Trước diễn biến của bão số 3 (bão Wipha), Bộ Xây dựng huy động toàn hệ thống triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng người dân và an toàn công trình.
![]() |
Ngư dân Hạ Long chằng níu tàu thuyền trước giờ bão Wipha đổ bộ. Ảnh: Việt Linh. |
Ngày 21/7, Bộ Xây dựng phát đi công điện khẩn yêu cầu các cơ quan trực thuộc, Sở Xây dựng các địa phương và doanh nghiệp ngành xây dựng khẩn trương triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ Xây dựng thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn, phối hợp chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó tại tỉnh Hưng Yên – một trong các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng bão.
Huy động toàn ngành vào cuộc
Theo công điện, các Cục chuyên môn gồm: Đường bộ, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh và doanh nghiệp trong ngành được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ứng trực.
![]() |
Bão số 3 ở cấp 10, giật cấp 12 và khả năng mạnh thêm. Nguồn: NCHMF. |
Đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam được giao chỉ đạo các khu quản lý đường bộ phối hợp cùng địa phương cắm biển cảnh báo, chốt chặn tại các điểm ngập, sạt lở, ngầm tràn. Đồng thời, bố trí vật tư, máy móc, nhân lực sẵn sàng khắc phục sự cố tại các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Ngành đường sắt thực hiện kiểm tra chặt chẽ các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như cầu yếu, khu vực đèo dốc, dễ ngập úng hoặc lũ quét. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được yêu cầu lên kế hoạch dừng, giãn tàu và tổ chức trung chuyển hành khách khi tình hình mưa lũ gây ngập úng, sụt trượt.
Về hàng hải và đường thủy, các Cảng vụ được giao nhiệm vụ thống kê tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn tàu tránh trú an toàn. Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có lệnh.
Đối với hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cần giám sát sát sao tình hình thời tiết, điều chỉnh lịch bay tại các khu vực bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không và đơn vị quản lý cảng hàng không được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, sẵn sàng xử lý các sự cố.
Tập trung đảm bảo an toàn đô thị, công trình xây dựng
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng lưu ý việc soát ngập úng đô thị và bảo đảm an toàn công trình xây dựng.
Theo đó, Sở Xây dựng các tỉnh trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão được giao rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngập úng. Các địa phương cần chủ động phương án khơi thoát nước nhanh, chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
Song song đó, các đơn vị quản lý cây xanh đô thị cần kiểm tra, tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ, sẵn sàng thu dọn hiện trường để đảm bảo giao thông thông suốt.
Bộ cũng giao Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn có liên quan triển khai ngay công tác ứng phó bãi, chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình.
Bộ Xây dựng yêu cầu tất cả đơn vị liên quan phân công cụ thể cán bộ trực bão, tổ chức trực ban 24/24h và cập nhật kịp thời về những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.