Phương Mỹ Chi thất bại ở cuộc thi Trung Quốc?

Phương Mỹ Chi sẽ đối đầu nhiều đối thủ mạnh ở chung kết Sing! Asia. Theo tin đồn lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, nữ ca sĩ dừng chân ở vị trí thứ 3.

Sau phần song ca Túy âmLục hải vi vương ở bán kết Sing! Asia, cặp thí sinh Phương Mỹ Chi, Khả Lâu chính thức giành vị trí thứ 3 và tiến vào chung kết cuộc thi.

Chung kết này dự kiến lên sóng vào 25/7 với màn tranh tài của 8 thí sinh. Từ 8 gương mặt, chương trình tìm ra 4 giọng ca xuất sắc.

Loạt tin đồn quanh thứ hạng của Phương Mỹ Chi

Theo Sinchew, chung kết của Sing! Asia đã được ghi hình ở Macau vào 16/7. 4 thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi là Miyuna (Nhật Bản), Chu Phi Ca, Khả Lâu (Trung Quốc) và Phương Mỹ Chi.

Sinchew trích đăng tiết lộ của những người đi xem chương trình. Theo đó, Miyuna giành chiến thắng cuối cùng ở Sing! Asia, trong khi Chu Phi Ca, Phương Mỹ Chi, Khả Lâu lần lượt giành hạng 2, 3 và 4.

Phương Mỹ Chi được cho là sẽ hát ca khúc Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP. Theo đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội được cho là quay từ chung kết Sing! Asia, Lạc trôi được chuyển thể song ngữ Việt – Trung và do Phương Mỹ Chi, Hoàng Linh thể hiện.

Phuong My Chi anh 1

Theo Sinchew, Phương Mỹ Chi dừng chân ở vị trí thứ 3, trong khi Miyuna (váy đen) là quán quân. Ảnh: Sinchew.

Đối thủ mạnh nhất của Phương Mỹ Chi có lẽ là Miyuna, người đang được đồn đoán giành chiến thắng ở cuộc thi năm nay. Miyuna sinh năm 2002, theo đuổi phong cách âm nhạc hoàn toàn khác biệt Phương Mỹ Chi. Cô nổi bật với chất giọng mạnh mẽ, nội lực, cách xử lý bài hát khác biệt, cá tính cùng âm nhạc mang phong cách rock, soul và pop…

Phần thi trong vòng bán kết của thí sinh này cũng nhận được rất nhiều khen ngợi từ truyền thông Trung Quốc. “Nữ ca sĩ Nhật Bản Miyuna đã vượt qua những khó khăn sau ca phẫu thuật dây thanh quản và trình diễn phiên bản song ngữ Trung-Nhật của ca khúc Boundless Oceans, Vast Skies. Nữ ca sĩ thổi hồn vào ca khúc kinh điển bằng cả trái tim chân thành”, tờ China News đánh giá.

Theo China News, giọng hát của nữ ca sĩ Nhật Bản được Tô Hữu Bằng khen ngợi là “lột tả sự đau khổ, mà vẫn giữ vững sức mạnh, linh hồn của bài hát”. Trương Lương Dưỡng thậm chí sau khi theo dõi tiết mục của Miyuna đã thốt lên: “Sức mạnh bùng nổ chạm đến tận cùng vũ trụ”.

Các thí sinh khác như Khả Lâu, Amsyar Leee… cũng là những đối thủ mạnh. Trong đó, Amsyar Leee gây ấn tượng với giọng giả thanh xuất sắc, còn Khả Lâu có chất giọng tuyệt vời, âm nhạc kết hợp chất liệu văn hóa lâu đời của Trung Quốc với phong cách hiện đại.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến đó, việc Phương Mỹ Chi giành hạng 3 như tin đồn hay bất cứ thứ hạng nào khác thì cô đã có chiến thắng lớn hơn cả trong việc được khán giả quốc tế biết tới, đồng thời quảng bá được âm nhạc, văn hóa Việt Nam. Sing! Asia là chương trình âm nhạc hot nhất hiện nay tại Trung Quốc, mở ra cho Phương Mỹ Chi nhiều trải nghiệm, cơ hội.

