Hầu hết thói quen này phát triển chậm và không được chú ý cho đến khi chúng góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim.
![]() |
Việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch. |
Một số thói quen ăn uống có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim theo thời gian.
Những lựa chọn chế độ ăn uống kém như tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường bổ sung và natri có thể dẫn đến tăng huyết áp, mức cholesterol cao, béo phì và kháng insulin… gây căng thẳng cho sức khỏe tim mạch. Thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống vô độ cũng có nguy cơ làm gián đoạn quá trình trao đổi chất và cân bằng hormone.
Thông thường, những thói quen này phát triển chậm và không được chú ý cho đến khi chúng góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim. Dưới đây là những thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khi đã hiểu về chúng, mỗi người nên chủ động từ bỏ những thói quen này, hướng tới lối sống lành mạnh để bảo vệ trái tim khỏe mạnh và kéo dài cuộc sống chất lượng hơn.
Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến
Tiêu thụ thường xuyên đồ ăn nhẹ đóng gói, mì ăn liền, bữa ăn chế biến sẵn, thịt nguội có thể nguy hiểm cho tim mạch và sức khỏe tổng thể. Những thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất bảo quản và natri, làm tăng mức cholesterol và huyết áp, là những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim.
Tiêu thụ quá nhiều đường
Tiêu thụ thường xuyên đồ ngọt, món tráng miệng, kẹo, ngũ cốc làm tăng lượng đường trong máu và mức insulin, thúc đẩy tích trữ chất béo và gây viêm. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, đái tháo đường và bệnh tim.
Tiêu thụ nhiều muối gây tăng huyết áp
Thêm quá nhiều muối vào thức ăn hoặc ăn đồ ăn nhẹ mặn làm tăng huyết áp, gây tổn thương mạch máu và nhiều bệnh tim mạch khác. Thực phẩm chế biến và bữa ăn ở nhà hàng thường là nguồn natri cao tiềm ẩn. Ngay cả một lượng natri ít hơn một chút trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và huyết áp.
![]() |
Thực phẩm siêu chế biến thường có hàm lượng đường, muối và chất béo bão hòa cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. |
Theo PGS.TS.BS. Tạ Mạnh Cường, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch có thể thay đổi được như chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn quá nhiều muối, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn ít trái cây, rau củ), ít vận động, hút thuốc lá và uống rượu, thừa cân hoặc béo phì.
Bỏ bữa sáng thường xuyên
Bỏ bữa ăn đầu tiên trong ngày có thể dẫn đến ăn vặt không lành mạnh, trao đổi chất kém và tăng mức cortisol. Về lâu dài, thói quen này làm tăng nguy cơ tăng cholesterol xấu, tăng huyết áp và béo phì – tất cả đều liên quan đến bệnh tim.
Ăn khuya làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Ăn khuya, đặc biệt là các bữa ăn lớn, gây thêm áp lực lên hệ tiêu hóa và làm gián đoạn quá trình kiểm soát lượng đường trong máu và chuyển hóa chất béo. Thường xuyên ăn đêm cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, ảnh hưởng thêm đến sức khỏe tim mạch.
Lượng chất xơ hấp thụ thấp
Chất xơ hòa tan giúp loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi máu, hỗ trợ bảo vệ tim. Chế độ ăn ít chất xơ, đặc biệt là từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt có thể dẫn đến tiêu hóa kém và cholesterol cao.
Ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến
Tiêu thụ thường xuyên các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, các loại thịt chế biến như xúc xích và thịt xông khói có liên quan đến lượng chất béo bão hòa cao hơn và tăng nguy cơ tắc nghẽn tim và xơ vữa động mạch. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy thịt đỏ liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường cao hơn.
Tiến sĩ Frank Hu, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng, Trường Đại học Harvard khuyên chỉ nên sử dụng thịt đỏ khoảng 2 – 3 khẩu phần ăn mỗi tuần, nhất là khi chúng được nấu ở nhiệt độ cao.
Lạm dụng đồ chiên và đồ ăn nhanh
Ăn thường xuyên các món chiên rán như khoai tây chiên, gà rán, bánh mì kẹp thịt nhanh sẽ hấp thụ chất béo và calo không lành mạnh, dẫn đến tăng cân, hình thành mảng bám động mạch, ảnh hưởng xấu đến tim.
Uống nhiều đồ uống có đường
Nước ngọt, đồ uống tăng lực và nước ép có đường có hàm lượng đường bổ sung cao. Chúng làm tăng mức triglyceride và làm giảm HDL (cholesterol tốt), làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Ăn uống thất thường hoặc ăn uống vô độ
Chế độ ăn uống thất thường, chẳng hạn như nhịn ăn kéo dài sau đó ăn quá nhiều, có thể gây căng thẳng cho tim bằng cách gây ra sự tăng đột biến lượng đường trong máu và huyết áp. Căng thẳng chuyển hóa thất thường này có hại cho nhịp tim và chức năng tim.
Việc chú ý đến việc ăn gì, ăn như thế nào và ăn khi nào đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một trái tim khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.
Những lời từ trái tim bác sĩ
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao
https://suckhoedoisong.vn/10-thoi-quen-an-uong-co-the-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-169250707160240631.htm
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.