Điều cần làm ngay để thoát nạn trên tàu biển

Tai nạn tàu, thuyền dù hiếm vẫn có thể xảy ra. Nắm vững kỹ năng an toàn và giữ bình tĩnh là chìa khóa bảo vệ tính mạng.

Chiều 19/7, siêu dông quét qua vùng biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khiến tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN‑7105) bị lật úp. Tính đến 11h ngày 20/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 nạn nhân, trong đó 10 người sống sót và 35 người không qua khỏi.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết trên tàu có 49 người, không phải 53 như thông tin ban đầu. Như vậy, còn 4 người mất tích.

Sự cố gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính bất ổn của thời tiết biển và khả năng thoát nạn. Chuyên gia hàng hải đưa ra khuyến cáo thoát hiểm trong tình huống tai nạn:

Hãy giữ bình tĩnh

“Tàu là phương tiện sống sót tốt nhất, chỉ rời khi không còn lựa chọn”, Tiến sĩ Mai Xuân Hương, chuyên gia từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, phát biểu tại hội nghị phòng chống thiên tai – cứu nạn ngày 1-2/8/2022 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng).

Theo Tiến sĩ Hương, sai lầm phổ biến của nhiều người là mất bình tĩnh, rời tàu quá sớm hoặc hành động thiếu phối hợp khi gặp sự cố.

Thuyền trưởng là người duy nhất có quyền phát lệnh rời tàu. Trước thời điểm đó, toàn bộ hành khách và thuyền viên phải chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng phối hợp, đồng thời.

Nếu buộc phải rời tàu, điều tiên quyết là giữ bình tĩnh. Cat Bigney, chuyên gia sinh tồn từ Mỹ, cho rằng: “Người nào giữ được sự bình tĩnh trong những phút đầu tiên, người đó nắm tới 70% cơ hội sống sót”.

Cũng chính vì vậy, các bước đầu tiên cần thực hiện là: ngưng lại vài giây, hít thở sâu, quan sát xung quanh và nhanh chóng đưa ra quyết định đúng, thay vì lao vào hành động mù quáng.

Nhớ vị trí công cụ sinh tồn, thoát hiểm

Eric Dawicki, Chủ tịch Học viện An toàn Hàng hải Quốc tế (IMSA), cũng chỉ ra dù có trang bị đầy đủ công nghệ như xuồng cứu sinh, radar, còi báo động, nhiều người vẫn thiệt mạng vì không biết sử dụng hoặc không phản ứng kịp thời.

“Bạn có thể đứng cạnh xuồng cứu sinh mà vẫn chết, nếu phản xạ sai”, ông cảnh báo.

Vì vậy, việc ghi nhớ vị trí áo phao, búa phá kính và lối thoát hiểm cần được thực hiện ngay từ khi bước lên tàu, không phải đợi đến khi gặp sự cố mới lục tìm trong vô vọng.

Trong suốt hành trình, du khách cần duy trì sự tỉnh táo, kể cả khi đã uống thuốc say sóng.

Không tụ tập đông người về một phía tàu, tránh chen lấn, xô đẩy hoặc di chuyển không cần thiết, đặc biệt khi tàu đang di chuyển giữa sóng lớn.

Đối với tàu hở, việc mặc áo phao trong suốt hành trình là bắt buộc. Tuy nhiên, trên tàu khoang kín, áo phao chỉ nên mặc sau khi thoát ra khỏi khoang. Vì nếu mặc trước, áo phao có thể khiến cơ thể nổi lên và mắc kẹt trong khoang đang ngập nước, gây cản trở quá trình thoát hiểm.

Ngoài ra, trong điều kiện sóng lớn, hãy bám chắc vào điểm cố định trên tàu để tránh bị va đập hoặc cuốn trôi.

Sinh tồn đưới nước

Nếu buộc phải rời tàu và xuống nước, việc quan trọng tiếp theo là giữ ấm cho cơ thể.

Theo phân tích của Philip Heyl, cựu chỉ huy lực lượng Tuần duyên Mỹ, đa số nạn nhân không chết ngay vì đuối nước, mà do hạ thân nhiệt trong thời gian trôi dạt. Càng vùng vẫy, cơ thể càng mất nhiệt nhanh.

Ông khuyến cáo người bị nạn nên giữ tư thế cuộn người, gập đầu gối vào sát ngực để giảm thất thoát nhiệt vùng ngực và bụng. Trong trường hợp có nhiều người, nên tụ lại, ôm nhau giữ ấm, nhưng tuyệt đối không được buộc dây cố định giữa các nạn nhân.

Cảnh báo tương tự cũng được đưa ra bởi Dr. Chris Parry, cựu sĩ quan hải quân Hoàng gia Anh. Ông cho biết cơ thể ướt liên tục và tiếp xúc với gió biển sẽ đủ để gây hạ thân nhiệt nghiêm trọng, ngay cả khi nước không quá lạnh.

Ông cũng khuyến cáo không nên cố gắng bơi đi xa, vì điều này không chỉ khiến bạn kiệt sức mà còn làm giảm khả năng được tìm thấy theo dòng trôi tự nhiên.

Duy trì thể lực, phối hợp tập thể

Về vấn đề duy trì năng lượng, Tiến sĩ Mai Xuân Hương đưa ra hướng dẫn chi tiết: trong 24 giờ đầu tiên kể từ khi rời tàu, nếu không bị thương nặng, người gặp nạn nên hạn chế ăn uống.

Việc chia khẩu phần cần thực hiện nghiêm ngặt: mỗi người tối thiểu cần 0,5 lít nước/ngày, chia làm ba phần, một phần cất kỹ dự trữ, hai phần còn lại phân phối theo số người và thời gian chờ cứu hộ. Thức ăn nếu có, nên nhấm từng chút để giảm cảm giác đói. Tuyệt đối không được uống nước biển trực tiếp và không dùng nước tiểu nếu vẫn còn nước ngọt.

Cuối cùng, yếu tố sống còn không kém phần quan trọng là khả năng phối hợp tập thể. Theo khuyến cáo từ Cơ quan Hàng hải và Cứu hộ Vương quốc Anh (Maritime & Coastguard Agency), việc duy trì nhóm, phân công người cảnh giới, người phát tín hiệu, người chăm sóc người yếu sẽ giúp nâng cao cơ hội sống sót.

Các phương tiện báo hiệu như pháo sáng, gương phản quang, còi, đèn pin… chỉ nên sử dụng khi thấy máy bay hoặc tàu cứu hộ xuất hiện, để tránh lãng phí.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.