Từ ngày 27/6-16/7, lực lượng chức năng Campuchia đã triệt phá 20 cơ sở hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Phnom Penh và 7 địa phương khác, bắt giữ 1.362 nghi phạm thuộc nhiều thành phần quốc tịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, chiến dịch triệt phá các cơ sở lừa đảo trực tuyến liên tục được tăng cường mở rộng trên địa bàn thủ đô Phnom Penh và nhiều địa phương trong cả nước trong thời gian gần đây.
Số liệu của Ban Thư ký Ủy ban chuyên trách công tác phòng chống tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao (trực thuộc Chính phủ Campuchia) cho thấy từ ngày 27/6-16/7, lực lượng chức năng nước này đã kiểm tra hành chính, triệt phá 20 cơ sở hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Phnom Penh và 7 địa phương khác, bắt giữ 1.362 nghi phạm (trong đó có 224 nữ giới) thuộc nhiều thành phần quốc tịch, như Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Myanmar…
Chiến dịch trấn áp tội phạm lừa đảo trực tuyến tại Campuchia đặc biệt được đẩy mạnh sau chỉ thị ban hành ngày 14/7 vừa qua của Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet.
Trong chỉ thị, Thủ tướng Hun Manet chỉ đạo người đứng đầu chính quyền, công an thủ đô và các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, cũng như các cơ quan bộ, ban, ngành hữu quan tổ chức triển khai hoạt động trấn áp, triệt phá triệt để các cơ sở hoạt động lừa đảo trực tuyến trên địa bàn và khu vực thuộc thẩm quyền của mình.
Theo Tổng cục Công an quốc gia Campuchia, trong 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng sở tại đã tiến hành 18 đợt ra quân trấn áp tội phạm lừa đảo trực tuyến trên địa bàn thủ đô Phnom Penh và 9 địa phương khác, bắt giữ 2.418 nghi phạm, khởi tố 73 đối tượng và tiến hành trục xuất 2.322 công dân nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, lực lượng chức năng Campuchia đã tiến hành điều tra 66 vụ việc, chuyển hồ sơ khởi tố 31 vụ việc liên quan 96 nghi phạm thuộc nhiều quốc tịch khác nhau.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Tri Thức – Znews giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung – Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học – Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
https://www.vietnamplus.vn/campuchia-mo-rong-chien-dich-tran-ap-toi-pham-lua-dao-truc-tuyen-post1050436.vnp
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.