“Luân lý cao nhất luôn là luân lý của quy trình”, học giả Bickel viết. Trước vấn đề khó trong vùng xám, nhiệm vụ chính là đưa ra quy trình xử lý đúng đắn, hiếm khi được xử lý bằng sự thông minh xuất chúng chỉ của một cá nhân.
Một CEO rất thành công và được ngưỡng mộ đã từng nói: “Một người lãnh đạo cô đơn trên đỉnh Olympus thật sự không hay ho gì cả”. Quy trình rất quan trọng trong việc xử lý vùng xám bởi vì không ai biết trước các quyết định đưa ra có đúng hay không. Tất cả những thứ có thể biết đó là vấn đề đang được xử lý có theo đúng cách hay chưa mà thôi.
Vậy quy trình ở đây là gì? Cơ bản đó cũng là việc những nhà quản lý giỏi tốn nhiều thời gian nhất để thực hiện. Quản lý đơn giản là làm việc với người khác để hoàn thành những mục tiêu. Để giải quyết một vấn đề trong vùng xám, phải quản lý chặt chẽ việc làm thế nào để bản thân mình và những người khác làm việc với nhau để xử lý một công việc cụ thể. Đây sẽ là đề tài chúng ta sẽ nghe đi nghe lại nhiều lần trong khi tìm cách sử dụng năm câu hỏi đã nêu như những công cụ để đánh giá hệ quả thuần.
![]() |
Một người lãnh đạo cô đơn trên đỉnh Olympus thật sự không hay ho gì cả | Ảnh: Pexels |
Cách tiếp cận này có vẻ hơi kỳ cục và buồn chán. Suy cho cùng, các quy trình ở các tổ chức đều có những mối liên kết buồn chán như vậy: đó là những biểu đồ với các mũi tên chĩa lên, chĩa xuống, các vòng lặp giữa các khối và tất nhiên bao gồm cả những cuộc họp triền miên. Nhưng hãy chú ý đến câu nói của Alexander Bickel, một trong những học giả nổi tiếng đã từng đóng góp trong Hiến pháp Mỹ. “Luân lý cao nhất luôn là luân lý của quy trình”, Bickel viết. Nghe có vẻ như là khẩu hiệu của một nghề công chức bàn giấy, nhưng quả thật điều đó mang đến một ý nghĩa sâu sắc. Bởi vì khi đối mặt với vùng xám, chúng ta xử lý như thế nào cũng quan trọng như việc chúng ta quyết định làm cái gì.
Vậy tại sao điều này là quan trọng? Lý do chính là mọi thứ xung quanh ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới với một thứ do xã hội phát minh ra, đó là tổ chức. Các tổ chức này có thể lớn hay nhỏ, công khai hay riêng tư, chính thức hoặc không chính thức, được xem là những hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống này. Không có tổ chức, mọi thứ sẽ trở nên hỗn độn, công việc trở nên nhàm chán và gian nan, cuộc đời sẽ nhiều đau khổ và đoản mệnh. Những nhà quản lý sẽ giúp cho tổ chức hoạt động và việc họ cần làm là vận hành tổ chức theo một quy trình. Nhà quản lý và quy trình đã giúp cho thế giới này vận hành suôn sẻ.
![]() |
Sách Đằng sau một quyết định lớn. |
Chúng ta nói nhiều về điều này bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới đánh giá cao những nhà lãnh đạo nhưng lại nhìn những người quản lý như là những công dân hạng hai. Chúng ta cũng thường nghe rằng nhà lãnh đạo là những người có tầm nhìn, hình dung được công việc sẽ tiến triển như thế nào, họ thuyết phục được người khác bằng sự đam mê và cam kết, đôi khi họ có khả năng thay đổi thế giới.
Ngược lại, chúng ta chỉ đánh giá các nhà quản lý như là những người chỉ có nhiệm vụ giữ cho đoàn tàu chạy đúng giờ. Định kiến xưa nay chỉ xem họ không khác gì những ông thợ sửa ống nước hoặc những ông thợ máy già. Trong khi đó, họ là những người sắp xếp những buổi họp, xây dựng lịch làm việc và chuẩn bị ngân sách cho doanh nghiệp và tổ chức. Họ bị xem như là những đứa con ngoài giá thú, ngu ngơ trong các tổ chức. Một trong những câu thường nghe vừa sáo rỗng vừa rập khuôn thời nay là: “Lãnh đạo thì làm việc đúng, còn quản lý chỉ làm đúng việc”.
Câu nói này đã dẫn suy nghĩ của chúng ta đi sai hướng, cố tình không nói đến việc những nhà lãnh đạo xuất chúng trong lịch sử cũng chính là những nhà quản lý hiệu quả, những người đã thực hiện rất tốt các quy trình.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.