30 tuổi suy thận giai đoạn cuối vì bỏ qua dấu hiệu cảnh báo

Nam thanh niên ở Hà Nội bất ngờ khi biết những triệu chứng tưởng chừng bình thường như buồn nôn, mất ngủ hay thay đổi vị giác lại là dấu hiệu của bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân 30 tuổi, sống tại Hà Nội, trong tình trạng buồn nôn, mất ngủ hay thay đổi vị giác. Sau khi làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm và đo chức năng thận, bác sĩ cho biết anh đã bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Bệnh nhân cho hay anh bắt đầu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường khi thường xuyên mất ngủ triền miên, dù cả ngày mệt mỏi nhưng đêm đến vẫn không thể chợp mắt. Anh còn hay buồn nôn, miệng đắng, vị giác thay đổi khiến ăn uống kém ngon miệng. Nghĩ rằng những biểu hiện này chỉ là do căng thẳng công việc hoặc rối loạn tiêu hóa, anh chủ quan không đi khám ngay.

Tình trạng ngày càng nặng, buồn nôn liên tục, cơ thể mệt lả, anh mới đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát. Bác sĩ cho biết anh đã bị suy thận mạn giai đoạn cuối, cơ quan này gần như không còn khả năng lọc chất thải, buộc phải lọc máu định kỳ hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

TS.BS Nghiêm Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, cho biết bệnh thận mạn tính thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu. Những dấu hiệu như mất ngủ, buồn nôn hay thay đổi vị giác thực chất là do cơ thể bị ngộ độc bởi thận đã mất khả năng lọc chất thải.

Điều đáng tiếc là thanh niên này từng có dấu hiệu cảnh báo từ năm 2020, khi khám sức khỏe định kỳ phát hiện protein niệu – dấu hiệu sớm cho thấy thận đang bị tổn thương. Dù đã được bác sĩ khuyên theo dõi sát sao nhưng anh không tái khám đều đặn.

Đến năm 2022, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng nước tiểu có nhiều bọt, lâu tan – một dấu hiệu điển hình của tiểu đạm. Thế nhưng, anh vẫn chỉ uống thuốc theo đợt mà không tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.

“Tại trung tâm, mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng 30-40 ca suy thận mới, trong đó không ít bệnh nhân còn rất trẻ, dưới 30 tuổi và đang ở độ tuổi lao động sung sức. Đáng nói, nhiều trường hợp chỉ đến viện khi bệnh đã trở nặng, buộc phải lọc máu ngay lập tức”, TS.BS Dũng nói.

Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn đồng nghĩa với việc bệnh nhân mất cơ hội điều trị bảo tồn, chi phí điều trị gia tăng và cơ hội ghép thận cũng bị hạn chế, nhất là khi xuất hiện biến chứng như suy tim.

Vị chuyên gia cảnh báo lối sống thiếu khoa học đang làm gia tăng tỷ lệ người trẻ mắc bệnh thận mạn. Bên cạnh nguyên nhân viêm cầu thận, việc ăn uống nhiều muối, tiêu thụ đồ ăn nhanh, sử dụng thức uống không rõ nguồn gốc và sinh hoạt thất thường cũng là những yếu tố nguy cơ lớn.

TS.BS Dũng nhấn mạnh thói quen thức khuya, lười vận động và ăn uống không kiểm soát rất phổ biến ở giới trẻ, gây rối loạn chuyển hóa, béo phì và kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có suy thận.

Bộ sách “Bí ẩn hướng nội” chứa đựng nhiều thông tin và kiến thức rất hữu ích giúp bạn thấu hiểu chính mình, thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự nghi ngờ và đánh đồng bản thân với những định kiến rập khuôn của xã hội. Để từ đó bạn học cách yêu thương và trân trọng con người hướng nội của mình.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.