Bao nhiêu tuổi thì được đọc truyện boylove?

Các tác giả truyện boylove (đam mỹ) nhận định rằng nên có giới hạn độ tuổi độc giả của thể loại này.

Trong ba thập niên qua, truyện boylove (đam mỹ) đã vươn khỏi nơi ươm mầm ban đầu là Nhật Bản và lan rộng sang khắp các quốc gia châu Á khác, từ Hàn Quốc, Trung Quốc đến những nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan. Sự phát triển của thể loại này vấp phải không ít tranh cãi, giằng co giữa hai cực: Bên phản đối cho rằng nó “dung tục”, “suy đồi”, thậm chí cáo buộc boylove gieo những tưởng tượng “lệch lạc” về giới tính và xu hướng tính dục vào giới trẻ. Bên ủng hộ lập luận đó là tự do sáng tạo và thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật của mỗi cá nhân.

Nhằm ngăn chặn sự phổ biến của boylove, nhiều quốc gia sử dụng đến biện pháp mạnh tay. Động thái này cũng tạo ra phản ứng từ một bộ phận viết và đọc boylove.

Liệu có tồn tại một điểm dung hòa, đặt ra những giới hạn phù hợp cho việc sáng tác và phát hành boylove?

Có nhãn dán để độc giả cân nhắc

Chia sẻ với Tri Thức – Znews, một số tác giả truyện boylove thẳng thắn nhận định: Nên có giới hạn độ tuổi cho người đọc. Selena N. (21 tuổi) nhận thấy nhiều trang web đăng truyện có cảnh báo về độ tuổi, nhưng theo cô, “chỉ hiệu quả khoảng 20-30%”. Cô cho rằng vấn đề này cần được làm chặt chẽ hơn. B.T. (27 tuổi, TP.HCM) và R.U. (28 tuổi, TP.HCM) cũng đồng tình với nhận định này.

truyen boylove anh 1

Một truyện boylove của tác giả Việt được độc giả quan tâm theo dõi thời gian qua. Ảnh: Comi.

Đối với boylove đăng tải trên các trang web, M.T. (21 tuổi, TP.HCM) cho rằng 15+ là mức giới hạn hợp lý, “vì truyện tranh boylove hiện nay có khá nhiều yếu tố người lớn mà trẻ em dưới 15 tuổi không nên đọc. 15 tuổi thật ra cũng chưa phải hoàn toàn trưởng thành, nhưng ở độ tuổi này bắt đầu nhận thức được mình cần và muốn gì rồi nên tạm chấp nhận được”.

Cả M.T. và H.M.A. (Đà Nẵng) đều cho rằng với truyện có nhiều yếu tố nhạy cảm, cảnh nóng thì nên để giới hạn độ tuổi là 18+. “Độ tuổi phù hợp sẽ giúp người đọc đủ trưởng thành để hiểu, cảm nhận đúng ý nghĩa câu chuyện, cũng như phân biệt rõ đâu là hư cấu, đâu là thực tế. Còn với các tác phẩm thuần tình cảm, nhẹ nhàng thì mình nghĩ không cần quá khắt khe. Nhiều truyện còn cung cấp kiến thức hay về tình yêu đồng giới”, H.M.A. chia sẻ.

Nhìn rộng ra, X.L. (23 tuổi, TP.HCM) cho rằng bên cạnh thể loại thì còn nhiều yếu tố khác nên được cân nhắc khi giới hạn độ tuổi cho một tác phẩm. Điều này không chỉ đúng với boylove hay truyện về LGBT+, mà với bất cứ thể loại nào. “Tiếp nhận, tư tưởng của người đọc thì nên thuộc trách nhiệm của giáo dục giới tính của gia đình và nhà trường”, X.L. nói.

Theo X.L., trách nhiệm của người sáng tạo và phát hành tác phẩm nên là làm rõ cảnh báo yếu tố gây tranh cãi / cực đoan / tình dục / tự hại… nếu có trong truyện, cũng như cẩn trọng trong cách thức truyền thông phù hợp để nhắm đúng vào đối tượng độc giả… “Việc một người không thuộc đúng nhóm đối tượng tiếp cận tác phẩm nhãn R15, R18,… thì trách nhiệm không nên bị quy cho những người sáng tạo. Người xem nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi tiếp nhận một tác phẩm nào đó, dù là hình thức hay thể loại nào”, cô nói.

