Canh bạc ‘dân thường nóng bỏng’ trong show hẹn hò Hàn Quốc

Đem đến sự mới mẻ, hấp dẫn cho các show hẹn hò song những thí sinh là người bình thường với lý lịch phức tạp cũng dễ khiến nhà sản xuất đau đầu nếu vướng tranh cãi.

Show hẹn hò với sự tham gia của những người bình thường hút khách ở Hàn Quốc. Ảnh: Single’s Inferno.

Nhiều năm nay, các chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò, với sự tham gia của những “dân thường” có ngoại hình nóng bỏng, trở nên thu hút khán giả Hàn Quốc. Các chương trình như I’m Solo liên tục thống trị tỷ suất người xem truyền hình ở nước này.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng có mặt tối. Khi các chương trình này ngày càng trở nên phổ biến, ngành công nghiệp giải trí xứ củ sâm bắt đầu sử dụng thuật ngữ “rủi ro người thường” để chỉ các trường hợp thí sinh sau khi lên sóng bị phát hiện có liên quan đến hành vi sai trái về pháp lý hoặc đạo đức, theo Korea Herald.

Được – mất khi cho người thường lên sóng

Cuối tháng 6, đồn cảnh sát Mapo ở Seoul xác nhận bắt giữ người đàn ông ngoài 30 tuổi, họ Park, với cáo buộc cưỡng hiếp trong tình trạng nạn nhân không còn ý thức – tội danh được luật Hàn Quốc định nghĩa rõ. Park bị cáo buộc đã tấn công tình dục một phụ nữ vào ngày 21/6 tại bãi đỗ xe ở khu Seogyo-dong, quận Mapo.

Truyền thông địa phương xác định Park là thí sinh trong chương trình hẹn hò I’m Solo, xuất hiện với biệt danh Young Chul. I’m Solo là chương trình đưa những người đàn ông và phụ nữ bình thường đến sống cùng nhau trong 1 tuần để tìm kiếm tình yêu.

Điều khiến vụ việc càng gây tranh cãi là vào thời điểm bị bắt, Park vẫn đang xuất hiện trong chương trình phụ I’m Solo, Love Forever – theo dõi các mối quan hệ tiếp diễn giữa những cựu thành viên của I’m Solo.

“Chúng tôi biết về cáo buộc hình sự và lệnh bắt giữ Park thông qua các bản tin truyền thông. Trước mức độ nghiêm trọng của sự việc, chúng tôi sẽ có những biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo khán giả không cảm thấy khó chịu khi theo dõi chương trình”, ê-kíp sản xuất chương trình cho biết trong một tuyên bố.

show hen ho han quoc anh 1

Thí sinh chương trình I’m Solo bị điều tra về tội tấn công tình dục. Ảnh: ENA.

Không chỉ toàn bộ cảnh quay của Park bị cắt khỏi chương trình, các phân đoạn của những thí sinh khác có liên quan đến anh cũng bị loại bỏ.

Trước Park, một thí sinh khác cũng từng được yêu thích song dính bê bối là Choi, được biết đến với biệt danh Jung Sook. Choi bị phạt 7 triệu won (khoảng 5.000 USD) vào tháng 6 vì tội hành hung, phỉ báng. Theo công tố viên, Choi đã đấm vào mặt nạn nhân 6 lần, phá huỷ điện thoại và công khai xúc phạm người này.

Chương trình thực tế ToGetHer, nơi các thí sinh đồng tính nữ tìm kiếm tình yêu, cũng vướng chỉ trích hồi tháng 5, khi các cáo buộc liên quan đến thành viên Kim Ri Won lan truyền trên mạng.

Các bài đăng ẩn danh tố cáo Kim từng làm nghề phát sóng nội dung người lớn và có hành vi mại dâm. Đáp lại, Kim thừa nhận từng tham gia 6 buổi gặp mặt ăn tối trong thời gian hoạt động với tư cách là streamer, song phủ nhận có bất kỳ hành vi thân mật nào. Cô khẳng định: “Tất cả buổi gặp gỡ đều chỉ là ăn cơm tối đơn thuần”.

Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, đội ngũ sản xuất cũng phải gỡ bỏ toàn bộ cảnh quay và tình tiết liên quan đến Kim khỏi chương trình.

Nhà sản xuất cần mạnh tay

Không giống các chương trình có sự góp mặt của người nổi tiếng – những người có công ty quản lý đại diện và được đào tạo chuyên nghiệp về ứng xử truyền thông – các chương trình thực tế dựa vào người bình thường thường tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường hơn ngoài đời thực. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn cho rằng mô hình này hấp dẫn nhờ tính chân thực và chi phí sản xuất thấp.

“Một khi xem những chương trình này, khán giả dễ dàng đồng cảm với các thí sinh và bị cuốn hút vì họ thấy được chính trải nghiệm hay cảm xúc của mình phản chiếu qua hình ảnh chân thật, không qua chỉnh sửa của những thí sinh không phải người nổi tiếng. Hơn nữa, thù lao của họ thấp hơn rất nhiều so với người nổi tiếng, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất”, một nhà sản xuất giấu tên chia sẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lợi ích tài chính không còn đủ sức biện minh cho những tổn thất danh tiếng đối với các đài truyền hình, cũng như chuỗi bê bối lặp lại, những phần cắt dựng vội vàng và các lời xin lỗi công khai – những yếu tố làm suy giảm tính chân thực của chương trình và cuối cùng ảnh hưởng đến uy tín của toàn bộ ngành nội dung truyền hình thực tế Hàn Quốc.

show hen ho han quoc anh 2

Kim Ri Won bị “đào” lại quá khứ phát sóng nội dung người lớn sau khi tham gia show hẹn hò. Ảnh: Wavve.

Giáo sư Lee Moon-haeng, chuyên ngành truyền thông và truyền hình tại Đại học Suwon, nhấn mạnh rằng vấn đề cốt lõi nằm ở khâu tuyển chọn thí sinh.

“Truyền thông phát sóng vốn bị hấp dẫn bởi những cá nhân dễ tiếp thị. Khi phát hiện ra một người mới có sức hút với công chúng, các ê-kíp sản xuất thường vội vàng chọn họ mà không tiến hành kiểm tra lý lịch kỹ càng”, Lee nói.

Bà bổ sung: “Việc tuyển chọn thường chỉ tập trung vào những yếu tố bề ngoài – ngoại hình, học vấn, sự hiện diện trên mạng xã hội – mà bỏ qua việc đánh giá nhân cách. Điều đó cần phải thay đổi”.

Để giải quyết vấn đề, bà đề xuất nhà sản xuất không chỉ tăng cường kiểm tra lý lịch mà còn cần có các biện pháp pháp lý nghiêm ngặt hơn.

“Hợp đồng tham gia chương trình cần có điều khoản trách nhiệm, chẳng hạn như quyền yêu cầu bồi thường hoặc tiến hành kiện tụng nếu một thí sinh vướng vào tranh cãi”, bà Lee nói.

‘Thế hệ lo âu’

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.