Trào lưu vừa học vừa nhảy gây tranh cãi tại Trung Quốc

Từ Hà Bắc đến Quý Châu, nhiều trường yêu cầu học sinh lắc người, vung tay và hô vang nội dung học để tăng năng lượng, ghi nhớ tốt hơn và vượt áp lực thi cử.

Các trường trung học ở Trung Quốc đã khuyến khích học sinh nhảy múa và hô to trong khi học để nâng cao tinh thần và giảm bớt áp lực học tập. Ảnh: QQ.com.

Một số trường trung học ở Trung Quốc đang khuyến khích học sinh thực hiện các động tác nhảy múa, lắc người và hô to bài học trong giờ tự học buổi sáng, với kỳ vọng cải thiện trí nhớ, nâng cao tinh thần và giảm căng thẳng học tập, theo SCMP.

Phương pháp này được gọi là “đọc sáng đam mê” (passionate morning reading) – một hình thức học tập năng động đang được nhiều trường trên khắp Trung Quốc triển khai.

Trong các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, có thể thấy học sinh trung học hăng hái vung tay, lắc lư cơ thể trong khi đọc to nội dung từ sách giáo khoa. Một số trường chỉ yêu cầu học sinh đứng tại chỗ nhưng vẫn hô vang nội dung học, tạo nên không khí sôi nổi kéo dài suốt 30 phút của buổi học sáng.

Tại những trường nổi tiếng với mô hình quản lý nghiêm ngặt kiểu quân đội như Trường Trung học Hoành Thuỷ ở tỉnh Hà Bắc, học sinh bắt đầu “đọc sáng đam mê” từ 6h sáng. Một trường khác tại tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) thậm chí cho biết hoạt động này diễn ra xuyên suốt buổi sáng.

Theo chia sẻ từ các nhà trường, hình thức học tập này giúp “kích hoạt năng lượng tuổi trẻ, nâng cao tinh thần học sinh và thúc đẩy hiệu quả ghi nhớ”.

Tại tỉnh Sơn Đông, một trường trung học đã yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa tiếng Anh và tiếng Trung một cách hăng say vào buổi sáng để rèn luyện kỹ năng đọc, cải thiện khả năng ghi nhớ và tăng sự tự tin trong học tập.

Chưa rõ trào lưu này bắt đầu từ đâu, song những ghi nhận sớm nhất có thể truy về năm 2021 trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Trường học được nhắc đến đầu tiên nằm ở tỉnh Thiểm Tây (tây bắc Trung Quốc), cho biết phong trào này xuất phát từ sáng kiến tự nguyện của học sinh cuối cấp.

Tại Trung Quốc, đặc biệt với học sinh cấp 3, áp lực học tập cực lớn, chủ yếu đến từ kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao) – vốn nổi tiếng khốc liệt và được xem là “cửa ải sinh tử” quyết định tương lai.

Năm nay, hơn 13,35 triệu thí sinh đã dự thi gaokao vào tháng 6. Con số này liên tục tăng kể từ năm 2019 khi vượt mốc 10 triệu, và chỉ ghi nhận sụt giảm nhẹ so với 13,42 triệu thí sinh của năm 2024.

Chính niềm tin rằng gaokao là con đường duy nhất để đổi đời đã góp phần củng cố phương pháp giáo dục kiểu quân đội, nổi bật là “mô hình Hengshui” – nơi học sinh bị yêu cầu học tới 16 tiếng mỗi ngày.

Một học sinh Trường Trung học số 2 Hoành Thuỷ cho biết giờ nghỉ trưa của các em chỉ kéo dài 15 phút. Một cựu học sinh khác tại Hà Bắc chia sẻ, trường của em chỉ cho phép tắm 2 lần/tuần vì “coi đó là lãng phí thời gian.”

Phương pháp “đọc sáng đam mê” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Có người ủng hộ: “Vừa vận động vừa học giúp ghi nhớ bài vở khó tốt hơn”. Người khác cho rằng: “Ít nhất còn hơn việc để học sinh chơi điện thoại suốt ngày”.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến hoài nghi lắc người như vậy thì có thể tập trung để học được hay không hoặc có học sinh chia sẻ không thích phương pháp này nhưng vẫn thực hiện cho giống các bạn.

“Lắc người như vậy thì học kiểu gì?”, một người sử dụng mạng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, một cựu học sinh từng trải nghiệm thẳng thắn chia sẻ: “Tôi bị bắt đọc to đến mức khản cả tiếng. Không ai hỏi tôi có muốn làm vậy không”.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc – một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.