Các nước quản lý phát hành boylove ra sao?

Tại châu Á, truyện tranh và tiểu thuyết boylove ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Tuy nhiên, cách tiếp cận và quản lý nội dung boylove lại khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Mỗi nước đều phải đối mặt với tranh luận xoay quanh quyền tự do sáng tạo, giới hạn đạo đức và bảo vệ thanh thiếu niên, từ đó hình thành nên những chiến lược quản lý đặc thù.

Tại Nhật Bản – cái nôi của boylove, chính quyền nhìn nhận đây là một phần của văn hóa đại chúng, do phụ nữ sản xuất và dành cho phụ nữ. Pháp luật Nhật Bản không cấm thể loại này, nhưng yêu cầu các nhà xuất bản tuân thủ quy định về kiểm duyệt độ tuổi và phân loại nội dung. Sản phẩm boylove phải dán nhãn “R18” nếu có yếu tố tình dục rõ ràng. Ngành công nghiệp manga tự giác thiết lập các tiêu chuẩn tự kiểm duyệt.

Tuy nhiên, một số truyện boylove (và cả truyện tranh về tình cảm nam – nữ) tại Nhật có nhân vật vẻ ngoài trẻ vị thành niên mà không bị cấm phát hành hay kiểm duyệt. Điều này từng gây tranh cãi không chỉ tại Nhật mà cả ở cộng đồng quốc tế. Đối với nhà chức trách, miễn nội dung không vi phạm luật chống khiêu dâm trẻ em, thì sáng tác hư cấu vẫn được phép lưu hành.

Ngược lại, Hàn Quốc áp dụng cách tiếp cận chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Trong những năm gần đây, chính phủ nước này tiến hành nhiều chiến dịch kiểm soát nội dung boylove được đăng tải trên các nền tảng kỹ thuật số. Tác phẩm có yếu tố tình dục hoặc gợi dục giữa các nhân vật nam, đặc biệt nếu nhân vật ở tuổi vị thành niên, thường bị xóa bỏ hoặc yêu cầu chỉnh sửa.

Từ năm 2021, nhiều tác giả và độc giả Boylove ở Hàn Quốc bị điều tra hoặc cảnh cáo vì phát tán “nội dung khiêu dâm bất hợp pháp”. Thậm chí có trường hợp bị khởi tố với lý do vi phạm Luật về bảo vệ thanh thiếu niên hoặc Luật thông tin và truyền thông. Điều này cho thấy boylove ở Hàn Quốc vẫn gắn với cái nhìn nghi ngại, và dễ bị đồng nhất với nội dung đồng tính nam mang tính khiêu dâm, thay vì như một thể loại sáng tác độc lập.

truyen boylove anh 2

Hình ảnh từ phim boylove Thái Lan I told sunset about you một thuở gây sốt khắp châu Á. Ảnh: Amazon.

Thái Lan đang nổi lên như một trung tâm sản xuất nội dung boylove của Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình. Nhiều phim boylove do Thái Lan sản xuất gây sốt trong khu vực, thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí nước này phát triển mạnh mẽ.

Chính quyền Thái Lan không áp dụng quy định kiểm duyệt gắt gao với thể loại BL, tuy nhiên các nhà sản xuất vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc về phân loại độ tuổi khi phát hành. Boylove ở Thái không chỉ là lĩnh vực giải trí, mà còn được xem là sản phẩm xuất khẩu văn hóa, thu hút đầu tư và khách du lịch.

Dù vậy, một số người Thái vẫn lo ngại boylove có thể ảnh hưởng đến nhận thức về giới tính, tình yêu và xu hướng tính dục của giới trẻ. Song nhìn chung, boylove tại Thái Lan được quản lý như một ngành văn hóa sáng tạo, không bị xem là một thể loại cần kiểm soát gắt gao.

Những khác biệt này phản ánh cách mỗi xã hội định nghĩa và đối thoại với các vấn đề về giới, xu hướng tính dục, tình dục và văn hóa đại chúng. Trong khi Nhật Bản và Thái Lan chọn cách điều tiết mềm mỏng để cân bằng giữa sáng tạo và đạo đức xã hội, thì Hàn Quốc giữ lập trường thận trọng và kiểm soát nghiêm ngặt. Tranh luận quanh boylove sẽ còn tiếp diễn, nhất là khi loại hình này ngày càng toàn cầu hóa và vươn ra khỏi biên giới của văn hóa gốc.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.