Phim Việt về tình dục bị chê phản cảm, đạo diễn nói gì?

“Điều ước cuối cùng” gây tranh luận vì sử dụng nhiều chi tiết 18+ làm miếng hài. Đạo diễn cho biết đã lường trước những phản ứng trái chiều từ khán giả.

Điều ước cuối cùng ban đầu không được kỳ vọng quá nhiều, khi trailer bộc lộ không ít hạn chế về diễn xuất lẫn chất lượng sản xuất. Thế nhưng, khi chính thức ra mắt, phim nhận về phản hồi khá tích cực, với nhiều ý kiến đánh giá cao sự hài hước của tác phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Điều ước cuối cùng cũng gây không ít tranh luận. Là một bộ phim hài, sử dụng việc cường điệu các tình huống để tạo mảng miếng gây cười, không quá khó hiểu khi Đoàn Sĩ Nguyên nhiều lần sa đà vào việc làm lố, đôi khi khiến những khán giả khó tính cảm thấy không thoải mái. Đặc biệt là khi, nội dung phim còn xoay quanh chủ đề tình dục – vốn là yếu tố luôn nằm ở lằn ranh dễ gây tranh cãi.

Lý do gây tranh cãi

Điều ước cuối cùng kể về Hoàng (Avin Lu), Long (Quỳnh Lý) và Thy (Hoàng Hà) – bộ ba đã chơi với nhau từ thuở nhỏ. Không may mắn như các bạn, căn bệnh hiểm nghèo ập đến với Hoàng ở độ tuổi thiếu niên. Đau lòng hơn, vào sinh nhật 18 tuổi, Hoàng biết tin mình chỉ còn sống được 6 tháng. Trước khi mất, cậu muốn một lần trở thành “đàn ông”.

Oái ăm ở chỗ, Long và Thy thực sự muốn hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của bạn mình, thậm chí là bằng mọi giá. Cả hai đã lên một kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ. Từ việc lôi kéo các cô gái, sử dụng app hẹn hò, đến tán tỉnh trực tiếp – tất cả đều quy về mục tiêu giúp Hoàng có “lần đầu tiên”. Cũng từ đó, phim chủ yếu gây cười bằng những tình huống “gạ tình” vụng về, học đòi làm người lớn của những cô cậu học trò.

Dieu uoc cuoi cung anh 1

Phim có nhiều miếng hài nhạy cảm.

Càng về cuối phim, khi Hoàng không còn nhiều thời gian, các tình huống trở nên táo bạo hơn. Long và Thy chịu áp lực phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, khiến hàng loạt tình tiết gây sốc liên tục xuất hiện: từ việc Long “kiểm tra” xem Hoàng có bị liệt dương hay không, đề nghị chị gái của mình “giúp” Hoàng, cho đến việc cả hai đến tiệm massage tìm cho cậu bạn đang liệt giường của mình một cô gái.

Bên cạnh những lời khen dành cho sự hài hước, bộ phim cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Một bộ phận người xem cho rằng tác phẩm đã lạm dụng quá nhiều yếu tố 18+ để tạo tiếng cười, đôi lúc gây phản cảm.

Các tình huống hài xoay quanh chủ đề tình dục xuất hiện dày đặc và thiếu tiết chế, dễ gây cảm giác gượng gạo, dung tục. Đáng nói hơn, việc đặt những trải nghiệm nhạy cảm này vào bối cảnh học đường càng khiến nhiều khán giả cảm thấy không phù hợp.

Phản hồi từ đạo diễn

Đối diện với những phản hồi tiêu cực từ khán giả, Đoàn Sĩ Nguyên trao đổi với Tri Thức – Znews rằng khi lên ý tưởng và tham gia vào khâu kịch bản, anh ý thức được việc một vài chi tiết trong phim tương đối nhạy cảm, thậm chí có thể bị xem là phản cảm. Tuy nhiên, vì muốn có một tác phẩm thú vị nên đạo diễn đã chấp nhận mạo hiểm.

“Thú thật, trước đó, tôi cũng có cảm giác lo lắng không biết liệu mình có đang ‘chơi liều’ quá không. Nhưng rồi cuối cùng, tôi vẫn chấp nhận đưa nó vào phim. Rất nhiều phim kinh dị, giật gân cũng gây sốc, bạo lực… nhưng lại rất hay, vì họ sử dụng những yếu tố đó như công cụ tương phản, đặt vấn đề, dẫn đến thông điệp hoặc hành trình nhân vật. Phim của tôi cũng mang tinh thần như thế, nhưng đặt trong không khí hài – thanh xuân”, anh giải thích.

Nam đạo diễn tin rằng Điều ước cuối cùng cần phải có những khoảnh khắc mạnh, trần trụi và bốc đồng như thế. Nhưng sau cùng, trái tim của bộ phim vẫn là tình bạn.

