Bệnh viện Trung ương Huế đang có 14 bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Một trong số đó đang trong tình trạng hôn mê, tiên lượng dè dặt. Trước đó, một người đã không qua khỏi.
Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Huế) hiện điều trị nhiều bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu lợn). Hầu hết bệnh nhân vào khoa với triệu chứng khởi phát như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau nhức xương…
![]() |
Khoa Bệnh Nhiệt đới hiện điều trị nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn. |
Tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh, hiện có 1 ca tiên lượng nặng
Bệnh nhân nữ Đ.T.T.L. (36 tuổi, trú tại phường Dương Nỗ) vào viện với triệu chứng sốt liên tục, đau nhức đốt sống lưng. Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân được xác định mắc liên cầu lợn. Qua vài ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo và nhận thức rõ.
Theo điều tra dịch tễ, gia đình bệnh nhân không nuôi lợn, tuy nhiên thường xuyên tham gia chế biến thịt (phân chia thịt) để người nhà đem đi bán tại chợ. Hiện tại sức khỏe những người trong nhà bệnh nhân đều bình thường.
ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Trong đó, không ít ca diễn tiến nặng với các biểu hiện như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí suy đa cơ quan.
“Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện để huy động các chuyên khoa liên quan như hồi sức tích cực, truyền nhiễm, thần kinh cùng phối hợp điều trị.
Kinh nghiệm điều trị là phát hiện sớm, điều trị kháng sinh kịp thời và đúng phác đồ. Theo dõi sát các biến chứng thần kinh và nhiễm trùng huyết, điều trị hồi sức tích cực khi cần thiết”, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương nói.
![]() |
Một bệnh nhân mắc liên cầu lợn đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. |
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, tình hình bệnh liên cầu lợn diễn biến phức tạp, một số ca không rõ yếu tố dịch tễ. Đến sáng 8/7, bệnh viện đang điều trị cho 14 bệnh nhân trú tại các địa phương ở TP Huế. Trong đó, 13 trường hợp đang tiếp tục điều trị, riêng một bệnh nhân nam điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, tiên lượng không qua khỏi.
PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay Huế ghi nhận 31 ca dương tính với Streptococcus Suis, trong đó, 1 ca tử vong vào ngày 2/7. Riêng từ tháng 6/2025, có 25 ca liên cầu lợn, tăng 4,2 lần so với 5 tháng trước đó. Tất cả các ca bệnh đều nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Những yếu tố nguy cơ lây nhiễm liên cầu lợn
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm lây từ lợn sang người, chủ yếu qua tiếp xúc với lợn bệnh hoặc thịt lợn chưa nấu chín. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa hè, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng. Mặc dù bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng các yếu tố môi trường và sinh hoạt trong mùa hè có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo các chuyên gia dịch tễ, liên cầu lợn là vi khuẩn có thể tồn tại trong đường hô hấp trên của lợn, kể cả những con lợn khỏe mạnh và có khả năng lây sang người trong những điều kiện nhất định.
![]() |
Ngành y tế xử lý môi trường tại nhà dân có người mắc liên cầu lợn. |
Một số yếu tố nguy cơ điển hình được xác định rõ, bao gồm:
- Tiêu thụ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh, lòng non tái, hoặc các món ăn chế biến sơ sài từ thịt lợn. Đây được xem là con đường phổ biến và nguy hiểm nhất dẫn đến lây nhiễm liên cầu lợn ở người tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
- Tiếp xúc trực tiếp với lợn sống hoặc thịt lợn trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến, đặc biệt khi người tiếp xúc có vết thương hở, trầy xước trên da. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn từng làm nghề giết mổ, bán thịt, thợ săn hoặc nhân viên tại các cơ sở chế biến thịt.
- Lạm dụng rượu bia cũng là một yếu tố nguy cơ cao, do việc sử dụng rượu thường xuyên có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, đồng thời đi kèm với thói quen ăn uống không an toàn (ăn đồ sống, tiết canh).
Hai thể bệnh nguy hiểm nhất gồm:
- Viêm màng não mủ: Đau đầu dữ dội, nôn vọt, co giật, cứng gáy… dễ để lại di chứng như điếc vĩnh viễn.
- Nhiễm khuẩn huyết kèm sốc: Tụt huyết áp, ban xuất huyết, suy gan, thận, phổi, hoại tử đầu chi, tử vong nhanh nếu không điều trị tích cực
Một số biện pháp để ngăn ngừa nhiễm bệnh
Để ngăn ngừa bệnh liên cầu lợn, các chuyên gia khuyến cáo:
- Nên chọn mua thịt lợn qua kiểm định của cơ quan thú y.
- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết liên cầu lợn có thể lây truyền từ lợn sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
![]() |
Ngành y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp phòng mắc liên cầu lợn. |
Bệnh liên cầu lợn ở người có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, thường gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, và xuất huyết dưới da. Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm độc, suy đa tạng và tử vong.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo, cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.
Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu hủy đúng cách. Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
Bộ sách “Bí ẩn hướng nội” chứa đựng nhiều thông tin và kiến thức rất hữu ích giúp bạn thấu hiểu chính mình, thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự nghi ngờ và đánh đồng bản thân với những định kiến rập khuôn của xã hội. Để từ đó bạn học cách yêu thương và trân trọng con người hướng nội của mình.
https://suckhoedoisong.vn/them-benh-nhan-o-hue-mac-lien-cau-lon-nguy-kich-yeu-to-nguy-co-gay-nhiem-benh-la-gi-169250708114533537.htm
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.