‘Đâu đâu cũng bắt hàng giả, chúng tôi đợi bắt sách giả’

Nhiều ấn phẩm vi phạm bản quyền không chỉ là sách lậu, mà còn là hàng giả. Các đơn vị kinh doanh sách nóng lòng đòi lại công bằng cho sách thật, khi đợt cao điểm truy quét hàng giả, hàng lậu đang được triển khai.

“Đâu đâu cũng bắt hàng giả, chúng tôi đợi bắt sách giả”, bà Trần Ngọc Khánh, Trưởng phòng Pháp chế công ty sách MCBooks, bày tỏ mong muốn đòi lại công bằng cho đơn vị làm sách chân chính.

hang gia hang lau,  truy quet hang lau,  sach gia,  vi pham ban quyen,  so huu tri tue anh 1

Đơn vị kinh doanh sách mong muốn đòi lại công bằng cho sách thật. Ảnh: FN.

Đầu nậu sách lậu vừa nhanh vừa nhạy

Như trong bài Sách bị làm giả siêu nhanh đã đề cập, các đầu nậu in sách giả hiện nay có nhiều chiêu thức để làm giả sản phẩm. Máy in công nghệ cao càng ngày có giá thành càng rẻ, mức giá từ vài chục triệu tới vài trăm triệu. Nhiều “nhà in cỏ” có thể đầu tư máy để in lậu, tạo ra sách giả có chất lượng khó phân biệt với sách thật.

Không chỉ in sản phẩm nhanh, mọi công đoạn trong dây chuyền buôn bán lậu đều tốc độ. Chia sẻ với Tri thức – Znews, bà Ngọc Khánh cho biết MCBooks không thể “bắt tận tay” các đơn vị in lậu vì họ không trữ sách lậu trong kho xưởng. Sáng in, chiều xuất xưởng, sách giả nhanh chóng được tẩu tán ngay khi in xong.

“Doanh thu một tháng của các bên sách giả tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ, nhưng không xử phạt được. Các bên làm lậu không in sẵn, họ thường được đặt trước, họ sản xuất trong một buổi hoặc trong ngày rồi giao sách luôn. Làm sao để căn được đến đúng thời điểm để bắt là rất khó. Hồi xưa bắt sách lậu theo tấn trong kho sách, nhưng bây giờ họ không dự trữ sách trong kho nữa”, bà Ngọc Khánh nói.

Trưởng phòng Pháp chế MCBooks kể có lần đơn vị bà đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tới xử lý kẻ in sách lậu. Tuy nhiên, khi tới, số sách lậu đã tẩu tán hết. Kết quả, vụ việc không đủ tính chất để xử phạt hành chính.

Không chỉ nhanh về tốc độ, kẻ làm lậu còn nhạy bén với xu hướng thị trường. Nguồn tin từ Alpha Books cho biết hiện tượng kẻ làm giả lấy ruột sách thật, gia công thêm bìa tạo phiên bản đặc biệt để bán giá cao cho độc giả sưu tầm.

hang gia hang lau,  truy quet hang lau,  sach gia,  vi pham ban quyen,  so huu tri tue anh 2

Cuốn Cổ học kỳ thư bị nhiều bên làm giả, hạ giá bán sâu. Ảnh: FB.

Mới đây, theo phản ánh từ bạn đọc Nguyễn Trần Thái Dương (TP. Hà Nội) – một người chơi sách cũ lâu năm, một số fanpage sách lậu bán các cuốn sách cũ, sách ngưng tái bản, đặc biệt là các cuốn sách có tuổi đời trên 50 năm. Tạo cảm giác sách “số lượng giới hạn”, “sách cổ”, các fanpage này thu hút số lượng người quan tâm rất lớn.

“Tôi mua cuốn Hãy để ngày ấy lụi tàn. Cuốn này đã cũ, song tôi thấy có bên bán. Lúc đặt về tôi mới biết là sách giả, bìa vỡ nét, dán gáy ẩu, cứ như chỉ chồng xấp giấy lên nhau. Đã vậy, sách lởm mà bán giá đắt như sách gốc”, bạn đọc Thái Dương bức xúc.

Chờ ngày sách giả bị “sờ gáy”

Bà Ngọc Khánh cho biết, giải pháp tạm thời của MCBooks là tự nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra app chỉ có thể dùng với sách gốc. Đồng thời, công ty nhờ cậy sự hỗ trợ của các nền tảng điện tử.

