Ở nhiều nước, các video bạo lực theo kiểu giang hồ, mafia hút triệu view vì tính chất gây sốc, tò mò. Nhưng không ít kẻ tạo ra nội dung dạng này đã phải trả giá đắt.
Ngày 8/7, Công an TP Hải Phòng bắt giữ giang hồ mạng Tiến “Bịp” (tên thật Nguyễn Thành Long, sinh năm 1988, trú tại TP Hải Phòng) cùng 2 bị can khác để điều tra, xử lý về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tiến “Bịp” nổi lên từ năm 2019 với các video livestream nói chuyện về đạo lý, châm ngôn cuộc sống của đời giang hồ, chia sẻ nhiều mánh khóe chơi cờ bạc. Người này còn làm “dậy sóng” mạng xã hội với các từ ngữ như “tham lam”, “ngu dốt”, “còn cái nịt”.
Dù làm nội dung độc hại, Tiến “Bịp” thu hút hàng trăm nghìn người đăng ký theo dõi kênh YouTube, TikTok.
Trên thế giới, các video cổ xúy bạo lực, sử dụng vũ khí, chất kích thích, lời lẽ thô tục, công kích mang đậm màu sắc xã hội đen, thế giới ngầm… giúp không ít nhân vật nổi tiếng chóng vánh. Nhưng cái giá đi kèm cho “quyền lực ảo” của những giang hồ mạng này là sự tẩy chay, lên án, thậm chí vướng vòng lao lý.
![]() |
Thông tin giang hồ mạng Tiến “Bịp” bị bắt gây xôn xao. Ảnh: Tiến Bịp/TikTok. |
Sức hút của nội dung bạo lực
Ở nhiều nước, các video bạo lực theo kiểu giang hồ, mafia đã tồn tại nhiều năm nay. Tại Anh, theo cảnh sát London, tháng 5/2018, YouTube đã phải gỡ bỏ hơn 30 video có nội dung kích động bạo lực băng đảng. Nhiều video trong số này thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem chỉ trong vài ngày.
Năm 2017 tại Mỹ, “kẻ giết người trên Facebook” Steve Stephens livestream vụ sát hại một người đàn ông, thu hút hơn 150.000 lượt xem trong 2 giờ. Trước khi bị gỡ bỏ, đoạn video đã được chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau, với tổng lượt xem vượt mốc 1 triệu, theo thống kê của Time.
Ở Hàn Quốc, các kênh YouTube lôi kéo sự chú ý của người xem bằng cách lãng mạn hóa những tội ác như phân phối ma túy, tấn công tình dục, giết người thông qua câu chuyện không rõ thực hư… từng hoành hành vào năm 2022, khiến nhiều phụ huynh nước này không khỏi lo lắng.
Trên các nền tảng video ngắn như TikTok, YouTube Shorts, nội dung gây sốc, đặc biệt là bạo lực, giang hồ, ngày càng phổ biến.
Một nghiên cứu của Youth Endowment Fund (Anh) cho thấy: 70% thanh thiếu niên từng xem ít nhất một video có yếu tố bạo lực thực sự, như đánh nhau, sử dụng dao hoặc súng, chỉ trong vòng 12 tháng.
![]() |
Những video mang tính bạo lực thu hút nhiều người xem. Ảnh: New York Times. |
Những video gắn nhãn “real fight” (trận chiến thật), “gang life” (đời giang hồ) hay kèm nhạc giật gân thường đạt hàng triệu lượt xem. Thuật toán nền tảng cũng góp phần lan truyền bởi video càng nhiều tương tác như thích, chia sẻ, bình luận, càng dễ được đẩy tới người dùng mới.
Năm 2023, Daily Telegraph ghi nhận hàng chục nhóm Facebook chuyên đăng tải video học sinh đánh nhau, có nhóm thu hút hàng trăm nghìn thành viên.
Chuyên gia tâm lý David Greenfield, người sáng lập Trung tâm nghiện Internet và Công nghệ Connecticut tại Mỹ, cho biết não bộ con người phản ứng mạnh với các kích thích có yếu tố đe dọa, vốn là bản năng sinh tồn.
“Một cú đấm, một trận la hét, một cảnh rượt đuổi,… đều tạo ra sự kích thích thần kinh, khiến người xem khó rời mắt”, ông chia sẻ trên NBC News.