Lý do Sing! Asia thành công

Tờ QQ nhận định Sing! Asia là chương trình âm nhạc hay nhất đã lên sóng từ đầu năm tới nay tại Trung Quốc. Thay vì chọn những bài hát đang phổ biến trên mạng xã hội, chẳng hạn Tháp rơi tự do xuất hiện ở khắp các chương trình âm nhạc, Sing! Asia có hướng đi khác. Sing! Asia dẫn dắt các chương trình âm nhạc trở lại đúng với bản chất của nó.

Các ca sĩ trong chương trình thường chọn những ca khúc ít được biết đến hoặc sáng tác của riêng họ. Đặc biệt, đối với các ca sĩ nước ngoài, một số người mang nhạc cụ lên sân khấu với tiết mục trình diễn mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương.

Phuong My Chi anh 2

Phương Mỹ Chi tạo được dấu ấn với những màn trình diễn đầu tư ở Sing! Asia. Ảnh: FBNV.

QQ nhận định Sing! Asia đã mạnh dạn xây dựng đội hình thí sinh với những gương mặt hoàn toàn mới. Trong số hàng chục ca sĩ trẻ được mời tới chương trình, Chu Phi Ca, Dương Nhuận Trạch… từng tham gia các chương trình tạp kỹ âm nhạc nên được công chúng biết tới, còn lại hầu như là những gương mặt mới với khán giả Trung Quốc.

Tuy nhiên, chương trình đã trở nên nổi tiếng ngay từ trước khi lên sóng nhờ mô hình, định hướng âm nhạc độc đáo, quy mô phủ sóng toàn châu Á và dàn cố vấn hùng hậu gồm 11 người. Chương trình áp dụng hình thức thi đấu mới mẻ.

Sing! Asia không chỉ là chương trình tạp kỹ âm nhạc, mà còn là nơi giao lưu, giới thiệu văn hóa địa phương. Phương Mỹ Chi với các tiết mục mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam đang làm rất tốt điều đó.

Khi mỗi thí sinh xuất hiện trên sân khấu, chương trình sẽ chiếu một đoạn phim ngắn về văn hóa và đặc trưng âm nhạc của vùng đất địa phương.

Chương trình không còn giới hạn trong khuôn khổ cuộc thi của các thí sinh trong nước, mà mở rộng ra toàn châu Á; không còn áp dụng mô hình trường quay truyền thống, mà sáng tạo lựa chọn sân khấu nước ngoài; không chỉ theo đuổi sự sôi động của các cuộc thi âm nhạc, mà còn chú trọng hơn đến việc truyền tải văn hóa và kế thừa các giá trị. Sự đổi mới toàn diện này tạo nên nét độc đáo và nổi bật cho Sing! Asia giữa vô số chương trình tạp kỹ, Sohu nhận định.

Nhờ đó, Sing! Asia nhanh chóng bứt phá giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt chương trình thực tế.

Theo Sohu, kể từ khi ra mắt, Sing! Asia đã dẫn đầu danh sách tìm kiếm và các cuộc thảo luận xoay quanh chương trình trên mạng xã hội vẫn tiếp tục gia tăng. Các nhà phê bình âm nhạc cũng đánh giá cao chương trình và tin rằng Sing! Asia đã thiết lập một chuẩn mực mới cho các chương trình tạp kỹ âm nhạc Trung Quốc.

Sự lôi cuốn của thanh âm

Cuốn sách Lược sử âm nhạc của nhà nghiên cứu âm nhạc bậc thầy thế giới Robert Philip, dẫn dắt độc giả trên hành trình khám phá cực kỳ lôi cuốn mọi hình thái âm nhạc. 40 chương sách đưa người đọc đi từ dạng thức sơ khai của âm nhạc đến khi con người sử dụng âm nhạc, qua giai đoạn sự lên ngôi của các nhạc cụ, dàn nhạc, đến khi âm nhạc tạo ra những cơn bão trong tâm trí con người thời cách mạng, cuối cùng là âm nhạc trong nhịp sống hiện đại và âm nhạc hướng về tương lai.

Cuốn sách làm nổi bật rằng, âm nhạc không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là một hiện tượng xã hội phức tạp. Nó phản ánh cấu trúc xã hội, các mối quan hệ quyền lực và những thay đổi trong xã hội. Âm nhạc phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau trong các nền văn hóa.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.