Việc đi làm trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người ở Trung Quốc, đến mức một bệnh viện tại tỉnh Hà Bắc đã mở hẳn phòng khám mang tên “Không muốn đi làm”.
![]() |
Phòng khám mang tên “Không muốn đi làm” thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh: Bengbu News Network |
Nếu bạn từng nhìn đồng hồ báo thức vào sáng thứ Hai và nghĩ: “Tại sao mình phải đi làm?”, thì bạn không hề đơn độc. Ở Trung Quốc, cảm giác ngán ngẩm đầu tuần hay chán nản vì phải đi làm đã được nâng cấp thành… một vấn đề y tế chính thức.
Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý trên toàn quốc sau khi thành lập phòng khám mang tên “Không muốn đi làm”, nơi điều trị các vấn đề tâm lý liên quan đến lo âu, trầm cảm do áp lực công việc. Ý tưởng này ban đầu được khơi nguồn từ những bậc cha mẹ từng đưa con đến phòng khám “Không muốn đi học”.
Khoảng hai tháng trước, Bệnh viện Y học cổ truyền và Tây y kết hợp tại thành phố Tần Hoàng Đảo (tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc) đã chính thức khai trương dịch vụ khám ngoại trú đặc biệt này.
Phòng khám nhanh chóng tạo nên làn sóng bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo giới thiệu từ bệnh viện, phòng khám “Không muốn đi làm” chủ yếu tiếp nhận những người trưởng thành đang gặp khó khăn trong công việc. Họ thường xuyên cảm thấy kiệt sức, uể oải khi bắt đầu ngày mới, dễ cáu gắt vì áp lực hoặc rơi vào trạng thái bối rối, hoài nghi về ý nghĩa thật sự của công việc họ đang theo đuổi.
Bà Nhạc Lệ Mẫn, Trưởng khoa Tâm lý và Giấc ngủ, đồng thời là người đứng đầu phòng khám, cho biết thay vì gán nhãn lo âu hay trầm cảm – những thuật ngữ dễ khiến bệnh nhân cảm thấy kỳ thị – tên gọi phòng khám được lựa chọn nhẹ nhàng, gần gũi hơn, giúp người bệnh bước vào không gian điều trị với tâm thế thoải mái.
“Những biểu hiện bên ngoài như mệt mỏi hay chán nản thường bắt nguồn từ những yếu tố tâm lý hoặc xã hội phức tạp. Vai trò của chúng tôi là đánh giá toàn diện, xác định nguyên nhân gốc rễ, từ đó xây dựng phác đồ điều trị và hỗ trợ phù hợp”, bà Nhạc chia sẻ.
Quy trình khám tại phòng “Không muốn đi làm” bắt đầu bằng các cuộc phỏng vấn để đánh giá trạng thái cảm xúc tổng thể của bệnh nhân. Song song đó, bệnh viện cũng thực hiện kiểm tra sức khỏe nhằm loại trừ những nguyên nhân thực thể như cường giáp. Dựa trên kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ thiết kế kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho từng người.
Mục tiêu của phòng khám không chỉ dừng lại ở việc giảm nhẹ các biểu hiện lo âu hay trầm cảm, mà còn đi sâu vào việc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gây ra khủng hoảng tâm lý ở người đi làm. Từ đó, các bác sĩ có thể giúp bệnh nhân phát triển kỹ năng ứng phó với áp lực, đồng thời hình thành cách nhìn tích cực hơn về công việc và cuộc sống.
Dù nhận được sự quan tâm rộng rãi, số lượng người đến khám thực tế vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chính cái tên lạ của phòng khám lại trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt bình luận hài hước trên mạng.
“Người nghĩ ra cái tên này đúng là thiên tài!”, một người viết. Hay một bình luận khác: “Đến đây rồi liệu có đột nhiên yêu thích công việc trở lại không nhỉ?”
Để con được ốm
Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…
Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.