Dù các nền tảng liên tục tuyên bố tăng cường kiểm duyệt, nhiều nhóm cực đoan vẫn dùng chiêu trò để né thuật toán như dùng biểu tượng thay chữ, viết sai chính tả cố ý, đăng nhanh rồi xóa… nhằm tránh bị hệ thống truy quét.
Giang hồ mạng trả giá
Andrew Tate và em trai Tristan Tate (người Mỹ) là những nhân vật gây tranh cãi bậc nhất trên mạng xã hội. Sau hơn 10 năm nổi tiếng với các phát ngôn mang tính kích động thù ghét, đặc biệt là quan điểm phân biệt giới tính và khoe mẽ lối sống xa hoa, cả hai trở thành bị cáo trong nhiều vụ án nghiêm trọng.
Theo The New York Times, Andrew Tate từng được mệnh danh là “kẻ nguy hiểm nhất TikTok”. Với hàng triệu người theo dõi, phần lớn là nam giới trẻ tuổi, người này lan truyền tư tưởng chủ nghĩa nam quyền cực đoan, đề cao lối sống xa hoa và cổ xúy quan điểm rằng đàn ông phải thống trị phụ nữ.
Với loạt phát ngôn gây sốc, giang hồ mạng này bị cấm trên nhiều nền tảng lớn như TikTok, YouTube và Facebook. Thế nhưng, anh ta vẫn thu hút lượng fan trung thành khi tiếp tục hoạt động mạnh trên các kênh truyền thông thay thế như X với hơn 10 triệu follow.
Năm 2022, anh em nhà Tate bị bắt tại Romania với các cáo buộc buôn người, cưỡng hiếp và tổ chức đường dây bóc lột phụ nữ. Tháng 6/2023, cả hai bị truy tố, quản thúc tại gia và bị tịch thu nhiều tài sản giá trị, bao gồm siêu xe, đồng hồ đắt tiền và khoảng 300 triệu USD tiền điện tử.
Gần đây nhất, Andrew Tate bị cáo buộc bóp cổ bạn gái Brianna Stern đến mức suýt mất ý thức trong một khách sạn tại Los Angeles (Mỹ) vào đầu tháng 3. Stern sau đó đệ đơn kiện Tate với cáo buộc tấn công tình dục, hành hung và bạo lực giới.
Bên cạnh hành vi bạo lực, Stern cho biết Tate đã nói với cô: “Mày là tài sản của tao, không được phép cãi lại” hay đe dọa “hủy hoại cuộc đời, cưỡng hiếp và giết” nếu cô phản bội anh ta.
![]() |
Anh em nhà Tate nổi tiếng với những video thù ghét, bạo lực. Ảnh: Reuters. |
Giữa tháng 5 vừa qua, một trường hợp giang hồ mạng khác gây chú ý tại Nga. Nữ rapper 25 tuổi có biệt danh “búp bê tội phạm”, tên thật là Maria L., bị bắt trong cuộc đột kích của cảnh sát tại St. Petersburg, theo The Mirror.
Dù không rao giảng đạo lý hay trực tiếp kích động bạo lực, Maria L. cũng xây dựng hình ảnh giang hồ thời thượng, pha trộn giữa sắc đẹp, vũ khí và tiền bạc.
Maria nổi tiếng trên mạng xã hội với hình ảnh tóc vàng, ăn mặc theo phong cách Barbie, thường xuyên tạo dáng cùng súng trường. Cảnh sát cho biết cô bị tình nghi điều hành một đường dây buôn bán ma túy hoạt động trên web đen, phụ trách khâu lưu trữ, phân phối và bán hàng.
Khi khám xét, cảnh sát thu giữ nhiều thiết bị điện tử, cân tiểu ly, dụng cụ pha chế và lượng lớn hóa chất nghi dùng để sản xuất chất gây ảo giác.
Hiện các công tố viên chuẩn bị truy tố Maria với các tội danh sản xuất, vận chuyển và phân phối trái phép chất kích thích. Nếu bị kết tội, nữ giang hồ mạng này có thể đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù giam.
![]() ![]() |
Hình ảnh “búp bê tội phạm” Maria L. trước khi bị bắt với cáo buộc tiếp tay điều hành một “đế chế” ma túy trên web đen. Ảnh: Newsflash. |
‘Thế hệ lo âu’
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.