Google, Facebook, Shopee đều có phần đăng ký thương hiệu, MCBooks đã làm theo và gửi khiếu nại khi gặp đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, bà Khánh cho biết không phải khiếu nại nào cũng được giải quyết.

hang gia hang lau,  truy quet hang lau,  sach gia,  vi pham ban quyen,  so huu tri tue anh 3

Đơn vị xuất bản nhờ cậy sự bảo vệ có phần lỏng lẻo của nền tảng điện tử. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đại diện Alpha Books chia sẻ thẳng thắn công ty không đủ năng lực và nhân sự để truy tới cùng mọi vụ việc. “Một năm có những vụ sách lậu bị phát hiện xử lý. Nếu có xử lý thì cũng thường là phạt hành chính, mà như vậy chưa đủ sức răn đe. Phạt vài trăm triệu nhưng lợi nhuận kinh doanh của họ tới vài tỷ, thì người ta sẵn sàng nộp phạt rồi vi phạm tiếp”, đại diện công ty sách này nói.

Trong cao điểm truy quét hàng giả, nhiều đơn vị làm sách mong ngóng kẻ làm sách giả bị xử phạt. Từ góc nhìn của người nhiều năm xử lý các vụ việc liên quan tới sở hữu trí tuệ, luật sư Lê Quang Vinh – Giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự, giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Tư phápcho biết có nhiều lý do sách giả chưa bị truy quét mạnh.

Trong đó, việc phân biệt sách lậu, sách giả là một bước quan trọng. Trước hết, sách lậu là một dạng “hàng hóa sao chép lậu” theo khoản 4 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ – tức là bản sao tác phẩm được in ra mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Trong khi đó, sách giả là khái niệm được giải thích ở Điều 3.7 Nghị định 98/2020. Sách được coi là “sách giả” chỉ khi có bằng chứng cho thấy nó vừa in lậu nội dung, vừa mạo danh nhà xuất bản, tem, mộc hoặc mã ISBN, vừa giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký của nhà xuất bản.

Đơn vị làm sách giả sẽ bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ Luật Hình sự (tội phạm rất nghiêm trọng); trong khi đó, nếu coi là sách lậu thì chỉ bị khởi tố theo Điều 225 – xâm phạm quyền tác giả.

Quy trình xử lý sách giả phức tạp. Luật sư Lê Quang Vinh cho biết phải xác định được ai là chủ sở hữu quyền tác giả, chứng minh hành vi sao chép là trái phép.

Một yếu tố nữa, các vụ việc cần có chủ thể quyền đứng ra yêu cầu xử lý, trong khi đó, nhiều nhà xuất bản lại ngại khởi kiện hoặc tố cáo vì thủ tục phức tạp, tốn kém mà kết quả thường không tương xứng. Việc chống sách giả phụ thuộc vào nhà xuất bản khởi kiện trong khi quy mô sách giả lớn, khiến nhiều đơn vị “bỏ cuộc” vì không đủ nguồn lực theo đuổi tới cùng.

Nhà xuất bản cần quyết liệt tham gia bảo vệ quyền lợi của mình

Theo ông Lê Quang Vinh, nhà xuất bản nhất quyết phải đòi những quyền lợi đã quy định trong luật. Riêng xử phạt hành chính, Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tối đa 250 triệu đối với cá nhân hoặc 500 triệu đồng với tổ chức vi phạm quyền tác giả. Với vụ việc có xử lý hình sự, các điều 192, 225, 226 Bộ luật Hình sự đều quy định hình phạt về tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với mức phạt tối đa 15 năm tù.

hang gia hang lau,  truy quet hang lau,  sach gia,  vi pham ban quyen,  so huu tri tue anh 4

Công an TP Hà Nội xử lý đường dây buôn bán sách giả năm 2023. Mỗi ngày các đối tượng làm giả sách bán 300-600 cuốn, giá trị tiền hàng lên tới 70 triệu đồng. Ảnh: PNTĐ.

“Trong đợt cao điểm xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, các nhà xuất bản nên tham gia vào các cuộc chiến pháp lý bảo vệ quyền của mình, đặc biệt khía cạnh dân sự.

Khía cạnh dân sự là chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị hành động pháp lý, thuê luật sư tham gia vào cả vụ án dân sự và tố tụng hình sự. Đòi bồi thường thiệt hại, đấy là điểm mấu chốt, phải thu hồi tiền về. Đấy là quyền của nhà xuất bản mà họ chưa dùng”, ông Vinh bày tỏ thái độ quyết liệt.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.