Phản hồi về nhận định phim lạm dụng yếu tố 18+ để gây hài, Đoàn Sĩ Nguyên giải thích: “Yếu tố gây hài từ trước đến nay trong phim thường đến từ sự oái oăm, những điều khó khăn của con người, mà tình dục là một chủ đề như vậy. Chuyện hai người bạn giúp bạn mình “có lần đầu” rõ ràng là một tình huống rất lạ và cũng rất thử thách. Tôi đã tính toán kỹ khi thể hiện những điều đó, đặc biệt là trong diễn xuất của diễn viên và cách xây dựng nhân vật. Hai người bạn trong phim đều biết mình sai. Họ khổ sở, căng thẳng với cái mình làm. Nhưng biết sai mà vẫn làm thì phải chịu hậu quả”.

Đoàn Sĩ Nguyên cũng bày tỏ anh sẵn sàng đón nhận mọi phản hồi. Nếu đã dám đánh đổi thì cũng phải chấp nhận khi phim nhận về những phản hồi không tốt.

“Chuyện tình dục trong phim ảnh rõ ràng là một món ‘khó nấu’, và không phải ai cũng có thể ‘ăn’ nó một cách ngon lành. Tôi chỉ hy vọng sau những chia sẻ này, khán giả có thể cởi mở hơn khi theo dõi bộ phim”, đạo diễn nói.

Vốn là yếu tố dễ gây tranh luận

Việc khai thác yếu tố tình dục trong các bộ phim coming of age (tuổi trưởng thành) từ lâu đã phổ biến trong điện ảnh thế giới. Tình dục, trong bối cảnh này, thường gắn liền với sự chuyển giao, trưởng thành – và dễ tạo tiếng cười nhờ sự ngô nghê, lúng túng của các nhân vật. Tuy vậy, không ít tác phẩm thuộc dòng phim này từng gây tranh cãi, thậm chí bị cấm chiếu tại một số quốc gia.

American Pie (1999) xoay quanh bốn nam sinh trung học cùng lập lời thề sẽ “mất trinh” trước buổi dạ tiệc tốt nghiệp. Dù được xem là tượng đài của dòng phim hài tuổi teen Mỹ, tác phẩm vẫn gây ra không ít ý kiến trái chiều về cách tiếp cận giới tính và xây dựng miếng hài. Không ít tình tiết mô tả nhân vật nữ đơn thuần như một mục tiêu “tình dục”, hay một số cảnh gây cười dễ bị cho là quấy rối.

Một ví dụ tiêu biểu hơn là Sex Education (2019-2023). Series từng được ca ngợi về sự hài hước, duyên dáng, đồng thời tạo được chiều sâu về mặt thông điệp và nội dung. Tuy nhiên, bối cảnh học đường kết hợp với cách tiếp cận giới tính cởi mở, trực diện cũng khiến bộ phim vấp phải không ít chỉ trích tại nhiều quốc gia châu Á. Điều này cho thấy, ngay cả khi được xử lý tinh tế, chủ đề tình dục vẫn là “vùng nhạy cảm” dễ tạo nên phản ứng trái chiều.

Quay lại với Điều ước cuối cùng, thực tế, phần lớn tình huống mà đạo diễn Đoàn Sĩ Nguyên và biên kịch Trần Khánh Hoàng xây dựng đều nằm trên lằn ranh dễ gây tranh cãi. Nếu tách riêng khỏi bối cảnh phim, nhiều chi tiết hoàn toàn có thể bị chỉ trích.

Tuy nhiên, nhờ cách xử lý khéo và không khí của kiểu phim hài, tác phẩm tạo cảm giác các tình tiết 18+ chủ yếu là “làm lố” để gây cười chứ không nhằm phản ánh đời thực. Những cảnh nhạy cảm do vậy cũng hiện lên nhẹ nhàng hơn. Diễn xuất của dàn diễn viên trong các cảnh 18+ cũng giữ được chất hài hước, khiến tình huống không quá căng thẳng.

Ngược lại, trong một số phân đoạn mà ngôn ngữ điện ảnh không được xử lý tinh tế, các cảnh có yếu tố tình dục dễ gây tranh cãi, đặc biệt là những phân đoạn như Long nhờ chị mình “giúp” Hoàng, hay Thy quyết tâm làm “chuyện đó” với bạn thân.

Chưa kể, dù sở hữu nhiều miếng hài duyên dáng, bộ phim lại chưa truyền tải được nội dung và thông điệp một cách sâu sắc. Trong bối cảnh đó, các yếu tố 18+ vô tình trở thành điểm thu hút, thậm chí là điều được nhắc đến nhiều nhất – từ đó càng dễ tạo ra tranh luận.

Dấu hiệu của tình yêu

Tập truyện ngắn Dấu hiệu của tình yêu do Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) liên kết với Nhà Xuất bản Lao động ấn hành. Cuốn sách giới thiệu 24 truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Ma Văn Kháng, được ông sáng tác trong hơn hai thập niên gần đây, với bối cảnh trải rộng qua nhiều vùng miền của đất nước, cùng các nhân vật đa dạng về tuổi đời, xuất thân, nghề nghiệp, tướng mạo, tâm hồn…

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.