Quả mọng, kiwi, táo và bơ là những loại trái cây lành mạnh nhờ hàm lượng chất xơ, chất béo lành mạnh, khả năng ổn định lượng đường trong máu và cải thiện độ nhạy insulin.
![]() |
Các loại quả mọng có chỉ số đường huyết thấp, rất có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Medium. |
Được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1, type 2 hoặc tiểu đường thai kỳ không có nghĩa là bạn nên ngừng ăn trái cây. Thực tế, một số loại trái cây không chỉ làm hài lòng vị giác mà còn cải thiện tình trạng bệnh.
Ăn trái cây là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho người tiểu đường. Dưới đây là 4 loại trái cây lành mạnh, có lợi ngay cả khi bạn bị tiểu đường.
Quả mọng
Theo India Times, khi nói đến việc ăn trái cây khi bị tiểu đường, bạn nên cân nhắc chỉ số đường huyết của chúng. Ăn trái cây nguyên quả có chỉ số đường huyết (GI) thấp có thể mang lại lợi ích cho bạn. Và các loại quả mọng là lựa chọn tuyệt vời. Các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi và dâu tây có chỉ số đường huyết thấp. Chúng cũng giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Một cốc quả mọng cung cấp 15-20 gram carbohydrate.
Các loại quả mọng có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường type 1. Trẻ em càng ăn nhiều quả mọng, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 càng thấp. Các loại quả mọng đặc biệt giàu polyphenol, hợp chất thực vật có thể làm giảm tình trạng viêm liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại này.
Kiwi
Kiwi là lựa chọn thân thiện với bệnh tiểu đường khác. Nó có chỉ số đường huyết từ thấp đến trung bình. Giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng như vitamin C và chất chống oxy hóa, kiwi giúp ổn định lượng đường trong máu.
Chất xơ trong kiwi làm chậm quá trình hấp thụ đường, do đó, đây là lựa chọn lý tưởng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ nên ăn 1-2 quả kiwi mỗi khẩu phần để tránh nạp quá nhiều carbohydrate.
Táo
Loại quả này có chỉ số GI thấp và giàu chất xơ. Pectin, chất xơ hòa tan trong táo, giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe đường ruột. Táo cũng chứa vitamin C và chất chống oxy hóa.
Bạn nên cân nhắc ăn táo cả vỏ để bổ sung nhiều chất xơ hơn. Điều này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường. Tuy nhiên, hãy cân nhắc chỉ ăn một quả táo cỡ vừa, vì nó chứa khoảng 25 gram carbohydrate.
Quả bơ
Bơ là lựa chọn thân thiện với bệnh tiểu đường. Nó có hàm lượng carbohydrate thấp và hàm lượng chất béo lành mạnh cao. Chất béo không bão hòa đơn trong bơ giúp tốt cho tim mạch, đồng thời cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu tăng đột biến.
Nghiên cứu gần đây cho thấy ăn bơ vào ban đêm có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa triglyceride lành mạnh hơn vào sáng hôm sau. Britt Burton-Freeman, tác giả nghiên cứu, giáo sư và chủ nhiệm khoa Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng tại Viện Công nghệ Illinois (Mỹ), cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy hàm lượng dinh dưỡng độc đáo của bơ có thể hỗ trợ thêm cho sức khỏe tim mạch bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển hóa triglyceride lành mạnh hơn”.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.