Năng lượng tái tạo ‘lãnh đòn’ từ siêu dự luật của ông Trump

Ông Trump đang dần xoá bỏ các ưu đãi thuế dành cho năng lượng tái tạo trong khi mở toang cánh cửa cho ngành khai thác dầu, khí và than trên toàn nước Mỹ thông qua siêu dự luật.

Siêu dự luật mới của ông Trump có thể đẩy ngành năng lượng sạch Mỹ vào thế khó khi cắt giảm mạnh các chính sách hỗ trợ. Ảnh: Especial.

Dự luật chính sách nội địa lớn nhất của Tổng thống Donald Trump, thường được gọi là “dự luật to, đẹp” đã được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 3/7, chỉ 2 ngày sau khi Thượng viện phê chuẩn với kết quả sít sao.

Đây là dấu ấn rõ rệt cho thấy định hướng ưu tiên nhiên liệu hóa thạch và sự quay lưng với năng lượng tái tạo của Nhà Trắng dưới thời ông Trump. Phát biểu trên Fox News ngày 29/6, ông Trump không ngần ngại chỉ trích điện gió và điện mặt trời.

“Tôi không muốn cối xay gió phá hoại vùng đất của chúng ta. Tôi không muốn những tấm pin mặt trời xấu xí trải dài hàng dặm, che kín cả sườn núi”, ông nói.

Dự luật này được xem là hiện thân cho chính sách “ưu tiên nhiên liệu truyền thống”, khi gần như đáp ứng đầy đủ mọi nguyện vọng cốt lõi của ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, đồng thời chấm dứt các khoản hỗ trợ thuế đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bùng nổ của điện gió và điện mặt trời tại Mỹ trong hai thập kỷ qua.

du luat cua ong Trump anh 1

Hạ viện Mỹ chính thức thông qua dự luật thuế và chi tiêu của ông Trump vào ngày 3/7. Ảnh: Reuters.

Nhiên liệu hóa thạch thắng lớn

Theo các điều khoản mới, chính phủ liên bang sẽ mở rộng đáng kể việc cho thuê đất và vùng biển phục vụ khai thác dầu khí – đảo ngược hoàn toàn chính sách hạn chế dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Cụ thể, dự luật yêu cầu tổ chức ít nhất 30 cuộc đấu giá khai thác dầu khí tại Vịnh Mexico trong vòng 15 năm tới, cùng hơn 30 cuộc đấu giá hàng năm trên đất liền trải dài qua 9 tiểu bang và cho phép mở rộng khai thác tại Alaska.

Không chỉ vậy, dự luật còn giảm mạnh mức phí bản quyền mà các doanh nghiệp phải nộp khi khai thác tài nguyên trên đất liên bang, tạo động lực thúc đẩy sản lượng khai thác dầu khí.

“Đây sẽ là đạo luật mang tính chuyển đổi lớn nhất trong nhiều thập kỷ liên quan đến quyền tiếp cận tài nguyên trên lãnh thổ và vùng biển liên bang”, ông Mike Sommers, Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ, nhận định với CNBC. “Gần như tất cả các ưu tiên cốt lõi của ngành đều được đáp ứng”.

du luat cua ong Trump anh 2

Siêu dự luật mới của ông Trump đang bật đèn xanh cho việc khai thác dầu, khí và than. Ảnh: Reuters.

Đạo luật cũng khuyến khích các công ty dầu khí tận dụng tín dụng thuế thu hồi carbon (carbon capture) – vốn được thiết kế để hỗ trợ công nghệ bắt giữ khí thải CO2 nhằm tăng sản lượng dầu thông qua bơm ngược khí thải vào các giếng cạn.

Ngoài ra, ưu đãi thuế cho nhiên liệu hydro cũng được kéo dài đến năm 2028 – muộn hơn nhiều so với các phiên bản trước đó. Các tập đoàn năng lượng lớn như Chevron hay Exxon đều đang đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất hydro.

“Tôi có nhiều thành viên dự kiến rót vốn lớn vào hydro, nên việc kéo dài đến cuối năm 2028 là bước đi quan trọng và rất được hoan nghênh”, ông Sommers nói.

Ngành than đá cũng là bên hưởng lợi lớn khi dự luật buộc chính phủ phải mở thêm ít nhất 4 triệu mẫu đất liên bang cho hoạt động khai thác. Đồng thời, thuế bản quyền với các công ty khai thác than cũng được giảm, và than luyện kim – nguyên liệu sản xuất thép – nay đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế sản xuất tiên tiến.

Năng lượng tái tạo thất thế

Trái ngược với nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, chịu thiệt hại nặng nề. Dự luật mới từng bước loại bỏ các khoản tín dụng thuế đầu tư và sản xuất điện sạch – vốn là trụ cột tài chính cho sự phát triển của ngành trong suốt ba thập kỷ qua.

Tín dụng đầu tư (Investment Tax Credit – ITC) được áp dụng từ năm 2005, còn tín dụng sản xuất (Production Tax Credit – PTC) có từ năm 1992. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) dưới thời Biden đã gia hạn các chính sách này đến ít nhất năm 2032.

Tuy nhiên, theo luật mới, các trang trại điện gió và điện mặt trời đi vào vận hành sau năm 2027 sẽ không còn được nhận ưu đãi thuế, trừ khi bắt đầu xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ khi luật có hiệu lực.

du luat cua ong Trump anh 3

Các khoản ưu đãi về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời từ thời chính quyền Biden đang dần bị loại bỏ. Ảnh: Reuters.

So với các phiên bản trước có hạn chót “cứng” là ngày 31/12/2027, lộ trình loại bỏ mới được đánh giá là “mềm hơn”, nhưng vẫn khiến các nhà đầu tư lo ngại vì thời gian chuẩn bị bị rút ngắn đáng kể.

“Dù có vài điều chỉnh tích cực, luật này vẫn làm suy yếu nền tảng phục hồi sản xuất và vị thế dẫn đầu năng lượng toàn cầu của Mỹ”, bà Abigail Ross Hopper, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, nhấn mạnh sau khi dự luật được Thượng viện thông qua.

Một khoản ưu đãi khác cũng bị ảnh hưởng là tín dụng thuế dành cho các trang trại sử dụng thiết bị sản xuất tại Mỹ nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chính sách này sẽ hết hiệu lực cho các dự án đi vào vận hành sau năm 2027, dù vẫn có ngoại lệ cho những dự án khởi công trong vòng một năm kể từ khi luật được ban hành.

“Nếu không có thay đổi nào, các nhà máy sẽ bắt đầu đóng cửa”, ông Michael Carr, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời, cảnh báo. “Những nhà máy từng khả thi cách đây hai tuần, nay có thể không còn khả thi nữa. Dòng vốn đầu tư vào ngành sẽ chậm lại đáng kể”.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Lẽ thường” – cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.