệt…”.

Nhìn thoáng qua, trông em vẫn còn tỉnh, vẫn nói chuyện được, nên người mẹ có vẻ chưa quá lo lắng. Chị đang định đưa bé đi khám bệnh thông thường. Đứa trẻ tiếp tục nói về những cơn đau âm ỉ trong bụng, cảm giác buồn nôn mà em đang chịu đựng.

Nhiều năm làm nghề, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, ngay lập tức nhận ra đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết. Khoảnh khắc chạm vào làn da mỏng kia, ông nhận ra tay bé lạnh ngắt, mạch đập trong cơ thể gần như biến mất. Không chần chừ thêm, bác sĩ lên tiếng: “Chị đưa bé thẳng vào khoa Cấp cứu!”

Ngay khi đến nơi, ê-kíp đã lập tức thao tác gắn kim truyền, đo sinh hiệu. Em đã rơi vào tình trạng tiền sốc, trụy mạch. Chỉ cần chậm vài phút, có thể đã không cứu kịp.

sot xuat huyet anh 3

Bệnh nhi sốc sốt xuất huyết nặng phải thở máy. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Đây không phải là trường hợp hiếm thấy. Với bác sĩ Hữu Khanh, điều ám ảnh nhất của sốt xuất huyết không phải là những bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu hay lịm dần theo thời gian mà là những trường hợp ngược lại.

“Đứa trẻ vẫn đang mở mắt nhìn mình đó, thậm chí đang nói chuyện với mình đó, nhưng mình biết chắc, nó sẽ không qua khỏi. Bên trong cơ thể đứa trẻ đã suy hết rồi”, bác sĩ Khanh nói.

Với sốt xuất huyết, nhiều trường hợp dù đã diễn tiến nặng nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo, nói chuyện bình thường vì bệnh không ảnh hưởng đến tri giác. Chính điều này dễ khiến gia đình lầm tưởng tình trạng không nghiêm trọng.

Bác sĩ Khanh phân tích ở những trẻ nhỏ chưa biết nói, chỉ cần thấy con sốt cao, quấy khóc hay mệt lả, cha mẹ thường có xu hướng đưa đi bệnh viện sớm. Nhưng với trẻ lớn hơn, sự chủ quan lại dễ nảy sinh.

Phụ huynh có thể nghĩ rằng: “Con vẫn còn nói chuyện được chắc chưa sao đâu”. Sự yên tâm đó đôi khi khiến việc đưa con đi khám bị chậm trễ trong khi sốt xuất huyết lại làm bệnh diễn tiến rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển nặng.

sot xuat huyet anh 4

Sốt xuất huyết luôn là căn bệnh khiến bác sĩ Trương Hữu Khanh lo lắng trong nhiều năm làm nghề. Ảnh: BTC.

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác về sốt xuất huyết là nghĩ rằng đây vẫn là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi. TS Trung Triệu nhấn mạnh thực tế hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh và diễn tiến nặng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, số ca mắc ở người lớn có thời điểm vượt xa trẻ em, cao gấp đôi, gấp ba lần.

“Điều này cho thấy bệnh không còn phân biệt lứa tuổi và ai cũng có nguy cơ nếu chủ quan”, bác sĩ Triệu cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng thường mặc định rằng hết sốt có thể là dấu hiệu của việc hết bệnh nhưng theo bác sĩ Khanh, việc này có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh đang diễn biến theo hướng phức tạp hơn. Giai đoạn này, người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng, cần được theo dõi và xử trí kịp thời.

Gánh nặng chồng gánh nặng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh khi được phát hiện muộn, trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết có thể đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những năm gần đây đã xuất hiện các trường hợp trẻ bị tổn thương não, thay đổi hành vi hoặc lên cơn động kinh sau điều trị sốt xuất huyết.

“Trẻ có thể phải điều trị kéo dài sau sốt xuất huyết, gây ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt”, ông nói.

Không chỉ vậy, sốt xuất huyết còn để lại gánh nặng tinh thần và kinh tế cho gia đình. “Việc điều trị hồi sức kéo dài, chi phí lớn, nhiều gia đình phải gánh nợ hoặc bán tài sản để cứu con. Những trường hợp sốt xuất huyết nặng, có biến chứng suy tạng, chi phí có thể rất cao”, TS Triệu chia sẻ.

Nếu bệnh nhân phải nằm hồi sức tích cực trong hai tuần, chi phí điều trị có thể dao động từ 100 đến 200 triệu đồng. Trường hợp kéo dài đến một tháng hoặc hơn, nhất là khi bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan, phải điều trị hồi phục chức năng lâu dài, tổng chi phí còn có thể tăng gấp nhiều lần.

sot xuat huyet anh 5

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: Duy Hiệu.

ThS.BS Lê Thị Mỹ Duyên, Đơn nguyên Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh rằng việc kiểm soát chặt chẽ ba yếu tố then chốt trong chu trình lây truyền bệnh: virus Dengue (tác nhân gây bệnh), muỗi Aedes aegypti (vật chủ trung gian) và môi trường sống (nơi muỗi phát triển), sẽ giúp hạn chế dịch bệnh lan rộng.

Trọng tâm của việc kiểm soát bệnh sốt xuất huyết là ngăn ngừa muỗi sinh sôi. Bác sĩ Duyên khuyến cáo cần loại bỏ triệt để các ổ nước đọng quanh nhà. Việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp khu vực xung quanh và đậy kín các vật chứa nước là điều bắt buộc để cắt đứt chuỗi lây truyền.

Về phần tác nhân gây bệnh là virus Dengue, bác sĩ Duyên khẳng định tiêm vaccine là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay. Khi vaccine được triển khai rộng rãi, cộng đồng sẽ hình thành “hàng rào miễn dịch” vững chắc, từ đó giảm nguy cơ bùng phát dịch và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.