“ESG không mới nhưng còn khó để theo, bởi lẽ nhà đầu tư vẫn cần lợi nhuận để duy trì doanh nghiệp của mình”, chuyên gia Tôn Thất Hạc Minh nhận định.
ESG là bộ tiêu chí đánh giá mức độ phát triển bền vững của một tổ chức, dựa trên ba yếu tố: môi trường (Environmental), xã hội (Social) và quản trị doanh nghiệp (Governance).
Theo đuổi mô hình ESG với nhiều “phiên bản” khác nhau là một hành trình dài với rất nhiều chi phí và khó khăn, đòi hỏi tư duy chiến lược. Văn hóa doanh nghiệp và năng lực lãnh đạo là yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu bền vững, bao gồm cả việc thích nghi với các tiêu chuẩn mới của thế giới.
![]() |
Tác giả Phạm Việt Anh (trái) và chuyên gia Tôn Thất Hạc Minh tại buổi trò chuyện chuyên đề “Chuyển đổi bền vững: Làm thật hay làm theo?” diễn ra vào sáng 5/7 tại TP.HCM. Ảnh: BTC. |
Không thể làm thật nếu chưa biết cách làm theo
Theo TS Phạm Việt Anh, tác giả sách ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn, theo đuổi các giá trị thật trong hành trình ESG là đích đến của mỗi doanh nghiệp. Nhưng trước hết, họ cần phải bắt đầu từ việc làm theo.
Ông giải thích “làm theo” không phải là điều tiêu cực mà trái lại, đó là một bước khởi đầu cần thiết. Ông nhấn mạnh: “Trước hết phải tuân thủ pháp luật, các quy chuẩn, các yêu cầu về báo cáo bền vững. Khi đã quen dần, có thêm nguồn lực và năng lực nội tại, doanh nghiệp mới có thể chủ động thực hành ESG một cách bài bản và có chiều sâu”, tức “làm thật”.
Theo ông Việt Anh, “làm thật” nghĩa là thật với chính mình, là làm thật dựa trên nguồn lực nội tại của mình. Nguồn lực bên trong của mình đến đâu mình làm tới đó và theo tiêu chí chung, yêu cầu chung và tiêu chuẩn chung. Ông nhấn mạnh doanh nghiệp có trách nhiệm trước tiên là sinh lợi nhuận. Tuy nhiên nếu nóng vội nhảy vọt vào “làm thật” khi chưa có nền tảng vững chắc, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng “đâm đầu vào tường”.
Vì thế, hành trình ESG cần được nhìn nhận như một quá trình chuyển đổi dài hơi, bắt đầu bằng sự tuân thủ có chủ đích và tiến dần đến kiến tạo những giá trị bền vững từ bên trong.
Tán thành ý kiến của ông Việt Anh, ông Hạc Minh khẳng định việc làm theo ở giai đoạn đầu chưa có gì sai, nếu không nói là việc đương nhiên phải làm để lập tức thu hút nhà đầu tư và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan chính.
Tuy nhiên ông Minh lưu ý phải làm theo đúng cách: “Có nhiều cách làm theo. Cái thứ nhất là làm theo với ý thức rõ ràng, biết lựa chọn cái nào phù hợp với tổ chức. Thứ hai là chỉ theo kiểu đu trend thôi. Nếu làm theo cách đầu thì việc làm theo sẽ giúp chúng ta nương được trí tuệ, kiến thức mà người đi trước đã phải trả giá. Cái làm theo đó rất đáng”.
![]() |
Bìa sách ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn. Ảnh: Anbooks. |
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nêu ý kiến: “Nếu xác định từ đầu chúng ta làm theo để học và tiền lúc ấy không phải là vấn đề lớn thì chúng ta sẽ học được cực kì nhiều và chúng ta lớn rất nhanh”.
Ông Việt Anh chỉ ra thực tại dù khái niệm chuyển đổi bền vững đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp rơi vào “bẫy ESG” khi triển khai theo phong trào (theo trend) nhưng thiếu nền tảng nội tại, dẫn đến phải chi nhiều nhưng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Theo ông, một trong những nguyên nhân sâu xa là Việt Nam bước vào quá trình phát triển bền vững muộn hơn và chịu sự áp đặt bởi luật chơi quốc tế. “Nhiều doanh nghiệp buộc phải ‘làm theo’ các mô hình ESG có sẵn của nước ngoài để kịp thích ứng với yêu cầu toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Chuyển đổi bền vững là quá trình không thể đảo ngược
Những năm qua, các doanh nghiệp thế giới đã cởi mở và đưa ESG vào trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn lo ngại khi nhiều định chế quốc tế lớn rút khỏi các thỏa thuận net-zero (phát thải ròng bằng 0), dấy lên lo ngại về giá trị của ESG và sự xói mòn niềm tin vào tăng trưởng xanh. Lý giải làn sóng này, ông Việt Anh giới thiệu khái niệm “cân bằng động”.
Ông chia sẻ: “Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Unilever, Coca-Cola, thậm chí các nhà đầu tư lớn như Blackrock từng cổ xúy ESG nhưng đã quay xe. Khi hiệu quả kinh doanh đi xuống hoặc có những áp lực từ cổ đông thì những sáng kiến bền vững đều phải hoãn lại”.
Điều đó không có nghĩa là họ hủy. Đó là sự cân bằng động, nghĩa là trong những thời điểm, bối cảnh cụ thể vẫn phải ưu tiên lợi nhuận. Nhưng ta không quên, khi ổn và có tiền thì quay lại, cân bằng lại và đền bù.
Ông Việt Anh nhấn mạnh các doanh nghiệp phải tỉnh táo trên cuộc chơi toàn cầu. Nếu cứ nghĩ theo suy nghĩ thường kiến và cân bằng cả ba trụ cột ESG cùng lúc thì chắc chắn sẽ thất bại.
Ông cũng đưa ra nhận xét thú vị: Phát triển bền vững là con đường không thể nào ngược. Bản thân các định chế đã rút lui thực chất vẫn âm thầm đầu tư tìm cách chuyển đổi xanh.
“Họ là những tổ chức định hướng toàn cầu. Họ luôn luôn ở trên sân khấu và bị chú ý. Vì những động cơ, lợi ích ngắn hạn, họ phải uyển chuyển theo thời cuộc. Họ điều chỉnh và sự điều chỉnh này khéo lắm.
Blackrock không dùng ESG nữa, nhưng họ chuyển về dùng sustainability (bền vững). Họ âm thầm đầu tư tìm cách chuyển đổi xanh, nhưng họ không nói nhiều như trước để giảm thiểu nguy cơ bị cáo buộc tẩy xanh”, ông Việt Anh nêu dẫn chứng.
Tác giả sách ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn nhấn mạnh các động thái trên thực chất là trò chơi tung hứng của khái niệm và ngôn từ thôi, góp phần định hình công tác truyền thông.
Ông phân tích: “Bền vững không chỉ có mỗi xanh, mà còn phải bền vững về mặt kinh tế. Bền vững là một nan đề của nhân loại. Nan đề không bao giờ có giải pháp cuối cùng, tức những vấn đề khó khăn không có giải pháp cuối. Chúng ta chỉ có thể linh hoạt, uyển chuyển trong khả năng của mình và quản lý chúng một cách tối ưu”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.