Trong lịch sử Thái Lan, việc các thủ tướng bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ hoặc bãi nhiệm không phải điều hiếm gặp.
![]() |
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và cựu Thủ tướng Srettha Thavisin. Ảnh: Thai Post. |
Trong vòng 20 năm qua, đã có 5 thủ tướng Thái Lan bị tòa án đình chỉ chức vụ hoặc miễn nhiệm. Trong số đó, chỉ có duy nhất cựu thủ tướng Prayut Chan-o-cha vượt qua “cửa ải” này và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tới khi hết nhiệm kỳ.
Khi tòa ra phán quyết
Chưa đầy một năm trước, tháng 8/2024, cựu Thủ tướng Srettha Thavisin – người tiền nhiệm và cũng là đồng minh thân cận của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra – bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cách chức với cáo buộc bổ nhiệm một bộ trưởng có tiền án hình sự.
Trước đó, ông Srettha đã bổ nhiệm luật sư Pichit Chuenban vào vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng, bất chấp việc ông Pichit từng bị tuyên án 6 tháng tù vì vướng vào nghi án đưa hối lộ hồi năm 2008. Bản thân ông Pichit phủ nhận cáo buộc này.
Kể cả khi ông Pitchit đã từ chức với mong muốn cứu vãn sự nghiệp chính trị của ông Srettha, với 5 thẩm phán đồng ý và 4 thẩm phán phản đối, Tòa án Hiến pháp vẫn cho rằng ông Srettha đã vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức và quyết định bổ nhiệm của ông là vi hiến.
Khác với vụ việc lần này, ông Srettha bị bãi nhiệm trực tiếp mà không có khoảng thời gian đình chỉ để bào chữa. Sau khi ông Srettha bị bãi nhiệm, bà Paetongtarn đã được Quốc hội Thái Lan bầu làm thủ tướng mới.
Tháng 8/2022, người tiền nhiệm của ông Srettha là Thủ tướng Prayut Chan-ocha cũng bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ trong quãng thời gian tòa này xem xét khiếu nại về việc ông Prayut đã tại nhiệm quá thời hạn quy định trong hiến pháp.
Hiến pháp Thái Lan đặt giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng là 8 năm. Theo đơn khiếu nại, quãng thời gian này cần được tính từ cuộc đảo chính năm 2014, khi ông Prayut bắt đầu nắm quyền lực.
Khi ông Prayut bị đình chỉ chức vụ, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon – đồng minh của ông – trở thành thủ tướng tạm quyền. Do đó, vị thủ tướng xuất thân quân đội vẫn duy trì được sức ảnh hưởng.
![]() |
Ông Prayut và ông Prawit. Ảnh: Reuters. |
Cũng giống như bà Paetongtarn hiện nay, ông Prayut cũng kiêm nhiệm một chức danh bộ trưởng khi bị đình chỉ – khi đó là bộ trưởng Quốc phòng. Do đó, ông vẫn có thể duy trì ảnh hưởng và có chân trong nội các.
Tới ngày 30/9/2022, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết rằng quãng thời hạn 8 năm được tính từ ngày 6/4/2017 – khi bản hiến pháp hiện hành chính thức có hiệu lực. Quãng thời gian ông lãnh đạo đất nước trước đó không được tính đến.
Theo phán quyết này, ông Prayut có thể giữ chức thủ tướng tới năm 2025. Trong số 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, 6 người đồng ý với phán quyết, 3 người có ý kiến khác.
Không phải lần đầu
Trước ông Srettha và bà Paetongtarn, đã có 3 thủ tướng khác từ đảng Pheu Thai và các đảng tiền thân bị cơ quan tư pháp Thái Lan bãi nhiệm.
Tháng 5/2014, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết phế truất thủ tướng Yingluck Shinawatra – cô ruột của Thủ tướng Paetongtarn – với cáo buộc bà Yingluck lạm dụng quyền lực khi quyết định thuyên chuyển ông Thawil Pliensri khỏi vị trí Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan hồi năm 2011.
Theo Tòa án, bà Yingluck đã thay thế ông Thawil bằng cựu Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Wichean Potephosree, qua đó “dọn chỗ” cho tướng Priewphan Damapong trở thành người đứng đầu lực lượng cảnh sát.
Chỉ hai tuần sau phán quyết, quân đội Thái Lan – do tướng Prayut đứng đầu – tiến hành đảo chính, lật đổ Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Boonsongpaisan và bắt giam bà Yingluck.
6 năm trước đó, chỉ trong 4 tháng cuối năm 2008, hai thủ tướng thuộc các đảng tiền thân của Pheu Thai cũng bị Tòa án bãi nhiệm.
Tháng 9/2008, Tòa án Hiến pháp cho rằng Thủ tướng Samak Sundaravej – người mới chỉ nhậm chức từ đầu năm – đã vi phạm hiến pháp khi tham gia dẫn chương trình nấu ăn sau khi đã nhậm chức.
![]() |
Bà Paetongtarn vẫy tay khi rời văn phòng chính phủ Thái Lan sau khi bị đình chỉ chức vụ hôm 1/7. Ảnh: Reuters. |
Ông đã dẫn chương trình này trong suốt 8 năm trước đó khi còn là Thị trưởng Bangkok. Tuy nhiên, hiến pháp Thái Lan quy định thành viên nội các không được làm thuê cho bất cứ ai. Việc ông Samak nhận tiền di chuyển và mua nguyên liệu từ đơn vị tổ chức đã bị diễn giải là hành vi gây xung đột lợi ích.
Chỉ 3 tháng sau, người kế nhiệm ông Samak là Thủ tướng Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin, cũng bị bãi nhiệm và cấm hoạt động chính trị 5 năm sau khi Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải tán đảng Quyền lực Nhân dân – tiền thân của Pheu Thai – với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử một năm trước đó.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Tri Thức – Znews giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung – Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học – Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.