Nghiên cứu cho thấy thói quen ngủ sớm có thể tác động tích cực đến mức độ hoạt động thể chất vào hôm sau.
![]() |
Tính năng theo dõi giấc ngủ trên smartwatch. Ảnh: Digital Trends. |
Nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) cho thấy ngủ sớm mang đến nhiều lợi ích, bao gồm tối ưu hoạt động thể chất vào hôm sau.
Theo Inc, các nhà nghiên cứu đã phân tích thói quen ngủ và tập thể dục của 19.963 người trưởng thành. Dữ liệu được thu thập thông qua thiết bị y sinh đeo trên cổ tay (WHOOP) với tổng cộng 5.995.080 buổi đêm, giúp tìm hiểu về sự ảnh hưởng của ngủ sớm lên những thói quen khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ngủ càng sớm có khả năng tham gia các hoạt động thể chất, mức độ từ trung bình đến mạnh vào hôm sau với thời gian dài hơn.
Cụ thể, người trưởng thành thường xuyên ngủ trước 21h có khả năng hoạt động thể chất nhiều hơn khoảng 30 phút so với người ngủ lúc 1h sáng.
Kể cả khi so sánh với người thường ngủ lúc 23h (giờ đi ngủ trung bình của toàn bộ mẫu nghiên cứu), người ngủ lúc 21h vẫn hoạt động thể chất nhiều hơn khoảng 15 phút. Kết quả được so sánh dựa trên người có cùng độ tuổi.
TS Josh Leota từ Trường Khoa học Tâm lý Đại học Monash (Australia), tác giả chính nghiên cứu, cho biết kết quả thể hiện rằng người ngủ muộn có thể gặp bất lợi với lịch trình hôm sau.
“Lịch làm việc từ 9-17h có thể xung đột với sở thích ngủ tự nhiên của những người làm việc về đêm, dẫn đến tình trạng lệch múi giờ xã hội, chất lượng giấc ngủ kém và buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày. Tất cả có thể dẫn đến giảm động lực và khả năng luyện tập thể chất cho hôm sau”, TS Leota nói.
Tác động tích cực từ việc ngủ sớm đã được nhiều chuyên gia đề cập, nhưng đây là dữ liệu tin cậy cho thấy xu hướng tập thể dục cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi thời gian đi ngủ.
Theo TS Leota, kết quả từ nghiên cứu còn có ý nghĩa với sức khỏe cộng đồng.
“Thay vì chỉ đơn thuần thúc đẩy độc lập việc ngủ sớm và hoạt động thể chất, các chiến dịch sức khỏe có thể khuyến khích mọi người đi ngủ sớm hơn để nuôi dưỡng lối sống năng động một cách tự nhiên.
Một phương pháp tiếp cận toàn diện, nhận ra sự tương tác giữa 2 hành vi thiết yếu có thể mang đến sức khỏe tốt hơn cho cá nhân và cộng đồng”, TS Leota nhấn mạnh.
Nghiên cứu cũng xem xét việc chủ động thay đổi thói quen ngủ. Cụ thể, khi mọi người ngủ sớm hơn bình thường nhưng vẫn đủ giấc, họ có thể hoạt động thể chất với mức độ cao nhất vào hôm sau.
Theo Eurekalert, một nghiên cứu bổ sung với gần 6.000 người tham gia chương trình All of Us Research Program cho thấy kết quả tương tự.
Tác giả chính của nghiên cứu, TS Elise Facer-Childs từ Đại học Monash, nhấn mạnh những kết quả cho thấy mối quan chặt chẽ giữa thời gian ngủ và mức độ hoạt động thể chất.
“Giấc ngủ và hoạt động thể chất đều rất quan trọng với sức khỏe. Cho đến nay, hầu hết chúng ta chưa hiểu hết mối liên hệ mật thiết giữa chúng trong cuộc sống hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nhiều nhóm dân số, cho thấy nếu có thể ngủ sớm hơn bình thường trong khi giữ nguyên thời lượng, bạn có thể tăng cường hoạt động thể chất vào hôm sau”, TS Facer-Childs chia sẻ.
Những nhà khoa học tiên phong
“Những nhà khoa học tiên phong” là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.