Lời kể của một người trẻ ‘tối nào cũng lên kế hoạch tự tử’

Suy nghĩ tiêu cực, chết đi là có thể bắt đầu một cuộc đời mới, không còn đau khổ và nỗi buồn khiến nhiều bạn trẻ có những hành động dại dột, như một cách trốn tránh thực tại.

Lam hai ban than anh 1

Tình trạng người trẻ tự tử đáng báo động ở một số quốc gia phát triển. Ảnh minh họa: K.L.

Hồi ở tuổi dậy thì, tôi cũng thường nghĩ về chuyện tự tử. Cứ đến khi đi ngủ là tôi lên kế hoạch tự tử và đắm chìm trong suy nghĩ đó rất lâu khiến tâm trạng càng thêm sầu muộn, rồi cứ thế một mình đẫm trong nước mắt.

Ngước nhìn ra bên ngoài từ cửa sổ chung cư, tôi thường xuyên có suy nghĩ muốn nhảy xuống; hay khi nhìn xe buýt lao đi một cách đáng sợ trên đường, tôi cũng nghĩ hay là nhảy vào để kết thúc ngay cuộc sống này.

Nhưng mỗi lần nghĩ như thế, tôi lại nhớ đến cha mẹ mình, rằng họ sẽ quá đau khổ nếu mình có chuyện gì; nhớ đến các em sẽ buồn vì tôi nên tôi có thể xóa suy nghĩ xấu xí đó ngay lập tức. Nếu vì việc tôi ra đi mà gia đình phải oán thán cả đời thì chắc chẳng còn tội lỗi nào lớn hơn thế.

Ở thời kỳ dậy thì, do lòng mộ đạo sâu sắc hơn bây giờ nên lúc đó tôi nghĩ đến Chúa. Tôi nghĩ chủ nhân trong mình không phải là mình mà là Đấng sáng tạo và cha mẹ tôi tạo ra tôi. Tôi nghĩ giống như việc bản thân chẳng thể chào đời theo ý mình khi sinh ra thì cũng không thể chết đi theo ý mình. Cứ thế rồi ý định muốn chết cũng lắng xuống, khi sáng ra, tôi lại rửa mặt và đi học như chưa có bất cứ chuyện gì.

Lúc đó, chẳng phải tôi gặp chuyện gì bất hạnh tới mức phải tự tử. Tôi cũng không bị tổn thương lớn nào về tinh thần, chỉ là bởi những khó khăn trong việc học và cô đơn khi ở trường, và tôi bị tổn thương vì điều đó. Cũng không phải do gia đình.

Xét một cách khách quan thì tôi hoàn toàn không có lý do gì để tự tử, nhưng cứ một mình đau khổ rồi cuối cùng trốn vào trong sự mộng tưởng của suy nghĩ muốn tự tử. Tôi nói cảm xúc này với bố mẹ một cách vô tâm khiến họ rất lo lắng. Bố mẹ tôi nghĩ là đứa con gái chỉ thông minh vẻ bề ngoài ấy đang cư xử ương ngạnh ở tuổi dậy thì mà thôi.

Nếu phân tích tâm lý của tôi lúc đó thì có vẻ như tôi có “tâm lý tái sinh”, muốn được chào đời một lần nữa, như một loại “tâm lý bỏ trốn” vậy. Ở độ tuổi nhỏ hơn tuổi dậy thì, nếu gặp chuyện mệt mỏi hay khi có nỗi khổ tâm nào đó, tôi chỉ cần ngủ vùi một giấc, rồi thức dậy đã thấy trở thành người hoàn toàn khác với hiện tại để nói: “Mình đã mơ một giấc mơ thực sự dài” và vươn mình đứng dậy giống như nhân vật chính của một câu chuyện cổ tích.

Dẫu bẩm sinh đã có tính cách nhạy cảm, nhưng vì bị dán nhãn là đứa trẻ học hành giỏi giang nên tôi chẳng thể để mình rơi vào trạng thái ủy mị giống như cô bé mộng mơ nào đó, nên tôi đã muốn trốn chạy khỏi hiện thực như vậy. Ở độ tuổi chẳng thể có sức mạnh lý tính để phân tích chính mình một cách chín muồi như người lớn, nên cánh cửa mà tôi có thể bỏ trốn dễ dàng là mộng tưởng tự sát.

Thế nhưng tôi mới chỉ mộng tưởng vậy thôi chứ chưa từng thử như các bạn khác. Nhưng nếu nhìn thấy cô cậu thanh thiếu niên nào muốn tự tử thì dù ở độ tuổi hiện tại, tôi vẫn nhớ lại những ký ức lúc đó và cảm thấy thật đau đớn.

Dù thích hay không thì con người ai rồi cũng sẽ chết. Nhưng khi nào chết và khi nào chào đời thì chúng ta lại chẳng thể tự quyết định. Sự sống và cái chết không phải là thứ có được theo ý muốn của chúng ta. Liệu chúng ta có quyền kết thúc mạng sống của mình không?

Dù có nhượng bộ hàng trăm lần để nói rằng cơ thể các em thì tùy các em quyết chăng nữa, nhưng bởi vì ta chỉ sống một lần, chẳng phải ta nên suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống, về lý do tại sao các em phải sống và nên có một ít thời gian để mở rộng giấc mơ của mình hay sao.

Chúng ta không được vội vã quyết định khoảnh khắc của cái chết khi có thể nó sẽ là kinh nghiệm rực rỡ ở đoạn cuối cùng của cuộc đời chúng ta, chỉ vì suy nghĩ sai lầm của một khoảnh khắc hiện tại.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.