Chống hàng giả bằng nền tảng xác thực quốc gia

Việt Nam cần xây dựng nền tảng xác thực truy xuất nguồn gốc thống nhất để chống hàng giả hiệu quả. Doanh nghiệp mong muốn có hệ thống quốc gia thay vì các giải pháp rời rạc hiện tại.

Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” diễn ra ngày 8/7 tại Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cấp thiết cho vấn nạn hàng giả đang hoành hành.

Số liệu từ Bộ Công an cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả. Tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là hàng giả tập trung vào thực phẩm và dược phẩm – những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

“Hàng giả đang là vấn nạn từ siêu thị đến bệnh viện, đặt ra thách thức lớn với các đơn vị chức năng và gây hoang mang với người tiêu dùng”, Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia nhấn mạnh.

chong hang gia hang nhai anh 1

Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia nói về thực trạng hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Chí Hiếu.

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến hàng giả vẫn tồn tại là do thiếu hệ thống xác thực thống nhất. Mã định danh chưa được chuẩn hóa trên toàn quốc. Dữ liệu phân tán theo từng bộ ngành mà chưa tập trung. Việc truy xuất nguồn gốc hiện tại chỉ mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng chuỗi cung ứng thực tế.

Áp dụng công nghệ blockchain để chống hàng giả

Các chuyên gia đánh giá cao tiềm năng của công nghệ blockchain trong việc xác thực nguồn gốc hàng hóa. Công nghệ này tạo ra “hộ chiếu số” cho từng sản phẩm, giúp theo dõi toàn bộ hành trình từ nguyên liệu đến người tiêu dùng.

“Việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như blockchain, là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo an toàn thị trường”, Đại tá Phạm Minh Tiến khẳng định.

chong hang gia hang nhai anh 2

Ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia nhận định có thể dùng mã định danh trên toàn chuỗi sản xuất để làm “hộ chiếu số” cho sản phẩm. Ảnh: Minh Sơn.

Ông Bùi Bá Chính, quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia, phân tích hàng giả hiện nay chia thành 3 nhóm chính: Giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Chỉ riêng năm 2024, cơ quan chức năng đã xử lý 47.000 vụ việc tương tự.

Các nước phát triển như Mỹ, Canada và châu Âu đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc bằng mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất. Hệ thống này hoạt động hiệu quả và được đánh giá cao về độ tin cậy.

“Đây chính là hộ chiếu số cho sản phẩm, hướng đến thị trường quốc tế và đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa”, ông Chính nhận xét.

Doanh nghiệp đề xuất có nền tảng xác thực quốc gia

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã tự phát triển các giải pháp riêng để chống hàng giả. Tuy nhiên, những hệ thống này hoạt động rời rạc và chưa được cơ quan nhà nước xác thực.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ của Eco Pharma, chia sẻ thực tế khó khăn. Doanh nghiệp phải tự tạo các giải pháp như mã QR để truy xuất sản phẩm.

“Tuy nhiên, hàng giả như ma trận nên buộc công ty phải đưa ra nhiều biện pháp khác nhau”, ông Hoàng Tuấn Anh cho biết.

chong hang gia hang nhai anh 3

Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ của Eco Pharma cho rằng cần có xác thực nguồn gốc sản phẩm ở cấp quốc gia. Ảnh: Minh Sơn.

Vấn đề lớn nhất là chi phí vận hành cao và thiếu tính liên thông. Doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nền tảng khác nhau mà chưa kết nối được với dữ liệu quốc gia. Điều này gây lãng phí tài nguyên và giảm hiệu quả.

“Cần xác thực truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở cấp quốc gia và khách hàng có thể xác thực ngay từ điểm bán”, đại diện Eco Pharma đề xuất.

Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống thống nhất.

“Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới”, ông Huy cho biết.

Theo ông Huy, chỉ có hệ thống quản lý đồng bộ từ trung ương đến địa phương và áp dụng cho tất cả doanh nghiệp mới có thể định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiệu quả.

Hiện tại, Việt Nam đã công bố 35 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này cần được áp dụng sâu rộng và đi vào chuỗi cung ứng thực tế.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.