Chàng rể Mỹ muối dưa chua, nấu bún bò ‘như người Việt’ hút triệu view

Yêu cô gái Việt, Sean Ventrella cũng mê các món ăn Việt. Từ phở đuôi bò, bún bò đến cá kho, bánh xèo… anh tự học qua sách dạy nấu ăn hay video của người bán hàng rong ở Việt Nam.

Kỹ sư Mỹ bất ngờ nổi tiếng nhờ biết nấu đủ món ăn Việt Chàng rể người Mỹ gây chú ý trên mạng xã hội nhờ những video nấu món ăn Việt như cải chua xào thịt heo quay, phở, cá kho… một cách thuần thục.

Trong căn bếp nhỏ tại thành phố Seattle (Mỹ), Sean Ventrella, kỹ sư phần mềm sinh năm 1991, cẩn thận gắp từng miếng cải chua đã lên men khoảng một tuần ra khỏi hũ. Anh cho cải chua, hành lá và thịt heo quay vào chảo, nêm nếm gia vị rồi đảo đều tay để hoàn thành món cải chua xào thịt heo quay.

Hình ảnh ấy có thể lạ lẫm với nhiều người, nhưng với Sean, nấu món Việt đã trở thành một phần trong nhịp sống hàng ngày. Đó cũng là cách anh gìn giữ văn hoá Việt trong tổ ấm nhỏ của mình.

“Điều khiến tôi bất ngờ là dưa cải không phải kiểu ngâm thông thường mà là lên men. Tôi thấy rất thú vị vì trước đó chưa từng làm món gì cần lên men cả”, Sean chia sẻ với Tri Thức – Znews.

Các video ghi lại quá trình Sean nấu món ăn Việt thu hút hàng triệu lượt xem và yêu thích trên mạng xã hội. Dưới phần bình luận, nhiều người không tiếc lời khen, đùa rằng anh “khác người Việt mỗi giao diện”.

Tự học nấu món Việt

Niềm yêu thích món Việt của Sean bắt đầu từ năm 2017, khi anh gặp Jackie Khanh Doan – cô gái sinh năm 1992 sau này là vợ anh, định cư tại Mỹ từ năm 2008. Những buổi hẹn hò đầu tiên của họ luôn xoay quanh ẩm thực Việt: phở, bún bò, bánh xèo, bún chả… Hương vị đặc trưng, sự cầu kỳ trong cách nấu, cùng những loại rau tươi ăn kèm khiến chàng kỹ sư Mỹ bị cuốn hút.

Sean mê món Việt đến mức gần như tối nào, anh cũng ăn cơm cùng gia đình Doan. Món cơm chiên cá mặn mẹ của nửa kia nấu để lại ấn tượng sâu sắc trong anh.

“Tôi không thể ngừng ăn. Miếng cá mặn khiến món cơm chiên trở nên hấp dẫn lạ thường”, anh kể.

Dù không nói chuyện được nhiều, Sean và mẹ của Doan vẫn có thể hiểu nhau qua những bữa cơm. Từ đó, anh nhận ra rằng bữa ăn trong văn hóa Việt không chỉ để no bụng, mà còn là dịp để kết nối và bày tỏ tình cảm.

Vài tháng sau, Sean bắt đầu học nấu các món Việt. Món đầu tiên là phở đuôi bò, sau đó là cá kho, bún bò, bánh xèo… Có món anh học qua sách dạy nấu ăn, có món lại học từ video của những người bán hàng rong ở Việt Nam.

May mắn là tại nơi sinh sống có nhiều cửa hàng châu Á, Sean dễ dàng tìm được nguyên liệu phù hợp. Những lúc không có đúng loại thịt hay hải sản, anh tìm cách thay thế bằng nguyên liệu tương đương.

Không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. Sean kể rằng anh từng nhiều lần thất bại khi tráng bánh xèo như dễ bị rách, dính chảo hoặc nhồi quá nhiều nhân. Việc thắng nước màu để kho cá cũng là một thử thách lớn vì dễ cháy khét.

“Mỗi lần thất bại, tôi lại ghi chú lại, điều chỉnh cho lần sau. Vợ tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng. Thật ra tôi là người khó tính với bản thân hơn, còn cô ấy luôn khuyến khích và sẵn sàng giúp tôi học từ sai lầm”, anh tiết lộ.

Giữ gìn văn hóa Việt

Năm 2018, Sean và Khanh Doan kết hôn. Gia đình anh lần lượt chào đón hai cậu con trai là Oliver (sinh năm 2020) và Henry (sinh năm 2023). Sự ra đời của các con khiến Sean có thêm lý do để gắn bó với ẩm thực Việt.

“Việc dạy tiếng Việt cho con ở Mỹ vốn đã rất khó, nên tôi chọn nấu ăn như một cách để con cảm nhận văn hóa Việt”, kỹ sư Mỹ nói.

Từ đó, các món ăn Việt gần như xuất hiện mỗi ngày trong bếp nhà Sean. Oliver đặc biệt thích phở, còn cậu út Henry thì ăn rất đa dạng.

Với Sean, việc nấu ăn giúp anh hiểu vợ hơn, bởi mỗi món ăn quen thuộc đều gợi lại ký ức tuổi thơ về TP.HCM, khiến cô mở lòng và chia sẻ nhiều hơn với anh.

Gia đình Sean không chỉ ăn món Việt, mà còn sống trong tinh thần Việt. Mỗi dịp Tết, họ đều tự tay bày biện mâm cỗ, lì xì, chơi bầu cua, mặc áo dài và dạy các con hát tiếng Việt. Buổi tối, anh cho con xem truyện cổ tích Việt Nam trước giờ đi ngủ, cố gắng tạo ra thật nhiều cơ hội để các bé tiếp xúc với nguồn cội.

Sean từng thử học tiếng Việt trong nhiều năm, nhưng anh thừa nhận kết quả chưa như mong đợi. Khó khăn lớn nhất với anh là việc nghe và phân biệt các dấu khi nhiều từ nghe rất giống nhau khiến anh dễ nhầm lẫn.

Tuy vậy, từ khi bắt đầu xây dựng kênh nấu ăn và nhận được nhiều bình luận tiếng Việt, Sean lại có thêm động lực để học. Mỗi phản hồi đều là một cách để anh hiểu thêm về ngôn ngữ và văn hóa của gia đình bên vợ.

Năm 2023, gia đình Sean lần đầu về thăm Việt Nam. Anh ấn tượng với đường phố, lối sống và nét văn hóa đặc trưng nơi đây. Mùa thu năm nay, cả gia đình dự tính trở lại Việt Nam trong một tháng.

“Chúng tôi rất háo hức. Muốn đưa các con gặp họ hàng và khám phá thêm nhiều vùng đất mới”, Sean nói.

Trong tương lai, Sean và vợ mong muốn đưa các con về Việt Nam mỗi năm, tranh thủ kỳ nghỉ hè để các bé hiểu hơn về quê hương của gia đình bên ngoại.

Cuốn sách viết cho mẹ

Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.